Chuyện những người bán tóc

Thứ Tư, 30/09/2009, 15:12
Xoay đủ nghề vẫn không đủ cho 2 đứa con học đại học, cô Nhung quyết định bán tóc của mình. Mái tóc đen bóng, mượt mà, dài đến tận gót chân của cô lần đầu bán được giá trị gấp một trăm lần gánh rau kia vẫn chưa đủ chi tiêu một tháng cho cả hai đứa con.

Quê hương bao giờ cũng là miền yên bình thân thương nhất, là nơi ta tìm về để thân xác và tâm hồn ta được chìm đắm như một cơn mơ lộng lẫy trong bầu không khí trong lành và thơm thảo nhất.

Một chiều tháng năm, tôi trở về ngôi làng bé nhỏ của mình sau những tháng ngày học tập vất vả ở thành phố. Quê tôi đang vào vụ gặt, bước qua cổng làng tôi đặt chân lên con đường  đất quen thuộc. Vẫn con đường đầy rơm rạ, sau trận mưa đêm mùi đất và mùi rơm trộn lẫn bốc lên một mùi ngai ngái. Mùi của quê hương như đang gột rửa con người  còn vướng bụi thị thành.

Và những người đàn bà làng tôi vẫn đen đúa, gầy gò, vẫn chăm chỉ cần mẫn từ bao đời. Vẫn còn đó những hàng dừa, những bụi tre. Quê tôi vẫn còn nguyên thủy và dân dã lắm.

Tôi thích sự nguyên thủy, dân dã đó. Không phải vì tôi ích kỉ không muốn cho quê mình đổi mới, mà tôi sợ rồi một ngày nào đó khi sự đổi mới tràn về nhanh chóng nó sẽ làm thay đổi tất cả, có những thứ thay đổi mà tôi và mọi người sẽ có một cảm giác mất đi một thứ gì đó mà ta không bao giờ tìm lại được.

Lần này về quê tôi mang tâm trạng của một người bị mất đi một thứ như chính tâm hồn mình, như là ruột rà máu mủ. Những người đàn bà làng tôi vẫn gầy gò, đen đúa, vẫn vất vả, lầm lũi, nhưng mái tóc họ không còn dài như xưa. Những người đàn bà đã bán tóc. Họ bán đi một thứ như chính là linh hồn của họ. Tôi đã khóc, khóc cho tóc những người đàn bà làng tôi, khóc cho tóc của mẹ.

Đã hơn một lần tôi lang thang trên mạng, ở đâu đó tôi biết về những người bán tóc. Cũng đã hơn một lần tôi thấy xót xa khi nghe, khi đọc và biết về những nhát kéo của người mua tóc cứ vô tình xén ngang những mái tóc. Một bé gái mười lăm tuổi ngượng ngùng lắng nghe người rao mua tóc, cô bé  thoáng bối rối rồi gật đầu. Chỉ chờ thế người phụ nữ  cầm chiếc kéo cắt xoẹt mái tóc mượt mà đã được đặt lên bàn cân. "Lạng mốt! Đáng ra được hai trăm nhưng tóc bị chẻ. Một trăm tám nhé".

Cô bé cầm tiền, mắt len lén như sợ ai trông thấy, kéo sụp vành nón che mặt rồi bỏ đi như chạy. Và câu chuyện người mẹ dẫn con của mình chưa đầy mười hai tuổi đi cắt tóc chỉ để lấy năm mươi ngàn. Cắt xong, đứa con gái  sờ mái tóc cụt lủn thút thít khóc, càng lúc càng nấc to hơn.

Người mẹ không biết  dỗ dành con thế nào cũng ôm con khóc. Rồi một phụ nữ  có vẻ khắc khổ cắp giỏ trứng gà đứng tần ngần giữa một nhóm người đang chuẩn bị xuống tóc cho một cô gái  và nghe thỏa thuận: "Tóc của cháu chưa được nửa lạng. Thành tiền là một trăm ngàn…".

Không chỉ người mẹ ấy khóc mà tôi cũng đã khóc, nhói lên trong tôi những câu hỏi, những niềm day dứt khôn nguôi. Tôi biết rằng vì đồng tiền như một cuộc mưu sinh những người đàn bà bán tóc làng tôi và những người đàn bà khác đã phải đau đớn bán đi phần quý giá nhất của mình. Đó là thứ đứng hàng đầu trong mười thứ thương (một thương tóc bỏ đuôi gà…).

