Đối thoại Shangri-La và vấn đề Biển Đông

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:40
Những diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Biển Đông đã khiến cho Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La, với sự có mặt của 26 đoàn đại biểu quân sự cấp cao trong những ngày cuối tháng 5 năm 2015 tại Singapore trở nên nóng bỏng chưa từng thấy.

1. Điểm nóng của Đối thoại Shangri-La

Biển Đông đã thực sự trở thành tâm điểm của Đối thoại, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều quốc gia, chính giới và học giả trên thế giới; căng thẳng Biển Đông đã “đốt nóng” Đối thoại Shangri-La.

Mỹ nhấn mạnh, tình hình Biển Đông đóng vai trò "then chốt" đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Vấn đề Biển Đông thực sự trở thành chủ đề được quan tâm nhất tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore năm 2015.

Hầu hết các ý kiến phát biểu chính thức tại hội nghị cũng như trong các cuộc gặp song phương, các cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị đều đề cập đến vấn đề Biển Đông. Điều đó cho thấy mối quan tâm sâu sắc của các quốc gia, các đại biểu và tính chất phức tạp, nóng bỏng của vấn đề Biển Đông đối với sự ổn định và an ninh khu vực và thế giới hiện nay.

2. Những quan ngại

Tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới đều cảm thấy lo ngại trước những thách thức an ninh đang nổi lên từ vấn đề Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La 2015, nhiều nước đã chỉ trích Trung Quốc xây đảo phi pháp ở Biển Đông, nêu rõ sự quan ngại về hành động của nước này "làm tăng nguy cơ xung đột", đe dọa an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã cảnh báo, việc "Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông đang làm suy yếu an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương"; đồng thời kêu gọi nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tỏ thái độ "đặc biệt lo ngại" về quy mô cải tạo đất của Trung Quốc và khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo, cảnh báo rằng điều đó có thể làm gia tăng "nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột".

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng thể hiện mối quan ngại sâu sắc: "Nếu chúng ta không thận trọng, nó có thể leo thang thành một cuộc xung đột chết chóc nhất trong thời đại chúng ta, nếu không muốn nói là nhất trong lịch sử". Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia tuyên bố: Căng thẳng với Trung Quốc xoay quanh vấn đề Biển Đông là "mối lo ngại an ninh nặng nề nhất".

Một hòn đảo ở Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép và xây dựng kiên cố. 

Trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông và sau khi Mỹ có những bước đi mạnh mẽ hơn đối với các tuyên bố chủ quyền quá đáng trong khu vực, nhất là hành động của Trung Quốc trong việc xây dựng đảo nhân tạo và thực hiện “quân sự hóa”, nhiều chính giới và chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, nguy cơ xảy ra xung đột Mỹ - Trung ở Biển Đông “đang gia tăng”.

Như vậy, sự quan ngại của dư luận trong vấn đề Biển Đông không chỉ thuần túy là vấn đề chủ quyền của các bên, mà đã đẩy tới sự quan ngại, lo lắng đối với hành động của Trung Quốc và thái độ của Mỹ sẽ làm cho mâu thuẫn giữa hai nước lớn này trở nên trầm trọng, trực tiếp đe dọa an ninh khu vực và thế giới. 

Vì thế, tại Đối thoại Shangri-La, nhiều ý kiến đưa ra đề xuất, giải pháp theo xu hướng chung là tìm ra những cách thức ứng xử, nhằm bảo đảm không có tính toán sai lầm, không có hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là không để xảy ra xung đột.

3. Cần có nỗ lực ngoại giao

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, trong vấn đề Biển Đông, việc đưa ra những quan điểm kiên quyết, cũng như các sáng kiến mới nhằm tạo lập một cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa “sự cần thiết” ấy còn là quãng đường dài, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các bên, của cộng đồng khu vực và thế giới

Theo giới chức quân sự Mỹ, thì giờ đây “là thời điểm cho nỗ lực ngoại giao, tập trung vào việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của tất cả các bên".

Philippines cũng nhấn mạnh, cần có một giải pháp cho các tranh chấp trên Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc cần ứng xử có trách nhiệm ở Biển Đông.

Singapore đề cập đến sự trỗi dậy của Trung Quốc và kêu gọi các nước phá vỡ "vòng luẩn quẩn" trong tranh chấp Biển Đông.

Một loạt sáng kiến giải quyết vấn đề Biển Đông đã được Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia… đưa ra tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 Singapore.

Giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở đối thoại, luật pháp quốc tế được các nước đồng thuận cao. Các ý kiến kiến nghị rõ, các nước cần giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

4. Vai trò của ASEAN

Khu vực Đông Nam Á và Biển Đông trong nhiều thập kỷ qua là khu vực diễn ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các nước lớn trên thế giới. Trong vấn đề Biển Đông hiện nay, vai trò của các nước Đông Nam Á cần được phát huy.

Nhiều nước, trong đó có cả Mỹ cũng đã kêu gọi những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, đề xuất ASEAN đi đầu vì vai trò trung tâm của khối này trong cấu trúc an ninh khu vực.

Các ý kiến đều mong muốn có một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng bộ quy tắc ứng xử này phải thực chất, phải kiềm chế những hành vi, để đảm bảo rằng luật pháp quốc tế được tôn trọng, lợi ích và quyền của các quốc gia được tôn trọng. Điều đó rất cần nỗ lực của ASEAN trong tư cách là vai trò “trung tâm” và sự thiện chí thực sự từ phía Trung Quốc.

Nêu cao tính độc lập tự chủ, phát huy nội lực và gia tăng sự gắn kết cộng đồng, sự cố kết nội khối là yêu cầu cơ bản bảo đảm cho các quốc gia Đông Nam Á thực sự đóng vai trò “trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực”, làm việc với Trung Quốc để có được COC, tạo cơ sở pháp lý hiệu quả cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng
.
.
.