Việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông “sẽ gây thêm bất ổn”

Thứ Bảy, 04/07/2020, 07:38
Hôm 2-7 (giờ địa phương), AFP đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra tuyên bố “quan ngại” về những cuộc tập trận quân sự phi pháp của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).

Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sẽ tiếp tục giám sát tình hình với hy vọng Trung Quốc sẽ giảm các hoạt động quân sự hóa và cưỡng ép các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.

Các hành động tiếp tục gây bất ổn ở Biển Đông

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ khu vực diễn ra các cuộc diễn tập quân sự bao gồm các vùng biển và lãnh thổ có tranh chấp. Việc tiến hành diễn tập quân sự tại Biển Đông đi ngược lại các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng và duy trì ổn định. Các hành động của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây bất ổn tình hình ở Biển Đông. 

Các cuộc tập trận này vi phạm cam kết của Trung Quốc đối với Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 nhằm tránh các hành động gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định. 

Tuyên bố cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc là những diễn biến mới nhất trong một chuỗi các hành động của nước này nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp trên biển và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. 

Hành động của Trung Quốc đi ngược lại với lời hứa của nước này không quân sự hóa khu vực Biển Đông cũng như tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng và mở, nơi mọi quốc gia dù lớn và nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền của họ, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp và các qui tắc được cộng đồng quốc tế chấp nhận. 

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục giám sát tình hình với hy vọng Trung Quốc sẽ giảm các hoạt động quân sự hóa và cưỡng ép các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và không thực hiện các hoạt động quân sự có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp ở Biển Đông.

Hồi cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định Mỹ ủng hộ lập trường kiên định của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không cho phép Trung Quốc âm mưu độc chiếm biển Đông: “Mỹ hoan nghênh các nhà lãnh đạo ASEAN khi nhất trí rằng các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). 

Trung Quốc không thể xem biển Đông là đế chế hàng hải của riêng mình. Chúng tôi sẽ sớm nói thêm về chủ đề này”. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa ra tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông. 

Các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và bảo đảm Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. 

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn. Ảnh: AP .

Việt Nam có lập trường rõ ràng, hợp lý và hoàn toàn dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế

Đó là nhận định của tác giả người Nga Pavel Vinogradov đưa ra trong bài viết mang tựa đề “Khi COVID-19 tràn vào Biển Đông” được đăng trên tạp chí “Thế giới đa cực”. 

Ông chỉ ra rằng, trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tổn thất liên quan đến đại dịch COVID-19 và bất ổn tại các quốc gia phương Tây do phân biệt sắc tộc, thì tình hình tại khu vực Biển Đông tiếp tục căng thẳng, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. 

Nguyên nhân xuất phát từ chính sách của một quốc gia trong khu vực - Trung Quốc. Bắc Kinh đơn phương thiết lập sự hiện diện quân sự và kinh tế của mình tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, trước hết là trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. 

Những hành động của Trung Quốc đã bỏ qua các quy tắc của luật pháp quốc tế, gây ra quan ngại nghiêm trọng đối với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã rất nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền đối với các đảo của mình ở Biển Đông, hủy bỏ các quyết định đã đưa ra và ngăn chặn các bước đi tương tự trong tương lai. Nhưng Trung Quốc đã không có bất kỳ phản ứng tích cực nào trước đề nghị từ Việt Nam, và rõ ràng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển dần các đảo và rạn san hô chiếm đóng trong khu vực Biển Đông bằng cách này hoặc cách khác. 

Một điều khá rõ ràng là chính sách này mang tính chiến lược trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc và sẽ khó có thể điều chỉnh, mặc dù gặp phải nhiều sự phản đối và phẫn nộ từ các quốc gia láng giềng. Trong mọi trường hợp, cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách này sẽ thay đổi trong tương lai gần. Trái lại, Trung Quốc đang làm mọi cách để chiếm đóng các vùng lãnh thổ mới.

Bắc Kinh vẫn tiếp tục và không muốn từ bỏ các công việc mà họ vừa bắt đầu. Ngày 16-6, tàu thăm dò địa chất Trung Quốc “Hải Dương 4” được phát hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự xuất hiện của Trung Quốc có liên quan đến việc thăm dò khí tại lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn. 

Trước đó, ngày 1-5, Trung Quốc đã gây bất ngờ khi ban hành lệnh cấm đánh bắt cá cho đến 12 độ vĩ bắc trong phạm vi Biển Đông. Lệnh cấm này áp dụng đối với một số điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Việt Nam và Philippines chỉ trích gay gắt các hành động đó của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay các hành động phi pháp về hành chính và quân sự.

Việt Nam có lập trường rõ ràng, hợp lý và hoàn toàn dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Điều này đã được Việt Nam nhiều lần tuyên bố và ghi lại trong nhiều tài liệu quốc tế. Theo đó, Việt Nam luôn cam kết giải quyết những bất đồng hiện có trên cơ sở UNCLOS 1982. Việt Nam liên tục bày tỏ mong muốn tất cả các bên thực hiện nghiêm túc DOC mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. 

Đồng thời, Việt Nam đang rất nỗ lực để sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử toàn diện cho tất cả các bên ở Biển Đông, đây là tài liệu cần để thay thế DOC và sẽ trở thành văn bản quan trọng để quy định hành vi của tất cả các quốc gia trong khu vực. 

Như tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Việt Nam, quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông vẫn sẽ không thay đổi. Đó là giải quyết các tranh chấp quốc tế chỉ bằng các biện pháp hòa bình và được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều quốc gia trên thế giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.