Cả những người mua tóc nhiều lần cũng đau đáu một nỗi niềm. Họ cảm thấy mình đang làm một công việc kì kì. Công việc mua tóc. Không ít người trong số họ đã thốt lên rằng khi sắp những mớ tóc vào hộp họ có cảm giác mỗi bộ tóc là một số phận như có linh hồn vậy. Đó chủ yếu là tóc những người nghèo khổ. Lần này tôi không lang thang trên mạng nữa. Tôi đang lang thang khắp ngõ ngách làng mình để tìm hồn quê, tìm lại hồn cho những người đàn bà làng tôi, tìm lại hồn cho mẹ. Mỗi bước chân tôi đi là một giọt khóc. Khóc cho tóc những người đàn bà làng tôi, khóc cho tóc của mẹ.

Tôi lại nhớ đến những câu thơ của một nhà thơ, những câu thơ viết nhiều về mái tóc của bà, của mẹ. Nó trở đi trở lại như một niềm  trăn trở, một nỗi suy tư. Tôi thấy tôi giống như cậu bé làng trong những câu thơ của nhà thơ ấy đang tìm lại những sợi tóc  của bà, của mẹ:

Đó là tháng bà tôi đòi cắt tóc
Cha tôi mang tóc bà tôi chôn xuống cánh đồng
Cỏ mộ tóc tốt tươi trong bóng tối
Tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi

Và một ngày tôi đã biết một điều, tóc những người đàn bà làng tôi, tóc mẹ tôi không còn như xưa nữa. Tôi ngỡ ngàng, tôi sững sờ như chết lặng đi khi biết rằng những mái tóc kia đã bán đi để góp một khoản nhỏ gửi hàng tháng lên cho những đứa con học đại học, hay đóng tiền học phí cho con. Tôi thấy mình như mang nặng tội lỗi.

Cô Nhung, một người làng tôi, kể cho tôi nghe lần đầu bán tóc cô rất ngượng ngùng. Hôm đi chợ bán rau muống, cả chợ toàn rau là rau, rẻ đến mức người làng tôi muốn bỏ nghề, cả gánh rau 100 mớ chỉ đáng giá 10 ngàn đồng.

Nhà có hai đứa con học đại học, cô xoay đủ nghề nhưng vẫn thấy túng quá. Và tình cờ cô biết được có những người mua tóc. Cô quyết định  bán tóc của mình. Mái tóc đen bóng, mượt mà, dài đến tận gót chân của cô lần đầu bán được giá trị gấp một trăm lần gánh rau kia vẫn chưa đủ chi tiêu một tháng cho cả hai đứa con.

Chồng cô biết được, chú đã nổi giận trong niềm đau đớn. Và cứ thế cô vẫn thường xuyên bán tóc. Cô còn nói lần đầu tiên bán mất một thời gian  dài cô nhớ tóc lắm, nhớ đến nỗi nhiều khi muốn khóc. Rồi cô Kì, bác Hoa, chị Vinh và mẹ tôi... Kiên con cô Kì khi nghe tôi kể nó phản ứng một cách hài hước, nó bảo các mẹ đang chạy theo mốt nhưng tôi biết nó cũng đang đau nỗi đau như tôi.

Tôi đã đọc, nghe nhiều và biết nhiều về những người bán tóc. Có người đàn bà bán tóc để nuôi thân khi bị lũ con bỏ rơi, có những em bé gái  bán tóc để đi học, và có những người vợ phải bán tóc để đãi bạn chồng. Giờ đây ở làng tôi có những người đàn bà bán tóc để nuôi con ăn học. Dẫu biết trước mà sao tim tôi vẫn nhói đau.

Đó là một buổi trưa hè, khi tôi và mẹ ngồi bên gốc khế cha tôi trồng, tôi muốn bắt tóc sâu cho mẹ. Đó là lúc mà tôi hiểu tất cả để yêu mái tóc của mẹ nhiều hơn. Cái khăn trùm đầu của mẹ được lật lên, và tóc mẹ đã không còn như xưa.

