Công trình văn hóa hay là nỗi xấu hổ

Thứ Tư, 07/09/2011, 16:01
Người làm văn hóa không thấm được giá trị văn hóa dân tộc mình, không ý thức được sự nguy hại từ những sản phẩm văn hoá lai căng ra cộng đồng, thì cái gọi là "một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" mãi mãi chỉ là thứ được hô hào trên sách vở mà thôi.

Sản phẩm văn hóa hay một công trình giả cầy?

Tôi đã không thể tin được những gì mình đang nhìn thấy. Một Vạn lý trường thành dài cả mấy trăm mét, nghễu nghện mọc lên trên đồi Mộng Mơ - Đà Lạt. Chưa hết, hai bên thành, người ta còn "công phu" dựng lên những đội quân kiểu cổ xưa của Trung Quốc, mặt mũi lạnh lẽo, với giáo mác lăm lăm trong tay, như đang thực thi nhiệm vụ giữ thành.

Cạnh cổng ra vào dãy trường thành "hàng nhái" là câu thơ "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" cũng được copy - paste tại đây.

Cách đấy không xa là khu nhà trưng bày và sân khấu biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Và đương nhiên, khu nhà ấy không thể "ấn tượng", "hoành tráng" như khu Vạn lý trường thành giả hiệu, nằm ngông nghênh trên quả đồi thơ mộng của xứ Đà Lạt yêu kiều.

Một sự kệch cỡm đến đáng xấu hổ. Tôi không thể dùng một sự biểu đạt nào nhẹ nhàng hơn thế nữa.

Tại sao một không gian văn hoá thuần Việt lại nảy ra một sản phẩm phi văn hoá đến như vậy? Tôi không biết ai là người sẽ giải thích cho sản phẩm lai căng, kệch cỡm vừa mọc lên ở đồi Mộng Mơ này? Ai là người muốn thành hảo hán nên phải vội dựng lên một bức tường thành nông choen hoẻn, ngoằn ngoèo như trẻ con chơi xếp hình thế này? Như thế việc thành hảo hán hẳn sẽ nhanh hơn chăng? Thật là nực cười!

Sẽ không đáng nói như công trình nhái Vạn lý trường thành mọc lên ở một nơi vui chơi giải trí, kiểu như Đầm Sen, Suối Tiên ở thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó người ta có thể dựng lên mô hình các công trình nổi tiếng thế giới như Quảng trường La Mã, vườn Bonsai, Disneyland, nhà búp bê… Còn ở đây, tọa lạc trên một quả đồi nổi tiếng của Đà Lạt, bên cạnh nơi lưu giữ văn hoá phi vật thể của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, lại mọc ra một công trình "giả cầy" thực sự chướng mắt.

Công trình mọc lên, người hiểu biết thì thở dài, chua chát lắc đầu. Người vô tư thì mặc sức leo trèo tạo dáng chụp ảnh. Hứng chí lên thì khoác cho mình bộ quần áo kiểu Hoàn Châu cách cách, và cười hể hả như thể trong tích tắc mình đã bay sang tận xứ người, được đặt chân lên dãy trường thành huyền thoại!

Khách tham quan xét cho cùng thì cũng có lỗi gì đâu. Đáng trách là trách người đã đề xuất và phê chuẩn cho công trình được xây dựng ở chỗ ấy. Tôi thực sự không hiểu nổi tư duy của người đề xuất công trình, người duyệt công trình và người đã cho thi công nó. Chẳng lẽ không một ai cảm nhận được sự bất ổn ở một công trình "văn hoá hàng nhái" như vậy?

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của anh Trần Trung Sơn viết trên Tuanvietnam rằng: "Ai cũng biết, một công trình văn hóa du lịch cho cộng đồng, điều trên hết nó phải mang tính giáo dục - giáo dục thẩm mỹ, giáo dục về cội nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc... cho bất cứ ai đến thăm, vui chơi, nhất là với thế hệ con cháu chúng ta. Cái điều quá đỗi đơn giản ấy lại được những người "giàu trí tuệ" dựng lên đây một công trình "Trường Thành" hoàn toàn của Trung Quốc. Thử hỏi những ai là "tác giả" của công trình ngoại lai này, và muốn giáo dục điều gì cho mọi người?".

Tôi không hiểu rồi đây công trình liệu có bị dỡ bỏ hay lại được tặc lưỡi cho qua. Vì sẽ có sẵn hàng trăm lý do để xin được "nương tay", nào là công trình tốn tiền tốn của, bỗng dưng bị phá bỏ thì thiệt thòi cho nhà đầu tư, mang tiếng cho người đề xuất, và ảnh hưởng đến uy tín của người phê duyệt. Và mớ trách nhiệm bùng nhùng ấy sau đi suy đi xét lại rất dễ có nguy cơ "hoà cả làng".

Nhưng nếu tặc lưỡi cho qua, thì cái nguy cơ lệch lạc về văn hoá trong giới trẻ, xin đừng chỉ đổ tội cho bọn trẻ. Chính người lớn chúng ta đang tiếp tay cho chúng.

Người làm văn hoá không thấm được giá trị văn hoá dân tộc mình, không ý thức được sự nguy hại từ những sản phẩm văn hoá lai căng ra cộng đồng, thì cái gọi là "một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" mãi mãi chỉ là thứ được hô hào trên sách vở mà thôi.

