Bảo tàng Hà Nội - Tranh cãi những công trình nghìn tỷ

Thứ Sáu, 06/05/2011, 10:47
Tâm lý của du khách đến với Bảo tàng Hà Nội kỳ vọng bao nhiêu thì sau khi tham quan xong lại thất vọng bấy nhiêu vì những gì có trong phần ruột chưa xứng tầm với tên gọi của một công trình thế kỷ ngàn năm văn hiến.

Ai cũng kỳ vọng rằng, Bảo tàng Hà Nội, một trong những công trình nghìn tỷ chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội khi khánh thành và đưa vào sử dụng sẽ xứng đáng với tính chất hoành tráng và thiêng liêng của một công trình văn hoá trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Thế nhưng, ngay sau khi công trình được đưa vào sử dụng, thiên hạ mới té ngửa một điều rằng, công trình Bảo tàng Hà Nội thực chất mới chỉ hoàn thành được ở giai đoạn 1, đó là xây dựng phần vỏ, và hiện tại đang loay hoay với việc thiét kế và trưng bày nội thất.

Tâm lý của du khách đến với Bảo tàng Hà Nội kỳ vọng bao nhiêu thì sau khi tham quan xong lại thất vọng bấy nhiêu vì những gì có trong phần ruột chưa xứng tầm với tên gọi của một công trình thế kỷ ngàn năm văn hiến.

Thực trạng hiện nay

Chính vì sự tuyên truyền mạnh mẽ của giới truyền thông về sự cần thiết, ý nghĩa lớn lao của công trình này mà sau khi công trình chạy đua thời gian để ra mắt người dân trong dịp đại lễ vừa qua, thì bây giờ trở về tình trạng thực của nó. Sau đại lễ, Bảo tàng Hà Nội thưa thớt khách tham quan hơn. Các gian trưng bày, ở tầng 3 và tầng 4, chủ yếu do các đơn vị tư nhân bày các bộ sưu tập, nay đã rút đi gần hết. Để lại rất nhiều chỗ trống.

Về phía bảo tàng, công việc vận chuyển cổ vật từ các điểm ký gửi đã yên vị dưới tầng hầm của địa điểm mới, và đang tiến hành phân loại sắp xếp. Các chuyên đề cũng đang trong quá trình triển khai, chưa kịp trưng bày.

Theo khẳng định từ Ban Giám đốc của Bảo tàng Hà Nội thì sự trống trải đó chỉ là "tạm thời". Theo quan sát của phóng viên chúng tôi vào ngày 25 tháng 4, khu vực tầng 3 và tầng 4 của bảo tàng vẫn dang trong quá trình hoàn thiện. Ở tầng 4, phía Bảo tàng Hà Nội đang triển khai chủ đề cổ vật, đồ đạc đang ngổn ngang và không tránh khỏi tình trạng nhem nhuốc.

Theo ông Đề, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, trong tháng 5 năm 2011, bảo tàng đang triển khai 3 chuyên đề, "đồ cổ", và "làng nghề phố nghề" và Thủ đô Hà Nội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.  Cũng theo ông Đề, thì đến tháng năm này, Bảo tàng Hà Nội mới hoàn thành thủ tục bàn giao từ phía đầu tư.

Lý giải cho thực tế này, ông Đề nói: Bảo tàng hiện sở hữu hơn 60 ngàn cổ vật, và cổ vật có đủ để lấp kín cả 4 tầng. Nhưng đây là bảo tàng khảo cứu địa phương nên không chỉ giản đơn là cứ đưa cổ vật lên đó và trưng bày là xong. Mà đó là một câu chuyện kể dưới góc nhìn địa văn hóa, chính trị. Nó như một câu chuyện lịch sử kể về cha ông, đòi hỏi sự tập trung cao độ về trí tuệ, sức lực và thời gian của các nhà khoa học trong nước. Muốn như vậy thì phải có thời gian. Chứ không thể đốt cháy giai đoạn. Chỉ trong vòng hai năm, song song với quá trình xây dựng, Bảo tàng Hà Nội mới chỉ hoàn thành được đề cương kịch bản trưng bày chứ chưa thể triển khai các mô hình một cách hoàn thiện..