Tôi không thể tin vào chính mắt mình, tôi không thể tin! Cảm giác trong tôi thật khó tả, tôi thấy mình đã mất đi một cái gì đó, tôi thấy mình có lỗi với mái tóc của mẹ và tôi ân hận. Mẹ bảo mẹ cắt tóc đi cho mát và khỏi vướng mỗi khi đi làm, giờ mẹ có tuổi rồi lúc gội đầu và hong tóc cũng khó khăn. Tôi hỏi mẹ để tóc ở đâu, mẹ nói là đã bán. Tôi lặng người đi.

Trước đây đã có một lần mẹ phải cắt tóc cho tôi vì tôi phải vào viện, mẹ rất tiếc, gói cất cẩn thận. Vậy mà giờ đây mẹ đã ngậm ngùi bán tóc của mình. Mẹ bảo cắt tóc đi rồi mỗi lần chải đầu mẹ thấy nhớ tóc quá. Tôi biết mẹ rất đau. Tôi biết mẹ buồn nhiều…

Mái tóc của mẹ dài nhưng không mượt, lại bạc sớm. Ngày tôi còn học tiểu học vẫn hay bắt tóc sâu cho mẹ. Thời gian đầu thấy tóc mẹ đốm bạc tôi không biết  lại ngỡ đó là những tóc sâu và tôi đã nhổ chúng. Rồi tôi cũng nhận ra tóc mẹ đã bạc, lúc đó tôi không biết vì sao tóc mẹ lại bạc sớm như vậy.

Từ đó tôi ít bắt tóc sâu cho mẹ hơn, dần dần lớn lên đi học xa nhà tôi không làm điều đó nữa. Tôi thích mái tóc bạc trắng của bà cô tôi nhưng tôi không thích mái tóc bạc của mẹ. Tôi còn nói với mẹ rằng mẹ chưa làm bà mà tóc đã bạc trông chẳng thích chút nào.

Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao tóc của một người đàn bà ba tuổi đã mất cha, lấy chồng về lại thay mẹ chồng lo chuyện gia đình cho các em. Chồng mất sớm người đàn bà ấy một tay nuôi sáu đứa con ăn học và nên người. Và tôi thương cho mái tóc của mẹ. Mái tóc đã một thời mượt mà óng ả nổi danh cả một vùng.

Mẹ thích con gái  để tóc dài, mẹ vẫn dặn chị em chúng tôi:  "Cái răng cái tóc là vóc con người". Mẹ nâng niu mái tóc chúng tôi như nâng niu từng mơ ước, như muốn được ngắm lại mái tóc của mình một thời.

Tôi thích cảm giác mỗi lần về quê được sà vào lòng mẹ và ngủ những giấc ngon lành, được bàn tay mẹ vuốt ve mái tóc xem tóc tôi có dài thêm không, tóc tôi có bị xơ không. Đã bao lần trong làng có những người mua tóc, có những người đàn bà làng tôi bán tóc nhưng tóc mẹ tôi vẫn còn như cũ. Tôi biết mẹ quý trọng mái tóc nhiều, bởi mái tóc mẹ còn gắn bó với những kỉ niệm của cha tôi.

Tôi lại hỏi tóc của mẹ, và của những người đàn bà làng tôi giờ đang phiêu bạt nơi đâu. Những bộ tóc ấy tưởng đã chết rồi mà vẫn còn vương vấn trong đời để bao người phải thổn thức, tiếc nuối.

Tiếng thở dài vì nhớ tóc của những người đàn bà bán tóc làng tôi, của mẹ tôi cứ ám ảnh, day dứt trong tôi. Cả trong mơ, tôi vẫn nghe thấy những tiếng thở dài tưởng đi qua cả chân trời trước mặt.

Tôi lại mơ thấy mái tóc của mẹ, mái tóc dài của cô Nhung, cô Kì, của bác Hoa, chị Vinh… Trong mơ tôi thấy tất cả những người đàn bà nghèo khổ ở quê tôi chỉ còn lại những cái đầu trọc.

Tôi đã khóc trong những giấc mơ ấy. Và sau mỗi lần tôi khóc thì trên những chiếc đầu trọc của những người đàn bà thôn quê nghèo khổ tóc lại mọc lên xanh tốt va âchảy tràn như suối. Và tôi biết mình đang phiêu du cùng Nguyễn Tuân đi tìm những mái tóc của chị Hoài, mái tóc của mẹ và của những người đàn bà làng tôi

Lưu Kim - CSTC số 6
.
.
.