Bạo lực, tự vẫn, trầm cảm… hay một dạng stress thời đại mới?!

Thứ Ba, 28/06/2011, 15:53
Gần đây xuất hiện nhiều vụ bạo lực kỳ lạ, mang tính dã man tàn bạo và hết sức lạnh lùng. Điều đau đớn là những vụ bạo lực ấy đa phần liên quan đến giới trẻ. Bọn trẻ lạnh lùng gí súng vào người khác rồi bóp cò. Chúng cướp đi tính mạng của người khác đôi khi chỉ vì những lý do hết sức đơn giản. Vẫn chưa hết, việc bạo lực còn kỳ lạ ở chỗ, tự hành hạ bản thân mình: rạch tay chảy máu và đỉnh điểm là tự vẫn. Tất cả những hiện tượng này đều rất khó tìm ra căn nguyên để lý giải rành mạch…

Bạo lực kiểu mới

D. Lé - một trong những tay anh chị trên phố Bà Triệu đã thẳng thắn phân tích cho chúng tôi rằng, thời buổi này đám đầu gấu mới lớn đang chơi một kiểu "vũ trang" hết sức nhanh gọn, đúng kiểu thời đại @. "Bọn nó thích dùng súng, đỡ tốn kém sức lực, lại nhanh chóng lấy được số má…" - anh ta kết luận.

Thông thường dân anh chị muốn lấy số má trong địa phận của mình phải "ra mắt" một màn bạo lực. Cách đơn giản là "xả vai" một thằng nào đó đang nổi ở địa phận của mình. Chỉ cách đây vài năm trên khu phố Giải Phóng, H. Cụt - một trong những đại ca lâu năm bị một nhóm choai choai dùng mã tấu chém xả vai. Khi đối thủ H. Cụt nằm sõng soài bên vũng máu, một trong những "sát thủ" mặt non choẹt còn lớn tiếng tuyên bố: "Hôm nay tao xử thằng này để biết bọn mày đã hết thời…". Vụ việc đi vào im lặng vì H. Cụt không dám báo Công an, với lại thấy mình đã già không đủ sức để đương đầu với đám mới lớn nên lui vào "hậu trường" để nhường lãnh địa cho bọn đầu gấu mới lớn. Đó là câu chuyện của vài năm trước, bọn nhóc vẫn chỉ động thủ bằng dao kiếm. Nếu có dùng vũ khí nóng chỉ có ở những tên tội phạm khét tiếng và lớn tuổi.

Nhưng gần đây mọi chuyện đã khác. Thỉnh thoảng ở quán cà phê trên phố Trần Quốc Toản, xuất hiện vài thanh niên đầu húi cua, xăm trổ đầy mình. Họ còn rất trẻ, mặt mũi búng ra sữa nhưng lạnh lùng y như sát thủ trên phim. Có lần, chúng tôi và mấy đồng nghiệp vì tò mò nhìn họ quá lâu, liền bị một cậu nhóc tiến đến "lịch sự" đặt một khẩu súng hoa cải, loại hai nòng đen ngòm xuống bàn cảnh cáo. Cậu nhóc chỉ đặt súng xuống bàn như một hiệu lệnh, còn miệng mỉm cười đầy mỉa mai ý nói rằng, đừng nhìn bọn tao như thế, ngứa mắt lắm…

Cũng may chủ quán là chỗ quen biết nên kịp thời can ngăn. Theo lời chủ quán: nhóm này đang nung nấu ý định thanh toán một nhóm khác để tranh giành địa bàn. Suốt ngày bọn nó tụ tập ở quán cà phê, sát với khu vực của đối thủ. Cũng nhiều lần, hai nhóm cử đại diện đến thương thảo. Trong lúc trò chuyện một cậu nhóc lẻn ra phía sau quầy bar, rút súng rồi nói với chủ quán: "Anh tránh ra để em cho thằng này một phát!". Quá hoảng sợ, chủ quán ấn nòng súng xuống đất. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, đạn ghém găm vào bàn gỗ ràn rạt. "Bọn này bây giờ máu lạnh lắm, chúng nó bắn rồi mới nghĩ anh ạ!" - chủ quán ngao ngán kết luận.