Còn người dân và kể cả giới chuyên môn đặt kỳ vọng, phía trong cái "áo" to lớn, hiện đại và đàng hoàng đó, phải có một phần ruột tương xứng.

Xây dựng bảo tàng là cần thiết…

Phải thừa nhận rằng, dù Hà Nội đã có rất nhiều bảo tàng, nhưng vẫn rất cần một bảo tàng để xứng tầm với mảnh đất ngàn năm văn hiến, có chất lượng trưng bày ngang hàng với các bảo tàng trong khu vực và thế giới. Hà Nội đã phải chờ rất lâu mới có được một bảo tàng như hiện nay.

Đó trước hết là một thành công như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy khẳng định. Nhưng với số vốn đầu tư hơn 2.300 ngàn tỷ đồng, có rất nhiều ý kiến cho rằng đó là sự lãng phí đầu tư công trong thời buổi Nhà nước đang có những chính sách thắt chặt đầu tư công như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc cũng cho rằng, Bảo tàng Hà Nội là một sự lãng phí đầu tư. Trong khi Hà Nội có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nhà ở cho người thu nhập thấp, hệ thống giao thông, nhưng công trình phục vụ nghệ thuật hàn lâm… Tuy nhiên, theo lý giải của một số nhà nghiên cứu thì mọi sự so sánh đều khập khiểng, khi những giá trị văn hóa phi vật thể không thể đo đếm bằng đồng tiền bát gạo.

 

Phòng trưng bày đang trống.

Việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội thể hiện một tầm nhìn chiến lược của quốc gia. Nếu hôm nay chúng ta không làm, thì sau này còn gì để lại cho con cháu. Nhưng với số vốn đầu tư lên tới hơn 2.300 tỷ đồng, và chưa kể phát sinh, trong khi nền kinh tế đang suy thoái, là một con số giật mình. Cần thiết xây dựng một bảo tàng, nhưng liệu có cần thiết phải đầu tư một cái vỏ hoành tráng và tiêu tốn nhiều tiền của như vậy?

Hơn thế, những bảo tàng lớn mang tầm cỡ khu vực và thế giới, là những công trình chiến lược, nằm trong kế hoạch dài hạn chứ không thể quyết định vội vàng, và chỉ nhằm phục vụ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long  Chính tình trạng "chạy nước rút" này dẫn đến những hậu quả như hiện nay.

Liệu có lãng phí?

Theo ý kiến của Tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, sau đại lễ 1000 thăng Long, chúng ta còn lại gì, nếu không có Bảo tàng Hà Nội. Không có tiêu chí nào để nói rằng, việc xây dựng bảo tàng này là lãng phí. Còn theo ý kiến của Ban Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, việc khẳng định Bảo tàng Hà Nội đã có những lãng phí về công năng sử dụng là chưa đúng, và chưa hiểu được sát sao công tác làm bảo tàng.

Hiện nay, đề cương kịch bản của Bảo tàng Hà Nội đã được Cục Di sản phê duyệt, và ngày 27 tháng 4, Cục Di sản đã có cuộc họp duyệt thiết kế tổng thể trưng bày. Phải mất ít nhất hai đến ba năm nữa, thì Bảo tàng Hà Nội mới có thể đưa vào sử dụng như đúng với công năng của nó, về một bảo tàng hiện đại, với cách làm đương đại bằng những chất liệu mới mẻ. Việc xây dựng một bảo tàng và đưa vào hoạt động không phải là việc một sớm một chiều. Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phải mất 20 năm, Bảo tàng Louvre của Pháp mất hàng trăm năm…

Bảo tàng Hà Nội trong kế hoạch 3 năm, là một sự nỗ lực lớn. Về vấn đề này, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Phía người làm công tác tiếp nhận bảo tàng cho rằng, phải cần thời gian, để chuẩn bị. Tất nhiên lỗi không nằm ở những người quản lý bảo tàng. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có kế hoạch xây dựng một công trình thế kỷ, mà lại thiếu một chiến lược, nên mọi sự cứ "dở dang". Điều đó phải nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Hà Nội trong sự phát triển chung của các thiết chế văn hóa, chứ không thể cứ làm ào ào, rồi tình trạng đến đâu khắc phục đến đó.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội là cần thiết, nhưng vẫn lãng phí. Hội thảo về những vấn đề cấp bách của văn hóa trong thời gian qua cũng đề cập đến sự thiếu cân bằng của các thiết chế văn hóa. Cần lắm một sự nhất quán, đồng bộ và mang tầm chiến lược đối với các thiết chế văn hóa, để tránh tình trạng, vừa thiếu lại vừa thừa như hiện nay.

