Bí mật hỗn loạn ở Paris

Thứ Tư, 09/12/2009, 15:45
Maurice Papon từng là một chính trị gia và một quan chức cao cấp của chính phủ Pháp. Tuy nhiên, tên tuổi của Maurice Papon đã bị bóng đen bao phủ khi ông có dính dáng trực tiếp đến những vụ trấn áp đẫm máu đối với các cuộc biểu tình của người Algerie vào năm 1961, 1962. Và ngược dòng lịch sử về trước đó, là vụ bắt giữ và đày ải 1.600 thường dân Do thái đến các trại tập trung của Đức quốc xã.

Hoạt động trấn áp người Algerie

Vào năm 1954, trong giai đoạn chiến tranh Algerie, Mặt trận giải phóng dân tộc Algerie gọi tắt là FLN được thành lập với mục đích giành lại quyền độc lập tự chủ cho nước này từ tay Pháp.

Năm 1958, FLN muốn mở rộng mạng lưới của mình tại Pháp nhằm làm tê liệt lực lượng quân sự bằng cách tổ chức các cuộc tấn công vào cảnh sát và các mục tiêu chiến lược. Bên cạnh đó, FLN còn muốn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và trở thành tổ chức đại diện chính thức cho người dân Algerie.

Tại Paris, sức mạnh chính trị của FLN có được chủ yếu là nhờ vào những mối liên hệ giữa các tổ chức công đoàn và các đảng phái chính trị có sự tham gia của các thành viên thuộc thành phần lao động nhập cư làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp cao, các hội sinh, trí thức, chính trị gia và nhà báo theo phe cánh tả.

Tháng 3/1958, Maurice Papon được Bộ trưởng Nội vụ Maurice Bourgès-Maunoury đề bạt làm cảnh sát trưởng Paris. Trước tình hình trên, Maurice Papon đã nghĩ đến việc lập nên một tổ chức đặc biệt nhằm tìm cách thâm nhập và đánh bật hệ thống thù địch, từ đó giành lấy quyền kiểm soát dân chúng.

Tháng 8/1958, Papon trình lên Charles de Gaule và nhóm các bộ trưởng phụ trách vấn đề FLN một tài liệu có tên Những điều cần chú ý trong việc trấn áp chính sách khủng bố Bắc Phi. Tài liệu này của Papon đề nghị chính phủ thực hiện ngay một số biện pháp khẩn cấp nhằm tăng cường quyền lực cho các nhà cầm quyền quân sự, thiết lập một cơ chế trấn áp thích hợp và loại trừ mọi đối tượng tình nghi là khủng bố ra khỏi nước Pháp.

Song song với đó, Papon còn tham gia vào việc thành lập những cơ cấu xã hội đúng theo sơ đồ chiến tranh cách mạng mà ông đã từng tham gia khi còn tại chức ở Constantine. Cơ cấu này giúp Papon "lấy lòng" những người mới nhập cư bằng các hoạt động trợ giúp về hành chính, thông tin, nơi ở cho đối tượng này khi mới đặt chân tới nước Pháp. Trong bộ máy trấn áp đó, Bộ phận điều phối các sự việc liên quan tới người Algerie chính là tâm điểm nơi tìm kiếm và tập hợp mọi thông tin về FLN tại Paris.

Từ cuối năm 1960, lực lượng cảnh sát bổ trợ FPA được thành lập, đây cũng là một trong số các biện pháp chống lại FLN. Lực lượng FPA bao gồm các thành viên tình nguyện là người Algerie theo đạo Hồi nằm dưới quyền chỉ huy của đại uý Raymond Montaner. Mục tiêu của FPA là làm tan rã tổ chức FLN bằng cách bắt giữ những người cầm đầu và ngăn chặn việc thành lập quỹ của FLN. FPA còn lôi kéo những người Algerie bị FLN loại trừ và tuyển chọn những kẻ chỉ điểm nằm trong giới doanh nhân. Phương pháp mà người của đại uý Montaner áp dụng rất đa dạng: chiếm đóng nơi ở của các lao động Algerie, thâm nhập và thu thập tin tức tình báo, sử dụng bạo lực, cực hình tra tấn...

