Vì sao EP "đóng băng" hiệp định CAI đàm phán 7 năm với Trung Quốc?

Thứ Sáu, 21/05/2021, 13:50
Với 35 vòng đàm phán ròng rã suốt 7 năm, Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã được hoàn tất hồi tháng 12/2020. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu (EP) mới đây đã ra nghị quyết hoãn xem xét CAI. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới quyết định này?

Euronews ngày 21/5 dẫn thông báo từ EP cho biết, cơ quan này đã nhất trí tạm dừng phê chuẩn hiệp định CAI giữa EU và Trung Quốc, sau một cuộc bỏ phiếu với kết quả 599 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng. 

Nghị quyết của EP chỉ rõ, khối yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với 10 chính trị gia và các nhà học giả, cơ quan ngoại giao EU, nhằm đáp trả các áp lệnh trừng phạt của phương Tây lên 4 quan chức Trung Quốc hồi tháng 3, vì cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. 

Sau 7 năm đàm phán, Hiệp định đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc đang trong tình trạng "đóng băng". Ảnh: Commonspace.

Nghị sĩ EP Hilde Vautmans nêu rõ: “Chừng nào các trừng phạt trả đũa của Trung Quốc còn tồn tại, chúng tôi buộc phải đóng băng Hiệp định toàn diện về đầu tư EU - Trung Quốc, không còn cách nào khác”. 

Theo đa số nghị sĩ, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc áp với EU không dựa trên luật quốc tế. Ngược lại, những bước đi của EU đều dựa vào các Hiệp ước của Liên Hợp quốc. Do vậy, việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cũng không đảm bảo  rằng thỏa thuận trên được phê chuẩn.

Trước đó, Phó chủ tịch Uỷ ban Kinh tế châu Âu Valdis Dombrovskis từng nhấn mạnh, tiến độ phê duyệt hiệp định CAI sẽ “phụ thuộc vào định hướng phát triển của quan hệ Trung Quốc - châu Âu”.

Việc hoàn tất đàm phán CAI với EU hồi cuối năm 2020 được coi là "chiến thắng lớn" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia Sourabh Gupta từ Viện nghiên cứu Trung - Mỹ cho hay, việc Brussels và Bắc Kinh hoàn tất đàm phán CAI vào cuối năm ngoái đã phản án sự bất an của khối này trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương "bấp bênh" với Washington dưới thời ông Donald Trump. 

Tuy nhiên, lập trường của châu Âu có thể đã phần nào thay đổi khi ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ và ngỏ ý muốn nối lại "nhịp cầu" hai bờ Đại Tây Dương, cùng đồng minh lâu năm EU chia sẻ quan điểm và cách thức để đối trọng lại với Trung Quốc, trong bối cảnh nước này không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Được biết, EU và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán về CAI, nhưng các quốc gia thành viên khối và EP vẫn chưa phê chuẩn chính thức hiệp định này. Ở thời điểm bắt đầu đàm phán năm 2014, CAI được kỳ vọng sẽ tạo sân chơi bình đẳng, giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách dễ dàng.

Đặc biệt, CAI sẽ giúp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu trong lĩnh vực ôtô, vật liệu cơ bản, dịch vụ tài chính, nông nghiệp thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, trong đó bao gồm cả những cam kết về chống biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Linh Đan
.
.
.