Tiến sĩ, Phó Giáo sư  Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản

Thời gian qua có rất nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này, theo quan điểm của tôi, thời gian đầu khi khánh thành bảo tàng nhân dịp đại lễ 1000 năm, việc huy động các tổ chức cá nhân xã hội tham gia trưng bày hiện vật là một thành công đáng ghi nhận, thức tỉnh ý thức công dân của mỗi người dân. Còn hiện nay, chúng tôi đã duyệt thiết kế tổng thể trưng bày của Bảo tàng Hà Nội. Tôi chưa thấy một bảo tàng nào làm việc cẩn thận và chuyên nghiệp như họ. Và cũng chưa bao giờ, các chuyên gia nước ngoài làm việc trực tiếp sâu sát với giới chuyên môn trong nước như dự án này.

Bảo tàng Hà Nội cũng đã rất nỗ lực và cố gắng sưu tầm thêm nhiều cổ vật, mời chuyên gia nước ngoài, với cách làm mới mẻ, hiện đại mà tôi đảm bảo, chưa một bảo tàng nào trong nước tiếp cận. Thời tiền sơ sử do giáo sư Hoàng Xuân Chinh, Viện phó Viện Khảo cổ học phụ trách, phần cổ và trung sử do Tiến sĩ Phạm Quốc Quân phụ trách… Phần khánh thành chỉ là kiến trúc của ngôi nhà, đó mới chỉ là giai đoạn một, còn phải có thời gian để hoàn thiện giai đoạn 2, về phần thiết kế mỹ thuật trưng bày.

Theo tôi, chưa biết thế nào là lãng phí, so với bảo tàng nào, tôi nghĩ không có mặt bằng nào để so sánh. Chúng ta nên hoan nghênh để cổ vũ cho những người đang xả thân cho công việc chung, chứ không nên bàn lùi, phải ủng hộ và nuôi dưỡng ý thức sáng tạo của người khác, để làm đến cùng. Đó mới là những giá trị còn lại với lịch sử… 

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy, ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học

Tôi cho rằng việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội là thành công nhưng vẫn lãng phí. Lãng phí của Bảo tàng Hà Nội là do đã không lên kế hoạch được sớm, đến sát Đại lễ mới quyết định về địa điểm. Thiết kế tòa nhà thì phải ép để xây dựng phần vỏ trong 2 năm, còn phần hiện vật và nội dung trưng bày lại không chuẩn bị kịp, do không có bộ máy mạnh có đủ năng lực để lo phần việc này. Giờ mới đang ở giai đoạn xây dựng đề cương cho phần nội dung, lại còn tiếp tục sưu tầm hiện vật... là quá chênh, quá lãng phí.

Một sai lầm rất lớn của quá trình xây công trình Bảo tàng Hà Nội cũng như nhiều bảo tàng khác ở nước ta là có 2 bộ phận hoàn toàn tách biệt.Ban Quản lý xây dựng Bảo tàng Hà Nội lo toàn bộ việc xây dựng, kể cả việc trưng bày (dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở VH - TT - DL Hà Nội).

Còn Bảo tàng Hà Nội, kể cả Giám đốc Bảo tàng cũng chỉ là người nhận "chìa khóa trao tay", không tham gia vào quá trình trực tiếp lập đề cương, tổ chức bộ máy trưng bày. Những người có chuyên môn lại không được làm công việc chuyên môn quan trọng nhất của bảo tàng.

Họ chỉ chờ "chìa khóa trao tay" để quản lý và lo "giữ nhà" thôi thì làm sao có chất lượng được? Một lãng phí lớn nữa là để phục vụ phần trưng bày đồ cổ tạm thời cho kịp Đại lễ, người ta đã phải đóng rất nhiều tủ, tốn số tiền rất lớn, rồi đây chắc chắn sẽ phải bỏ hết, vì không thể phù hợp với trưng bày tương lai mà các nhà tư vấn New Zealand đang thực hiện.

Khánh Hà – CSTC tuần số 56
.
.
.