Tòa án tối cao Venezuela tố Quốc hội vi hiến

Thứ Tư, 11/01/2017, 09:53
Trong thông cáo ngày 10-1 (giờ Việt Nam), Tòa án tối cao Venezuela (TSJ) đã bác bỏ tuyên bố của Quốc hội nước này, do phe đối lập chiếm đa số, trong đó hối thúc Tổng thống Nicolas Maduro rời bỏ nhiệm sở yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại nước này.


TSJ khẳng định, tuyên bố của Quốc hội là hành vi vi hiến, đồng thời yêu cầu cơ quan này ngừng ngay những hành động chống lại người đứng đầu nhà nước.

Thông cáo của TSJ được đưa ra ngay sau khi Quốc hội Venezuela bỏ phiếu thông qua tuyên bố cho rằng, Tổng thống Maduro đã không làm tròn bổn phận và phải chịu trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay của đất nước. TSJ tuyên bố: “Thể theo Điều 336 Hiến pháp và phù hợp với pháp luật hiện hành, các đại biểu được yêu cầu không tiếp tục quá trình cáo buộc trách nhiệm chính trị với Tổng thống nước Cộng hòa và có bất cứ hành vi vượt thẩm quyền hiến định của họ”.

Bên cạnh đó, TSJ cũng hối thúc các phe phái chính trị tiến hành đối thoại để, theo người phát ngôn TSJ, “giải quyết những khác biệt về chính trị và đặc biệt là để thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu của hiến pháp”. Phó Chủ tịch Xã hội dân chủ thống nhất cầm quyền (PSUV) cầm quyền Diosdado Cabello cho biết, vòng đàm phán mới dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13-1 tới.

Ông Cabello bày tỏ: “Chúng tôi luôn hoan nghênh các cuộc đối thoại. Tôi từng luôn nói rằng, đàm phán với phe đối lập là một việc lãng phí thời gian. Nhưng nếu đây là khả năng giúp họ hiểu ra rằng đất nước này cần hòa bình, thì chúng ta nên lợi dụng cơ hội này”.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, không một cá nhân nào của Liên minh đối lập Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) bày tỏ mong muốn ngồi vào bàn đàm phán. Phó Chủ tịch PSUV khẳng định: “Tổng thống Maduro không từ chức và sẽ không từ chức. Ông chưa bao giờ từ bỏ bổn phận của mình”, đồng thời nhấn mạnh rằng, Tổng thống Maduro và PSUV không có ý định công nhận tính hợp pháp của cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi, thay vì cáo buộc Quốc hội mà phe đối lập chiếm đa số “không tuân theo quyết định của cơ quan lập pháp”.

Trong khi đó, nghị sỹ Pedro Carreo, đại diện nhóm nghị sỹ đảng PSUV cầm quyền, nhấn mạnh, tuyên bố của Quốc hội là thiếu tính xây dựng và lưu ý rằng mục đích thực sự là nhằm gây bất ổn cho Venezuela. Về phía Quân đội Venezuela, lực lượng này hôm 6-1 đã một lần nữa khẳng định “lòng trung thành tuyệt đối và sự ủng hộ vô điều kiện” với Tổng thống Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez tuyên bố quân đội có nghĩa vụ, trách nhiệm do pháp luật quy định tuân thủ và bảo vệ Tổng thống.

Phe đối lập khẳng định ông Maduro là người phải chịu trách nhiệm trước những “sự cố nghiêm trọng trật tự hiến pháp, những vi phạm nhân quyền và sự hủy hoại cơ sở của nền kinh tế và xã hội”.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông Borges nói: “Điều quan trọng nhất là đòi hỏi một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela, giúp mọi người dân đều có thể thể hiện mong muốn của mình thông qua những lá phiếu”. Tuyên bố của Quốc hội Venezuela được đưa ra chỉ một ngày trước khi Tổng thống Maduro có đủ 4 năm cầm quyền. Hiến pháp Venezuela được thông qua vào năm 1999 không đề cập khả năng luận tội Tổng thống.

Tuy nhiên, các Điều 222 và 232 của Hiến pháp có nêu hình thức Quốc hội kiểm soát chính quyền hành pháp. Bên cạnh đó, Hiến pháp Venezuela không quy định việc tổ chức tổng tuyển cử sớm, nhưng cho phép tiến hành trưng cầu ý dân lấy phiếu tín nhiệm người đứng đầu nhà nước.

Trong trường hợp, ông Maduro không vượt qua kỳ bỏ phiếu tín nhiệm thì người lên nắm quyền điều hành đất nước tới hết nhiệm kỳ vào tháng 4-2019 sẽ là Phó Tổng thống Tareck El Aissami, người vừa được bổ nhiệm hôm 4-1. Ông El Aissami, 42 tuổi, là người thân cận của Tổng thống Maduro.

Khổng Hà
.
.
.