Venezuela đề cao Cơ chế Montevideo để giải quyết khủng hoảng
- Venezuela: "Xã hội đen" khốn đốn vì khủng hoảng
- Đấu khẩu Nga - Mỹ vì Venezuela
- Nga "lịch sự" thông báo cho Mỹ về lý do đưa quân đến Venezuela
Trước đó một ngày, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cũng đã kêu gọi các nước Mexico, Uruguay và Bolivia và nhà lãnh đạo của 14 nước thuộc Cộng đồng Caribe (CARICOM) kích hoạt Cơ chế Montevideo nhằm tìm kiếm cuộc đối thoại chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Cơ chế Montevideo, do Mexico và Uruguay công bố, là một kế hoạch gồm 4 bước nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và các nhóm đối lập để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Đề xuất tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống mới ở Venezuela là một phần nội dung trong Cơ chế Montevideo. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Uruguay, Ariel Bergamino, Cơ chế Montevideo chỉ có thể thực hiện nếu được sự đồng ý của Chính phủ Venezuela và phe đối lập. Tuy nhiên, phe đối lập tại Venezuela với thủ lĩnh là ông Juan Guaidó đã nhiều lần bác bỏ cơ chế này, và khẳng định sẽ chỉ tiến hành đối thoại nếu như Tổng thống Nicolás Maduro từ nhiệm.
Những người ủng hộ Tổng thống Nicolás Maduro trong cuộc biểu tình hôm 6-4. (Ảnh: Getty Images) |
Venezuela hiện đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị giữa Tổng thống Nicolás Maduro và ông Juan Guaidó, gây chia rẽ cả người dân trong nước lẫn cộng đồng quốc tế. Cuộc xung đột hầu như không có dấu hiệu giảm bớt, cơ hội hai bên xuống thang cũng rất ít. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là còn lựa chọn nào khả dĩ mà không cần sử dụng lực lượng quân sự hay không?
Hiện tại, thật khó để nói. Đã có sự leo thang xung đột giữa hai bên ở tất cả các cấp độ có thể. Nhìn từ bên trong, dân chúng đã bị chia làm hai phe, một bên ủng hộ Tổng thống đương nhiệm, còn bên kia ủng hộ Tổng thống tự phong. Hôm 6-4, hai bên đã cùng tổ chức biểu tình trên cả nước.
Tại Thủ đô Caracas, những người biểu tình thuộc phe chính phủ đã tập trung từ sáng sớm tại nhiều điểm trong thành phố và mang theo những biển và khẩu hiệu ủng hộ nhà lãnh đạo Nicolás Maduro. Họ cũng bày tỏ tình đoàn kết với các công nhân viên thuộc công ty nhà nước Corpoelec, những người đã tiến hành khôi phục dịch vụ điện sau hàng loạt sự cố mất điện trên cả nước.
Trong khi đó, các nhóm ủng hộ phe đối lập cũng đổ xuống các đường phố ở Thủ đô Caracas và nhiều thành phố khác để biểu tình theo lời phát động của thủ lĩnh đối lập Juan Guaidó và yêu cầu Tổng thống Nicolás Maduro từ chức.
Còn trên trường quốc tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chọn ủng hộ bên nào. Các nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Nicolás Maduro, trong khi Mỹ cùng một loạt các nước Mỹ Latinh và châu Âu lại bày tỏ ủng hộ ông JuanGuaidó và việc nhân vật này tự phong là tổng thống lâm thời.
Nhằm gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống đương nhiệm Venezuela, Washington hôm 5-4 đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào quốc gia Nam Mỹ này cũng như Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA). Cụ thể, Văn phòng Quản lý tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 34 tàu vận tải biển thuộc PDVSA và hai công ty hàng hải của Liberia và Hy Lạp vì cung cấp dịch vụ chở dầu từ Venezuela tới Cuba.
Đáp lại, Chính phủ Venezuela một ngày sau đó đã ra thông cáo phản đối các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, coi đây là quyết định “tội ác” khi tiến hành trừng phạt các công ty tàu vận tải nhằm ngăn chặn việc chở dầu từ Caracas tới La Habana (Cuba). Venezuela cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của Washington vi phạm luật quốc tế cũng như các quy tắc kinh tế và thương mại được tuyên bố là để bảo vệ Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài ra, thông cáo của Caracas khẳng định, biện pháp nói trên của Mỹ là nhằm “gây thêm đau khổ” cho người dân và tổn hại cho cả hai nước. Chính phủ Venezuela cảnh báo sẽ đáp trả bằng các con đường pháp lý tương ứng trước những âm mưu của chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời khẳng định không hành động nào có thể ngăn chặn sự hợp tác của nước này với Cuba.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cũng cảnh báo, Washington sẽ không thể khuất phục ý chí của nhân dân Cuba và lên án các lệnh trừng phạt mới của Washington là một phần trong mục tiêu “đánh cắp” tài nguyên của Venezuela. Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba khẳng định Mỹ sẽ thất bại.
Trước đây, đã có hai nỗ lực riêng biệt để giải quyết những bất đồng giữa Chính phủ Venezuela và phong trào đối lập. Năm 2016, Vatican đã cố gắng hòa giải giữa hai bên, nhưng không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp về mục tiêu của họ và cuộc đàm phán đã thất bại. Hai năm sau, Cộng hòa Dominican đã cố gắng dẫn đầu một liên minh gồm các chuyên gia hòa giải và mở các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Maduro và phe đối l ập.
Tương tự như những nỗ lực trước đó, các bên đã rút lui vì không thể đạt được một giải pháp đầy đủ. Theo giới chuyên gia, cách tốt nhất để tạo ra các cuộc đàm phán hòa bình hiệu quả nằm ở bên trong đường biên giới Venezuela. Sự tham gia liên tục của các bên quốc tế đã tạo thêm nhiều sức ép cho mỗi bên hành động thay vì xuống thang.
Nếu một nhóm hòa giải địa phương có quan điểm trung lập, không nghiêng về bất cứ bên nào, kể cả trong nước và quốc tế, được thành lập, điều đó có thể tạo động lực mạnh hơn để giải quyết các vấn đề then chốt của cả hai bên, đặc biệt là vì người Venezuela đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột chính sách của chính phủ Tổng thống Nicolás Maduro và phong trào đối lập của ông Juan Guaidó.
Rõ ràng, nếu có bất cứ cơ hội nào để mang lại hòa bình cho Venezuela, điều đó nằm trong đường biên giới của quốc gia Nam Mỹ này.