Dải Gaza “hạ nhiệt”, Ukraine chật vật tìm giải pháp chống khủng hoảng

Thứ Năm, 28/08/2014, 08:47
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 26/8 thông báo, Israel và Palestine đã đạt thỏa thuận ngừng bắn “vô thời hạn” mới tại Dải Gaza do Ai Cập làm trung gian và lệnh ngừng bắn này bắt đầu có hiệu lực từ 16h cùng ngày (giờ GMT - 23h ngày 26/8 giờ Việt Nam).

Trong khi đó, Ukraine vẫn đang chật vật tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, mặc dù Tổng thống nước này, ông Petro Poroshenko đã cam kết Ukraine sẽ linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm 1 “lối thoát chiến lược” khỏi cuộc xung đột ở miền Đông Nam đất nước cũng như cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Nga, sau các cuộc gặp song phương với Nga cũng như cuộc gặp 3 bên với các nước trong Liên minh thuế quan và đại diện Liên minh châu Âu (EU) ở Thủ đô Minsk của Belarus ngày 26/8.

Nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận ngừng bắn

Thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được giữa Palestine và Israel sau 51 ngày đêm xung đột đẫm máu giữa phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestine và quân đội Israel tại Dải Gaza, vốn khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường Palestine và hàng ngàn người khác bị thương, được xem là sự kiện mang tính bước ngoặt tiến tới một nền hòa bình dài cho khu vực này.

Đây cũng là niềm kỳ vọng của không những người dân Palestine, người dân Israel mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Tổng thống Abbas bày tỏ hi vọng lệnh ngừng bắn này sẽ diễn ra đồng thời với việc thực hiện các yêu cầu và đáp ứng các nhu cầu của người dân Palestine tại Dải Gaza như cung cấp lương thực, thuốc chữa bệnh và tái thiết tất cả những gì đã bị phá hủy do các hành động gây hấn.

Theo các quan chức Palestine và Ai Cập, thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được có nhiều điểm khác với những thỏa thuận ngừng bắn trước đó. Theo đó, hai bên đã cam kết tạm dừng vô thời hạn các hoạt động thù địch và Israel sẽ mở ngay các cửa khẩu đang bị phong tỏa giữa Gaza với Israel và Ai Cập, cũng như mở rộng vùng đánh bắt cá cho ngư dân Gaza ở biển Địa Trung Hải.

Trước thành công của thỏa thuận ngừng bắn, người dân Palestine đã đổ ra các đường phố ở Bờ Tây và Dải Gaza để ăn mừng. Còn tại Israel, trong khi nhiều người dân nước này bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn trên, thì một số người khác lại tỏ rõ thái độ giận dữ và thất vọng đối với việc Chính phủ thỏa hiệp với “khủng bố”. Trên bình diện quốc tế, Mỹ và nhiều nước đã chính thức lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ hoan nghênh với quyết định này của PalestineIsrael, đồng thời bày tỏ hi vọng lệnh ngừng bắn lần này sẽ là sự khởi đầu cho một tiến trình chính trị, là con đường duy nhất để đi đến một nền hòa bình bền vững tại Trung Đông. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh cần phải chấm dứt việc phong tỏa Dải Gaza, và kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận cuối cùng có thể giải quyết tất cả các vấn đề cốt lõi và chấm dứt 47 năm chiếm đóng (của Israel).

Quốc vương Qatar ngày 26/8 cũng bày tỏ hoan nghênh lệnh ngừng bắn lâu dài tại Dải Gaza, đạt được nhờ “trước hết là sự kháng chiến và hy sinh” của người dân Palestine, và đề nghị hỗ trợ tái thiết dải đất bị tàn phá này sau 51 ngày đêm oanh kích của Israel...

Người dân Palestine tại Dải Gaza ăn mừng lệnh ngừng bắn “vô thời hạn”. Ảnh: CNN.

Đâu là “lối thoát chiến lược” cho Ukraine?

Cuộc gặp 3 bên với các nước trong Liên minh thuế quan và đại diện EU ở Thủ đô Minsk của Belarus ngày 26/8 bàn về cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nêu rõ: “Sẽ không có bất cứ biện pháp thiết thực hay thỏa thuận nào về mặt kỹ thuật để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.

