Chuyện thú vị về bãi tắm tiên Hà Nội

Thứ Bảy, 03/09/2011, 16:09
Những thân hình đàn ông với đủ các thể loại, kích cỡ, màu sắc, trần như nhộng đang nhấp nha nhấp nhô nơi bãi giữa sông Hồng khiến chúng tôi vừa tò mò, ngạc nhiên vừa xấu hổ.

Nơi này dành riêng cho đàn ông, (hay đúng hơn là làm đàn bà thì đừng dại mò đến đây), thế nên nhác thấy bóng dáng phụ nữ, tất cả bọn họ nhao hết xuống nước, nhưng vẫn còn mấy "cụ" lỳ hơn, (mặc kệ chúng mày), ông vẫn khoanh chân vòng tròn, mắt nhắm, hai tay đặt trên đùi trong tư thế thiền.

Nhưng giời ạ! Từ bé đến giờ, tôi chưa từng nhìn thấy một cụ ông nào lại tập Yoga hoặc ngồi thiền trong cái tư thế thiên nhiên như... người “điên” này. Nhưng mà, nghe họ nói lý do, kể cũng hợp lý và thú vị ra phết!

Thoát xác?

Từ cầu Long Biên, phi chiếc xe "sắp chết rồi" (SCR) trên cái dốc dựng ngược xuống bãi giữa, quả tình tôi thấy mình đúng là... sắp chết rồi vì quá nguy hiểm. Phải vòng vèo vài trăm mét nữa trên một con đường mòn nhỏ xíu, chỉ đủ hai người lách nhau, hai bên là um tùm lau lách mọc quá đầu người, có cảm giác nếu không được một cậu bạn thường xuyên đến đây tắm... truồng đợi trước, chúng tôi thực sự không dám tìm đến. Bởi sự hoang sơ, rờn rợn và im ắng đến kinh ngạc. Bãi tắm hiện ra với nhấp nhô các "quý ông", "quý cậu", "quý chàng", trăng trắng, nâu nâu những tấm lưng.

Trước khi đến đây, tôi đã cố tình cất chiếc kính cận ở nhà, để với tầm mắt nhìn xa... từ nhà xuống bếp của mình, sẽ không còn ngại ngần nữa. Mấy anh chàng "búp măng", trắng nhễ nhại (chắc là sinh viên) đang ngồi trong chiếc quán của mẹ con chị Tâm (một cư dân vạn đò), được dựng vội bằng mấy chiếc cọc, người ướt lướt thướt sau một hồi bơi lội, trên người chỉ mặc độc chiếc quần sịp (đấy là trang phục cực kỳ kín đáo ở nơi này), ngồi ăn trứng vịt lộn. Thấy chúng tôi, họ không còn tạo dáng thiên nhiên nữa mà "e ấp" hơn.

Bãi tắm nhìn từ xa khá nhỏ nhưng đông người. Lúc ấy là khoảng 17h30 nhưng trên bờ có đến vài chục chiếc xe máy, ngắm vội cũng thấy rất nhiều "cụ ông". Nghe nói, bãi tắm này được phát hiện từ 7-8 năm nay, ban đầu chỉ là một vài người đàn ông có thói quen ra đây tắm, sau thấy nơi này rất thuận lợi cho việc... tắm tiên vì không gian kín đáo và tuyệt đối không nghe thấy bất cứ âm thanh phố phường nào vọng đến, như trở về thời tiền sử, dần dần người ta tìm đến nhiều hơn. Hà Nội có nhiều bể bơi nhưng lại không có bãi tắm thiên nhiên, vì thế, đây là lựa chọn số 1 của những người thích sự hoang dã.

Quyết định tiến đến gần hơn nữa để hỏi chuyện họ, chúng tôi đi men theo bờ, ra tới mảng đất được gọt đẽo nham nhở. Chưa kịp tìm nhân vật để phỏng vấn thì bất ngờ, ngay sát chân tôi, một mô đất tự nhiên... nhúc nhích. Hết cả hồn, tôi nhảy lùi lại thì thấy một người bật dậy, khắp người anh ta trát kín bùn đất từ đầu đến chân, chỉ để hở mỗi hai con mắt nhấp nháy như... ma. Hóa ra, đây là môn tắm bùn kiểu mới. Bùn nguyên chất trăm phần trăm, bôi lên người cứ gọi là mát rười rượi.

Không phải là một mà là hai, ba, rồi bốn, bất ngờ những "thằng người bùn" từ dưới đất bật dậy nhìn chúng tôi cười ngoác miệng. Cái thú nghịch bùn đất thì tuổi thơ của ai cũng có, nhất là với những người sinh ra cách đây 3-4 chục năm, thậm chí nhiều hơn thế. Sau rất nhiều năm rời quê ra phố mải miết mưu sinh, họ chợt nhận ra cuộc sống của mình có thừa nhiều thứ, nhưng cái làm nên sự trong trẻo, thánh thiện trong tâm hồn thì ngày một mất dần.