Sau phát súng hụt đó, bỗng nhiên cậu nhóc nọ có số má trong phố, khiến nhóm kia kiêng nể chia địa bàn quậy phá. Thỉnh thoảng vẫn thấy nhóc lượn lờ trên phố, trong cốp xe lúc nào cũng kè kè đồ nghề. Một lần tôi lân la làm quen, cậu nhóc tỉnh bơ tiết lộ: bây giờ ai có thời gian dùng cơ bắp nữa. Thời đại khác rồi, bọn em thích nhanh gọn, nhả một phát xong ngay! Loại súng này bắn ở cự ly gần có thể chết người nhưng em chưa bao giờ làm thế, cứ dí vào mông nó mà bóp cò, bảo đảm nhặt sạn cả tháng, nếu bị bắt cũng vài năm là về…

Kể xong, cậu nhóc vỗ bồm bộp vào khẩu súng hoa cải (loại ngắn) được giấu kỹ ở thắt lưng, và cười ranh mãnh. "Số hóa hết rồi anh ơi! Thời buổi này còn dùng dao kiếm tốn sức lắm…" - cậu nhóc hỉ hả tuyên bố. Cũng theo một số tay anh chị đầu gấu già, đã lui về "hậu cung" thì bọn nhóc bây giờ chơi theo kiểu: "Đánh nhanh diệt gọn", thậm chí tự PR cho mình bằng cách lên mạng tuyên bố những chiến tích và kiểu chơi của mình. Chỉ cần lập một cái nick với giọng hết sức khiêu khích, ngay lập tức có những đối thủ nhảy vào khẩu chiến. Sau một hồi trên mạng, bọn nhóc bắt đầu hẹn nhau địa điểm để phân thắng bại.

Và để lấy uy thế, theo M. Choắt - một trong những tay nhóc máu mặt, việc đầu tiên là phải nổ súng thị uy. Cứ nhằm đùi, mông, lưng mà bóp cò… Đừng nói gì cả, càng im lặng, lạnh băng được bao nhiêu càng tốt. Bóp cò xong thì gí súng vào trán bọn nó, nhưng vẫn im lặng! "Làm thế sẽ có lợi gì?" - tôi hỏi. M.Choắt, cười khẩy rồi giải thích: "Chiêu im lặng này sẽ làm cho đối thủ sợ đến chết. Chúng nó sẽ nhớ khuôn mặt mình đến suốt đời…". "Có vẻ như phim ảnh?" - tôi trầm trồ. M.Choắt hí hửng nói: "Chính xác! Bọn nó đứa nào cũng xem phim hành động. Sát thủ máu lạnh chỉ hành động chứ không bao giờ nói".

Thì ra lũ nhóc có bài bản và tính toán hẳn hoi. Không đơn giản là ngựa non háu đá, thấy ngứa mắt kiểu nhìn đểu là hành động liều lĩnh. Bây giờ chúng nó suốt ngày mò mẫm trên mạng, học đủ các ngón nghề và những cách thức để trở thành một tên có số má trong giới giang hồ.

Vài lần tôi đi công tác vào trại giam, gặp những tay giang hồ cộm cán, già dơ, kinh nghiệm đầy mình. Nhưng mấy tay kiểu này đều lắc đầu ngao ngán với lớp đầu gấu non trẻ lạnh lùng này. Th. Tuýp - một gã đầu gấu già đời rút kinh nghiệm rằng, đừng bao giờ dây với bọn nhóc này, cách tốt nhất là dàn hòa cùng bọn nó. Cho chúng nó ăn chơi thỏa thích, đập phá linh đình rồi dùng cái lưỡi già đời để thuyết phục, hợp tác làm ăn. "Với bọn nhóc dùng lưỡi tốt hơn dùng dao kiếm" - Th. Tuýp nhăn nhó kết luận.