Tuy nhiên, đã xuất hiện dấu hiệu tích cực khi các bên nhất trí sẽ chấm dứt đổ máu ở Ukraine, thiết lập một lệnh ngừng bắn và khởi động đàm phán chính trị bao gồm tất cả các bên có liên quan. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc sử dụng vũ lực chỉ khiến căng thẳng leo thang tại quốc gia Đông Âu này.

Tương tự như vậy, sau cuộc đàm phán song phương với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko diễn ra cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc gặp đã đem lại những tín hiệu tích cực. Hai bên đã thảo luận về việc cần thiết phải chấm dứt đổ máu sớm nhất có thể và hướng tới một sự hòa giải chính trị bao gồm tất cả những vấn đề mà Ukraine đang phải đối mặt ở miền Đông Nam nước này. Tuy nhiên, Tổng thống V. Putin cũng nhấn mạnh, Nga không liên quan đến những chi tiết trong điều kiện ngừng bắn giữa Chính phủ ở Kiev và phe đối lập ở miền Đông Ukraine, vì đây là vấn đề nội bộ của Ukraine. Nga chỉ có thể đóng góp cho việc tạo môi trường lòng tin trong suốt quá trình đàm phán. Về phần mình, Tổng thống P. Poroshenko tuyên bố sẽ làm tất cả để chấm dứt đổ máu và bắt đầu tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ông P. Poroshenko nhấn mạnh: “Một lộ trình sẽ được vạch ra dựa trên cơ sở kế hoạch hòa bình và chúng tôi sẽ cố gắng tham vấn qua nhóm tiếp xúc 3 bên để đạt được lệnh ngừng bắn sớm nhất có thể, đảm bảo sự hiện diện của phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát lệnh ngừng bắn này đối với cả 2 bên”.

Trong khi đó, ngày 26/8, giao tranh dữ dội đã nổ ra ở phía Nam vùng chiến sự Donetsk của Ukraine, gần biên giới Nga. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko cho biết, thị trấn Novoazovsk, cách biên giới Nga 12km, đang hứng chịu hỏa lực dữ dội. Các tay súng tại đây hiện vẫn đang tiếp tục bắn phá Novoazovsk và một bệnh viện trong thị trấn này đã bốc cháy. Cùng ngày, theo nguồn tin từ “Cộng hòa nhân dân Donetsk” (DPR), lực lượng ủng hộ liên bang hóa Donetsk đã kiểm soát được điểm then chốt Saur-Mogila. Bộ chỉ huy lực lượng này khẳng định quân đội Ukraine đã tổn thất cả về phương tiện và người. Tuy nhiên, phía Kiev vẫn chưa xác nhận hay bác bỏ thông tin này.

Cũng trong ngày 26/8, hãng tin Interfax dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Eugene Perebiynis cho biết nước này sẽ xem xét khả năng tiếp nhận đoàn xe viện trợ nhân đạo thứ 2 của Nga dành cho người dân ở khu vực miền Đông nước này, nếu Nga đáp ứng đủ các điều kiện mà Kiev đưa ra như đoàn xe viện trợ của Nga phải đi qua một cửa khẩu trước khi được phép tiến vào lãnh thổ Ukraine, trong khi Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) phải giám sát và phân phối hàng viện trợ. Bộ trưởng Eugene Perebiynis bày tỏ hi vọng Nga sẽ thực hiện các bước đi để phối hợp tốt hơn với Kiev và ICRC trong việc phân phát hàng viện trợ.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, truyền thông Nga dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết Moskva bác bỏ cáo buộc của Ukraine cho rằng một số binh lính Nga “cố tình xâm nhập biên giới Ukraine”, đồng thời khẳng định số binh lính này đang tuần tra một khu vực thuộc biên giới chung Nga-Ukraine và chỉ vô tình vượt qua biên giới tại khu vực không có dấu hiệu và chỉ giới. Các binh lính này đã không kháng cự khi bị các lực lượng vũ trang Ukraine bắt giữ.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.