Những vụ thảm sát dã man

Vào năm 1961, trong khi chính phủ Pháp và chính phủ lâm thời Algerie đang tiến hành những bước thương lượng đầu tiên thì số lượng những cuộc tấn công của phía FLN nhằm vào cảnh sát Pháp lại gia tăng. Sau khi gián đoạn một thời gian nhờ có những cuộc đàm phán thì tình trạng trên lại bắt đầu xuất hiện trở lại với mức độ mạnh mẽ hơn kể từ cuối tháng 8/1961, đẩy cơn tức giận của giới cảnh sát Pháp lên cao trào.

Đến tháng 10, Papon áp đặt lệnh giới nghiêm đối với dân Bắc Phi có mặt tại Paris, theo đó "tất cả người lao động Algerie đều được yêu cầu không đi lại trên đường phố Paris và các khu ngoại ô vào ban đêm, từ 20h30’ tối đến 5h30’ sáng". Qua lệnh giới nghiêm này, Papon chính thức thể hiện ý định "kết thúc vô thời hạn các âm mưu ám sát từ phía các đối tượng khủng bố người Algerie". Trên thực tế, đây cũng chính là cách Papon đối phó lại với FLN nhằm giành lấy thế kiểm soát số người Algerie sinh sống tại vùng Paris.

Lệnh giới nghiêm ngáng trở khá nhiều đến hoạt động của FLN nên để đáp trả lại hành động này của Papon, FLN quyết định tổ chức một cuộc biểu tình ôn hoà vào ngày 17/10/1961 với sự tham gia đông đảo của người dân Algerie.

Trước đó, vào ngày 3/10, trong lễ tang một viên cảnh sát là nạn nhân của một vụ tấn công, Maurice Papon đã tuyên bố: "Giết một mạng, bọn chúng sẽ phải đền bằng mười mạng". Cùng ngày hôm đó, Papon ra lệnh cho phép người của mình có thể tự ý xả súng nếu cảm thấy bị đe dọa qua những lời lẽ "gây kích động một cách hợp pháp": "Toàn bộ lực lượng cảnh sát phải luôn nêu cao tinh thần "máu lạnh", ngăn chặn mọi âm mưu gây chia rẽ, hận thù của đối thủ".

Maurice Papon từng là một chính trị gia.

Tối 17/10, khoảng 20.000-30.000 người Algerie bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em mặc lễ phục xuống đường biểu tình không vũ trang. Họ tiến về phía các điểm meeting theo kế hoạch của FLN. Tuy nhiên, đoàn người biểu tình vấp phải sự trấn áp rất tàn bạo từ phía lực lượng cảnh sát mà đứng đầu chính là Maurice Papon. Hàng nghìn người đã bị bắt và giam giữ trong các xà lim nơi họ bị tra tấn, hành hình một cách tàn nhẫn. Các vụ bắt bớ còn tiếp tục kéo dài những ngày sau đó. Nhiều người biểu tình bị đánh đập, tra tấn, trong số đó có hơn 200 người đã bị sát hại và ném xác xuống sông Seine. Đây được xem là cuộc vây ráp lớn nhất và là tội ác đen tối nhất trong lịch sử ngành cảnh sát nước Pháp.

Tiếp đó, ngày 8 /2/1962, một đoàn đại biểu công đoàn thông báo sẽ tiến hành một cuộc biểu tình ôn hoà nhằm phản đối hoạt động của Tổ chức quân sự bí mật Pháp chống Algerie. Tuy nhiên, một lần nữa cuộc biểu tình lại bị dập tắt một cách hung bạo. Tám người tham gia biểu tình đã bỏ mạng vì bị cảnh sát đánh đập một cách dã man ngay tại cổng bến tàu điện ngầm Charonne. Những người khác chết sau đó ít lâu vì thương tích quá nặng.

Bình luận về vụ việc này, các nhà sử học Jean-Paul Brunet và Alain Dewerpe cho rằng phía phải chịu trách nhiệm trong sự việc trên chính là lực lượng cảnh sát nằm dưới quyền chỉ huy của tướng De Gaulle và cảnh sát trưởng Papon. Alain Dewerpe gọi sự kiện này là "vụ thảm sát chống đảo chính của chính phủ".

