Tổng thống Mỹ lạc quan về vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc

Thứ Bảy, 12/10/2019, 08:27
Trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 10-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, ngày làm việc đầu tiên của vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung đã diễn ra tốt đẹp, hai bên đã có cuộc thảo luận rất thuận lợi.

Ông nói: “Chúng tôi vừa hoàn tất ngày đàm phán đầu tiên với Trung Quốc. Chúng tôi đang làm rất tốt và chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày mai (12-10). Tôi cũng sẽ có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc tại Nhà Trắng. Một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng, hai bên đã có một cuộc thương lượng rất, rất tốt. Trung Quốc sẽ đưa ra thông báo sau, nhưng về cơ bản họ đang hoàn tất và chúng tôi sẽ còn gặp lại họ ở đây vào ngày 12-10”.

Cùng ngày, một quan chức Nhà Trắng cũng khẳng định ngày đầu tiên của vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra tốt đẹp, “có thể còn hơn cả dự kiến”.

Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng nước này Lưu Hạc cũng trong ngày 10-10 khẳng định, Bắc Kinh rất chân thành, sẵn sàng hợp tác với Washington về vấn đề thâm hụt thương mại, tiếp cận thị trường và bảo vệ nhà đầu tư. Trước đó một ngày, một quan chức Trung Quốc cũng tiết lộ khả năng nước này sẵn sàng đạt được thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ, có thể bao gồm các giao dịch mua hàng hóa lớn của Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng thành công là phụ thuộc vào việc Tổng thống Donald Trump tạm dừng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc.

Các tuyên bố trên là một trong những tín hiệu tích cực về cuộc đàm phán đang diễn ra. Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thương mại toàn quốc của Mỹ Myron Brilliant cũng bày tỏ tin tưởng rằng hai bên thậm chí có khả năng đạt được một thỏa thuận tiền tệ và điều này giúp chính quyền Mỹ không thực hiện kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15-10 tới.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Reuters.

Theo giới phân tích, đánh giá trên là một sự cải thiện đáng kể sau khi Mỹ liệt 28 công ty công nghệ và an ninh của Trung Quốc vào “danh sách đen” chịu các biện pháp trừng phạt của Washington và các cuộc đàm phán dường như đi vào ngõ cụt, chỉ vài ngày trước khi Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc.

Thông tin trên cũng khiến các tập đoàn kinh tế bày tỏ sự lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc có thể “tháo ngòi nổ” cho cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 15 tháng qua và Washington sẽ hoãn thực thi kế hoạch tăng thuế bổ sung dự kiến bắt đầu vào tuần tới.

Hiện còn quá sớm để khẳng định, thời điểm này, cả Mỹ và Trung Quốc có thật lòng mong muốn bắt đầu đi từ những thỏa thuận giới hạn, thỏa thuận một phần hay không. Song một thực tế không thể phủ nhận, vòng đàm phán lần này chắc chắn sẽ không thể giải quyết được toàn bộ các khúc mắc giữa hai nước bấy lâu nay.

Vì vậy, yếu tố tạo dựng lòng tin vẫn đang được đặt lên hàng đầu, cùng với đó là hy vọng những tiến triển tích cực từ vòng đàm phán lần này sẽ mở đường cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile tháng 11-2019, nơi một thỏa thuận đầy đủ có thể sẽ được hoàn tất.

Mặc dù cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc bộc lộ những dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã suy giảm kể từ đầu tháng 9-2019 với việc hai bên tuyên bố hoãn đánh thuế vào một số loại mặt hàng, tuy nhiên, những quan ngại vẫn hiện hữu về nguy cơ cuộc chiến thương mại có thể leo thang thành một cuộc đối đầu toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những mối quan ngại này đã được đúc kết trong hai câu hỏi: Liệu có thể tránh được một cuộc đối đầu hay không? Và nếu có thì bằng cách nào?

Cần có niềm tin rằng, hòa toàn có thể tránh được một cuộc đối đầu toàn diện giữa Washignton và Bắc Kinh. Nhiều nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ Mỹ-Trung khó biến thành một cuộc chiến tranh lạnh bởi, sau 40 năm trao đổi thương mại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phụ thuộc nhiều lẫn nhau. Thứ hai, tình hình quốc tế không ở thời điểm thích hợp cho sự tồn tại của một lối tư duy về một cuộc chiến tranh lạnh.

Trong Chiến tranh Lạnh trước đây, Mỹ đã lập nên một tổ chức mang tên Ủy ban hợp tác về Quản lý Xuất khẩu Đa phương (COCOM) để áp đặt cấm vận toàn diện đối với các nước có mối quan hệ công nghệ và kinh tế với Liên Xô.

Cơ chế đa phương này đã thành công vì phần lớn các nền kinh tế phương Tây đều nhất trí cho rằng họ cần “hợp sức hợp lực” với Mỹ để chống lại “một kẻ thù không đội trời chung”.

Còn ở thời điểm này, phương Tây chưa thể tạo nên một khối đồng thuận cho rằng, việc gây căng thẳng với Trung Quốc là cần thiết. Một ví dụ điển hình là vụ Huawei. Khi Mỹ kêu gọi các nước đồng lòng “đánh đòn” Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào “huyết mạch công nghệ” Huawei của Trung Quốc thì số nước châu Âu đáp lại lời kêu gọi của Washington chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhiều nước phương Tây khác vẫn có thái độ do dự.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.