Anh Thanh (một kiến trúc sư ở Hà Nội) thường xuyên có mặt ở bãi tắm tiên này ngày cuối tuần có cái thú không giống ai là đào một cái hố nằm ngang rồi chui cả người vào, mặt mũi cũng bê bết bùn đất, nhìn rất giống lính đặc công, anh nói: "Nắng nóng Hà Nội những ngày 38-40 độ, được chui vào cái hang mát rượi, làm bằng đất phù sa tơi mịn, thật chẳng điều hòa nào bằng. Chỉ cần mỗi tuần một lần ra đây là lại có thêm nhiều năng lượng. Không tiền nào mua được".

Còn "cụ ông" Trần Văn Tâm, năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng lại có cái thú tắm sông kiểu trẻ con, nhà ở bên kia cầu Long Biên kể: "Tôi tắm ở đây năm nay là năm thứ 4 rồi, trước đây cũng cao huyết áp, bệnh tật nhiều lắm, từ ngày chịu khó bơi lội ở đây, bệnh tật biến đâu mất, lâu lắm chả phải uống viên thuốc nào".

Gần ngay bên cạnh ông Tâm là một "cụ" khác đang tập Yoga, hai chân ngoắc lên cổ, còn lưng dựa vào bãi đất phù sa mịn màng. Khao khát được giải phóng cơ thể, trở về với thiên nhiên (hoặc bảo vệ thiên nhiên) hình như đã được ít nhất là người mẫu Ngọc Quyên và nghệ sĩ đương đại Lại Thị Diệu Hà thể hiện trong các tác phẩm chụp ảnh nude giữa thiên nhiên (để kêu gọi lâm tặc đừng chặt cây) và giải phóng chú chim sẻ bé nhỏ khỏi... miệng mình.

Giờ đây, tôi lại được tận mắt cảm nhận tinh thần của thông điệp ấy tại một nơi rất hoang sơ này. Nếu khéo PR một chút, e rằng, mấy bức ảnh của cô người mẫu nọ chỉ ở vị trí thứ hai so với những bức ảnh ngồi tập Yoga trong tình trạng nude toàn phần như thế này.

Một cậu sinh viên thấy chúng tôi loanh quanh trên bờ nên xấu hổ mãi không dám lên, đến khi bạn cậu trên bờ giục nhiều quá, cậu đánh liều cầm chiếc can nhựa trắng, che vào chỗ cần che rồi chạy một mạch. Nhiều bác già ở đây có kiểu tắm rất lạ, buộc cái can nhựa vào một chiếc dây, một đầu dây lại buộc vào người, các bác bảo làm thế nếu lúc nào mệt quá hoặc sắp đuối nước, sẽ có phao cứu trợ, an toàn tuyệt đối. Nhìn họ lúc này, không thấy giống cư dân Thủ đô, mà hao hao những ông lực điền nơi miền quê thôn dã, chiều chiều tắm ở bến sông, sau khi đã hoàn thành xong mấy đường cày.

Nhìn nhiều nên... chả thấy gì

Chỉ cách bãi tắm của "các bác" chừng dăm chục bước chân, là quán nước của gia đình chị Tâm. Chị Tâm kể, quê gốc của chị ở tận Hưng Yên cơ, nhưng chẳng hiểu cơn cớ gì mà gia đình chị lại sinh sống trên chiếc thuyền ở mép nước sông Hồng này dễ đến hai chục năm nay rồi. Chồng chị hàng ngày lên bờ làm thuê cho người ta, còn chị thì mở hàng nước phục vụ "các bác" ngày nào cũng ra đây tắm.

"Chị có ngại không, khi mà những người đàn ông đằng kia ngày nào cũng đến đây tắm và... không mặc gì?" - tôi hỏi chị. "Ngại cái chết gì, việc mình mình làm, việc họ họ làm" - người đàn bà có nước da đen giòn và thân hình sắt lại vì lam lũ bộc tuệch trả lời. Chị vừa đút những cây củi vớt được trên sông vào bếp để luộc trứng vịt lộn bán cho khách, vừa chu mồm thổi lửa, vừa trò chuyện cởi mở với tôi. "Có bao giờ chị bị trêu chọc không?". "Kh...ô...ng" - chị Tâm kéo dài từ "không" rất to vẻ quả quyết, cảm giác làm váng động cả mặt sông.

"Trêu cái gì. Họ đến đây tắm, cần uống nước mình bán. Cần ăn mình cung cấp. Thế thôi". "Nhưng ban đầu cũng phải ngại chứ!". Chị Tâm chợt hạ giọng: "Nói thế chứ ban đầu cũng ngại thật, nhưng sau quen, giờ nhìn mãi... chả thấy gì", rồi người đàn bà vạn đò cười khanh khách, vô tư như cuộc sống quanh năm chỉ lập lờ trên mặt nước của gia đình chị.