Cái giá phải trả cho tội ác

Trải qua hai vụ thảm sát đẫm máu, Maurice Papon vẫn may mắn bình an vô sự. Năm 1967, Papon rời khỏi Sở Cảnh sát Paris và nhậm chức Giám đốc cơ quan Sud-Aviation, tiền thân của Hãng chế tạo sản phẩm hàng không không gian Pháp Aérospatiale. Sau đó, Papon lần lượt nắm giữ các chức nghị sĩ và phụ trách ngân sách của Đảng Liên minh dân chủ vì nền Cộng hoà UDR (1968-1971), thị trưởng Saint-Amand-Montrond (1971-1983), Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc hội (1972-1978) và Bộ trưởng phụ trách ngân sách nhà nước dưới thời thủ tướng Raymond Barre (1978-1981).

Tuy nhiên đến ngày 6/5/1981, trên tuần báo châm biếm Le Canard enchané xuất hiện một bài viết của tác giả Nicolas Brimo lật tẩy vai trò của Maurice Papon trong vụ bắt 1.600 thường dân Do Thái ở Bordeaux đi đày tại các trại tập trung của Đức quốc xã vào những năm 40 khi Papon còn làm chức thư ký tỉnh trưởng Gironde. Có thể tìm thấy những tài liệu có chữ ký của Papon, chứng tỏ sự tham gia trực tiếp của nhân vật này vào vụ việc trên. Thế nhưng lần này Papon đã gặp may, nhờ sự chứng thực có lợi từ phía bồi thẩm đoàn và thêm vào đó, trong thời điểm ấy, nước Pháp không có khung hình phạt dành cho tội danh trên nên phải đến tháng 9/1996, Papon mới bị xét xử trở lại trước phiên toà đại hình tại Gironde với sự tham gia của đông đảo nhân chứng đến từ các gia đình nạn nhân Do Thái.

Song song với đó, Papon còn phải đối mặt với tội trạng liên quan đến vụ thảm sát người biểu tình Algerie. Trong cuốn sách của mình mang tên Cuộc chiến Paris xuất bản năm 1991, tác giả Jean-Luc Einaudi đã mô tả một cách rất chi tiết các sự kiện và gọi tên những nhân vật phải chịu trách nhiệm trong hai vụ tàn sát vào năm 1961 và 1962.

Papon lên tiếng cáo buộc Einaudi vu khống nhưng vào tháng 3/1999, toà án Pháp đã bác đơn khiếu nại của Papon và lần đầu tiên chính thức thừa nhận vụ việc do cảnh sát Paris đã gây ra. Phát biểu với báo giới, Einaudi khẳng định: "Điều tệ hại nhất trong mọi thứ chính là sự dối trá, phủ nhận và cố tình để sự việc rơi vào quên lãng. Phủ nhận tội ác mình đã gây ra cũng là phủ nhận các nạn nhân và xoá bỏ quyền làm người của họ".

Thế nhưng, có vẻ số phận đã quá nhân nhượng với Maurice Papon khi ông ta chỉ bị kết án 10 năm tù giam vì tội danh "tiếp tay cho tội ác chống nhân loại" liên quan đến sự việc giam cầm thường dân Do Thái tại trại tập trung của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai chứ không phải chịu hình phạt nào đối với những gì ông ta đã gây ra cho những người biểu tình Algerie.

Cuối năm 1999, Papon bị bắt giữ và tống giam khi định chạy trốn sang Thụy Sĩ. Chỉ ba năm sau ông ta được thả tự do vì lý do sức khoẻ.

Ngày 17/2/2007, Maurice Papon qua đời ở tuổi 96 vì bệnh tim và được an táng cùng chiếc huân chương Bắc đẩu bội tinh của mình. Sự việc này đã làm dấy lên ít nhiều dư luận trong giới chính trị và xã hội Pháp khi đó về một nhân vật quan chức đầy tai tiếng mà cái giá ông ta phải trả cho những tội ác đã gây ra dường như còn quá nhẹ

Mai Châu - CSTC số 10
.
.
.