Những giá trị văn hóa dân tộc đang bị khuất lấp

Với mong muốn tìm kiếm những thông tin về việc xây dựng công trình phản văn hoá này, tôi đã  vào trang http://www.dalathotel.vn. Tại đây tôi đọc được những dòng giới thiệu "có cánh" về Vạn lý trường thành "made in Việt Nam",  đăng tải lên mạng ngày 30/7/2010, xin được trích ra đây:

Nếu Vạn lý trường thành dài 6.700km trải dài từ đông sang tây, băng qua sa mạc, đồng cỏ, núi non (có nơi cao hơn 1.000 mét) và là chứng nhân lịch sử, văn hoá, sự phát triển trong suốt 2.400 năm lịch sử của Trung Quốc thì Vạn lý trường thành thu nhỏ tại đồi Mộng Mơ Đà Lạt chỉ dài 2km. Đó là mô hình gần giống như một đoạn Vạn lý trường thành (…) Năm 2003, đồi Mộng Mơ nằm trên những ngọn đồi cách Đà Lạt 4km, đi ngả Phù Đổng Thiên Vương, gần thung lũng Tình Yêu. Vạn lý trường thành thu nhỏ đã được xây dựng và đã thành công vì ngay tức khắc nơi này đã gây sự tò mò của hàng ngàn người tìm đến.(…)

Những ngôi nhà sàn ở một nhánh rẽ của trường thành không thể nào không gây tò mò cho bạn. Một nhà sàn chứa toàn những ché chum của nhiều dân tộc khác nhau, đây là bảo tàng ché chum quý giá, được sưu tập kỳ công. (…) Cách đưa các nhà sàn vào trong không gian trường thành (tác giả xin được nhấn mạnh) khiến cuộc hành trình trở nên hấp dẫn (…).

Vạn lý trường thành ở Đà Lạt

Một điểm du lịch đã "ăn theo" một công trình của nước bạn, tạo ra một không gian nửa Tầu nửa Việt, chắp vá và khiên cưỡng trong khu vực đồi Mộng Mơ, đã được quảng bá là "ngay tức khắc nơi này đã gây sự tò mò của hàng ngàn người tìm đến". Điều đáng buồn hơn là những người làm du lịch lại coi việc đưa các nhà sàn vào không gian trường thành là điểm khiến cho "cuộc hành trình trở nên hấp dẫn". Theo đó một tour du lịch dọc trường thành gồm các hạng mục chính: đi chinh phục trường thành, ngắm thác nước, ngắm nóc nhà cổ 300 tuổi được mua từ Bình Định, tham quan Bảo tàng Cồng chiêng Tây Nguyên.

Nhân đây, cũng xin được nói thêm, chính tại Việt Nam, đang tồn tại một Vạn lý trường thành của riêng người Việt lại ít người biết đến. Đó là di tích lịch sử Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định. Công trình này đươc triều Nguyễn xây dựng từ thế kỷ 17 -18, có chiều dài tới 200km, nối từ huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi đến huyện An Lão tỉnh Bình Định. Trường Lũy nằm dọc qua 9 huyện của dãy Trường Sơn Đông. Theo Giáo sư Phan Huy Lê, đây là di tích lịch sử có chiều dài lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Sự khác biệt giữa Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định với các công trình trường lũy khác chính là cách sắp xếp giao thoa, xen lẫn giữa đá và đất. Lũy được đắp hoàn toàn bằng đá để tránh sạt lở, chiều cao thông thường từ 1 đến 3m, có điểm cao 4m; mặt trường lũy rộng 2,5m, chân dày tới 4m.

Giá như trong không gian ấy, bên cạnh những nếp nhà sàn Tây Nguyên, bên cạnh những nếp nhà cổ của Bình Định là Trường lũy thì không gian văn hoá thuần Việt ấy sẽ ấm lòng du khách đường xa biết bao nhiêu.

Trong cuộc trò chuyện với họa sĩ TC cách đây ít lâu, tôi đã ngồi lặng đi rất lâu trước câu chuyện của ông về "thảm họa Tầu hoá" các chùa Việt Nam. Vốn là người ham thích khám phá không gian văn hoá chùa chiền, những kiến trúc đặc sắc của người Việt qua từng thời kì thể hiện rất rõ trong kiến trúc của từng ngôi chùa, nhưng giờ đây, họa sĩ TC không dám đặt chân đến ngôi chùa nào nữa.

Vì ông sợ. Giờ đây chùa nào cũng đua nhau tu bổ sửa sang. Tu bổ sửa sang kiểu gì không biết, chỉ thấy những đường nét kiến trúc truyền thống bị phá vỡ. Rồi những chùa mới xây, xanh đỏ rực rỡ, tiếp tục ngầm ganh đua nhau về các danh hiệu to nhất, cao nhất. Mà phàm đã là người xuất gia, đã là chốn tu thiền, thì sự ganh đua đua kia bỗng trở thành thứ kệch cỡm mất rồi. Thế nên chùa Việt xưa mới tồn tại những ngôi chùa ẩn mình trong hang núi, những ngôi chùa nép mình bên cây đa bến nước, khiêm nhường và thanh tịnh.

Bản sắc văn hoá ấy - đau đớn thay - cứ biến đổi hằng ngày, nhanh đến không tưởng. Đến lúc con cháu chúng ta hỏi về văn hoá dân tộc mình, tôi không biết chúng ta sẽ trả lời chúng ra sao?

Hằng ngày bước ra đường, chúng phải căng mắt ra đọc những tên cửa hàng cửa hiệu nửa tây nửa ta. Đọc báo hằng ngày, chúng phải quen với cả tá ca sĩ diễn viên có nghệ danh "lai tây". Đến ngày lễ tết, phố xá nhà chúng cũng chăng đèn lồng đỏ rực như phố Tầu, thì nguy cơ phai màu văn hoá dân tộc không chỉ là lời cảnh báo nữa rồi.

Câu chuyện Vạn lý trường thành ở Đà Lạt rồi đây không biết có được cứu vãn hay không?

Tôi quả thực không dám nghĩ nữa…

Vũ Anh - số 52
.
.
.