Tôi để ý thấy cô bé Mai, năm nay học lớp 5, con gái chị Tâm ngồi luộc trứng phụ mẹ, nhưng em toàn ngồi quay lưng về phía "các bác", không hiểu có phải do được mẹ dạy hay vì em đã ý thức được cái sự tắm "bất thường" của "các bác" hay không. Thỉnh thoảng lại có vị khách gọi nước, gọi trứng vịt lộn, bé Mai dường như đã quen nên cũng... không thấy gì. Bây giờ em mới học lớp 5, nhưng dăm ba năm nữa, khi em đến tuổi thiếu nữ, nhà em thì vẫn ở trên thuyền, ngay cạnh vẫn là "các bác" ngày nào cũng đến đây tắm như trẻ con, cứ hình dung ra cảnh ấy, tôi lại thấy lo lo kiểu gì.

Mới đây, có một câu lạc bộ gọi là "câu lạc bộ bơi lội sông Hồng" đã ra đời với khoảng 100 thành viên, tôi đọc được biển quảng cáo ngay trên một chiếc thuyền, có cả dịch vụ cho thuê phao bơi, can nhựa. Để phục vụ nhu cầu ăn uống của khách tắm sông, một chiếc thuyền trưng biển "phục vụ ăn uống" cũng ra đời.

Một bác già chép miệng: "Chỉ mấy năm nữa là chúng tôi phải tìm bãi khác thôi, cứ nơi nào xuất hiện các dịch vụ thương mại thì sự hoang sơ, nguyên bản cũng dần biến mất. Nhân tạo thì là thứ dễ kiếm nhất ở đất Hà Nội này, nhưng tự nhiên thì còn mấy nẻo". Cái sự lo của bác già kể ra cũng đúng, nhưng người thành phố khôn lắm, đây là bãi tắm tiên thứ hai ở sông Hồng chứ bãi đầu tiên giờ đông mà nhộn nhạo lắm, kiểu gì rồi cũng có bãi thứ ba, thứ tư ra đời chừng nào người ta còn có nhu cầu.

Đã là thiên nhiên hoang sơ thì không có người quản lý, vì thế, khi tôi đề cập đến những vấn đề khác như một số đối tượng đồng tính sẽ mò đến đây, anh Thanh (kiến trúc sư) bảo, quan trọng là ý thức của mỗi người, khi họ có ý thức tìm đến với thiên nhiên, trở về với thiên nhiên thì đầu óc của họ chắc chắn cũng phải sạch sẽ. Nếu hoang sơ và "sạch sẽ" đúng như những gì mà người đến đây tắm cảm nhận, thì đây sẽ là một sân chơi lành mạnh cho tất cả những ai yêu thích thiên nhiên và muốn sống thân thiện với nó.

Trên thế giới có nhiều bãi tắm tiên nổi tiếng, đặc biệt như Tây Ban Nha có nhiều bãi tắm tiên nhất thế giới, trong đó có bãi tắm Playad Es Cavallet có chiều dài 1,1km, cách trung tâm thành phố chỉ 10 phút đi bộ. Ở Australia có hẳn một Olympic nude, dành riêng cho các cặp đôi, những người tham gia khỏa thân, chơi các trò thi đấu thể thao. Ở Mỹ có một bãi tắm được đánh giá là thân thiện nhất thế giới, tên là Mazo, thuộc bang Wis Consin. Đây là bãi tắm dành riêng cho gia đình, tức là tam đại, ngũ đại đồng đường đều đồng lòng cởi quần áo lao ra biển.

Một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng, từng nghiên cứu về sự ra đời của bãi tắm tiên tự phát giữa lòng Hà Nội này cho rằng: "Vào những năm 1992-1993, nước ta bước vào giai đoạn đầu của việc xóa bỏ chế độ bao cấp. Người dân bắt đầu cởi mở hơn với thế giới bên ngoài, bao nhiêu ràng buộc, khuôn mẫu cứng nhắc đã được xóa bỏ.

Mọi người bắt đầu dám nói đến cái tôi, cá tính riêng, khát vọng tự do cá nhân... và hiện tượng một nhóm người lao ra bãi giữa sông Hồng để "tắm tiên" chính là một biểu hiện "mở cửa" của con người giai đoạn lịch sử đó. Đó là một cảm giác muốn được sòng phẳng với thiên nhiên, công bằng với nhau, đều trần truồng như khi vừa sinh ra. Liệu đó có phải là khát vọng tự do, ước mơ bình đẳng dưới mặt trời?

Đinh Hiền – CSTC tuần số 73
.
.
.