Bạo lực cũng kiểu mới

Với bọn nhóc không phải cứ đụng đến súng đạn, bắn giết mới là bạo lực. Bây giờ cái vấn nạn này còn biến tướng trở thành một thứ khác: bạo lực với chính bản thân mình! Câu chuyện mới xảy ra cách đây vài tháng ở Gia Lâm. N. một cậu học sinh bình thường, sống kín đáo, học lực khá, thậm chí nhút nhát. Theo lời kể của gia đình, vào một buổi chiều, thấy N đóng kín cửa phòng, gọi mãi không chịu mở. Quá hoảng sợ, bố N đạp cửa xông vào. Họ không thể tin vào mắt mình, N đang dùng dao lam tự rạch vào tay, rồi lấy máu viết lên giấy. Nội dung bản "thông điệp" là căm giận một bạn cùng lớp hay bắt nạt và giễu cợt mình.

Sau lần đó, bố N. tá hỏa lên gặp BGH nhà trường, đề nghị làm rõ mọi chuyện. Sự thật rất đơn giản: N. hiền lành, ít nói, sống khép mình… nên thường bị một nhóm bạn trai khác trêu chọc. Quá bực tức vì các bạn, nhưng N. không phản ứng trực diện ra ngoài, sự trầm uất ấy đè nén đã dẫn đến việc cậu ta tự rạch tay mình. "Mỗi lần máu chảy, cháu thấy nhẹ nhõm và có cảm giác như trả thù được bọn kia…" - N. đã thổ lộ như vậy với bác sỹ tâm lý.

Dư luận cũng chẳng lạ gì với những clip bạo lực của những nữ sinh mới lớn. Ngoài những vụ lùm xùm, bị lên án, hoặc cơ quan điều tra vào cuộc. Rất ít những nghiên cứu hoặc thông tin sâu về phía sau diễn biến tâm lý của các cô nhóc. L. là một trong những số ít nữ sinh được gia đình đưa đến trung tâm trị liệu tâm lý sau một vụ bạo lực học đường. Cô bé thổ lộ rằng, việc đánh bạn không đơn giản vì ghen ghét, hoặc tranh cướp bạn trai… Nhiều khi chỉ vì thành tích văn nghệ trong đội, xúc phạm thần tượng của nhau… cũng khiến cho các cô nhóc nổi nóng. Thế nhưng nếu đánh nhau mà không ghi lại hình thì chán phèo. Cần phải bố trí người ghi lại hình ảnh, đem chia sẻ trên mạng mới đã cái cảm giác bực tức trong người. "Đánh nhau xong phải được xem lại mới phê chứ…" - L. ngây thơ nói.

Gần đây nhất là vụ tự vẫn của một học sinh ở Hải Phòng. Sự việc còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, nhưng biểu hiện nhỡn tiền có thể thấy đây cũng là một dạng bạo lực với chính thân thể mình, hoặc một dạng stress rất nặng - mới phát sinh trong thời đại số hóa hiện nay. Sự thật thì các cô cậu nhóc của chúng ta chịu rất nhiều "áp lực". Có thể hiểu khái niệm này theo cả hai nghĩa: bên ngoài và cả bên trong. Theo một số chuyên gia tâm lý, cái áp lực của thời đại mới này rất khó nhận diện và lý giải.

Áp lực bên ngoài có thể dễ dàng nhận diện như: sự căng thẳng trong học tập, gia đình ly tán… khiến bọn trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Nhưng cái "áp lực" tự thân của bọn trẻ mới tiềm tàng nhiều nguy cơ. Theo đó, bọn trẻ tự tưởng tượng ra những quy tắc để mình theo đuổi, hoặc tôn thờ. Thế rồi đến một ngày, cái "áp lực" tự thân ấy bùng nổ, mọi quy tắc tự tưởng tượng bị phá vỡ, xuất hiện sự trầm uất sâu bên trong và diễn ra những hành vi đáng sợ: tự vẫn, tự hành hạ bản thân, hành hạ người khác…

Có thể tạm thời kết luận rằng, đó là một dạng bệnh lý mới về tinh thần. Nó thường xuất hiện với những cô cậu nhóc lười vận động cơ thể, thích sống trong thế giới ảo. Nếu nặng hơn sẽ rơi vào trạng thái tâm thần phân liệt dẫn đến cuồng sát. Cách tốt nhất là các bạn trẻ nên sống hài hòa giữa thể xác và tinh thần. Không nên lệ thuộc vào thế giới ảo, cần trở về với thực tại, làm bạn với thiên nhiên. Hài hòa là con đường tốt nhất để phát triển

.
.
.