Thủ tướng Nhật Bản và “nước cờ đôi” trên đất Trung Đông

Thứ Ba, 14/01/2020, 08:04
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lựa chọn công du Trung Đông vào đúng thời điểm khu vực này đang đối mặt với những sóng gió khó lòng kiềm chế. Song, với người đứng đầu nội các Nhật Bản, đây lại được coi là cơ hội giúp thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao tại khu vực tiềm năng này, nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược quốc gia.

Phát huy vai trò “điều tiết” căng thẳng

Theo Japan Times, chuyến công du của Thủ tướng Shinzo Abe, kéo dài từ ngày 11 đến 16-1, là một phần trong những nỗ lực của Tokyo nhằm giúp kéo giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Người đứng đầu nội các Nhật Bản đã lựa chọn Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman là điểm dừng chân của mình, coi đây là những nhân tố quan trọng trong việc ổn định tình hình ở khu vực, theo nguồn tin quan chức Nhật Bản.

Trước chuyến thăm, ông Abe cũng cho rằng với nền tảng là mối quan hệ hòa hữu mà Nhật Bản đã thiết lập với 3 quốc gia, Tokyo sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo nỗ lực vì sự ổn định của khu vực thông qua đối thoại và các biện pháp hợp lý. Cần lưu ý thêm rằng, chuyến công du của ông Shinzo được diễn ra trong bối cảnh sau gần 2 thập kỷ, hồi cuối tháng 12 vừa qua, một nhà lãnh đạo Iran mới lại tới thăm Nhật Bản, vào thời điểm căng thẳng giữa quốc gia Trung Đông này với Mỹ - đồng minh của Tokyo đang gia tăng.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Iran Rouhani và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xoay quanh Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và sự ổn định an ninh hàng hải tại Trung Đông đã dấy lên hi vọng rằng Nhật Bản sẽ là nhân tố mới đưa ra các bước đi tiếp theo nhằm hài hòa các mối quan hệ và giúp hạ nhiệt căng thẳng Trung Đông.

Hiện thực hóa điều này, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman hồi cuối tuần qua, hai bên đã nhất trí tăng cường nỗ lực chung cần thiết hướng đến việc hạ nhiệt căng thẳng Trung Đông. Thủ tướng Abe cũng cảnh báo rằng sự đối đầu quân sự với Iran sẽ tác động đến hòa bình và ổn định của khu vực cũng như thế giới; hối thúc tất cả các bên liên quan tham gia nỗ lực ngoại giao để giảm bớt căng thẳng.

Ông Abe nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì tối đa các nỗ lực ngoại giao để giúp giảm bớt căng thẳng và ổn định tình hình. Nhận định về những tuyên bố của ông Abe, ông Sina Toossi - một nhà phân tích chuyên sâu các vấn đề Mỹ - Iran cho biết, Nhật Bản đang cho thấy vai trò “hòa giải” tích cực của mình, nhằm hạ nhiệt sức nóng tại khu vực. Đây cũng là nhiệm vụ mà Nhật Bản buộc phải làm khi nước này là một trong những quốc gia nhập khẩu dầu lớn từ Iran, và nền kinh tế cũng phụ thuộc vào sự ổn định tại Trung Đông.

Chuyến công du đến Trung Đông của Thủ tướng Abe được đánh giá là mang đầy tính chiến lược. Ảnh: SPA.

Đảm bảo lợi ích chiến lược quốc gia

Việc lựa chọn Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Oman cũng cho thấy mục tiêu chiến lược của Thủ tướng Abe, khi đây là những quốc gia có vai trò quan trọng và tác động lớn đến tình hình Trung Đông. Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy ngoại giao để xoa dịu căng thẳng và ổn định tình hình khu vực, chuyến công du của Thủ tướng Abe đến Trung Đông còn mang theo tham vọng tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đối với sứ mệnh hàng hải mới mà Tokyo vừa được triển khai trong khu vực, cũng như tìm kiếm sự hợp tác nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và an toàn hàng hải.

Theo đó, chuyến công du của ông Abe diễn ra đúng thời điểm Chính phủ Nhật Bản đã chỉ thị Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) cử một tàu khu trục và hai máy bay tuần tra P-3C cùng 260 binh sĩ tới khu vực Trung Đông với sứ mệnh giúp tăng cường sự an toàn của việc vận chuyển hàng hóa thương mại. Trong thông báo công bố quyết định cử MSDF tới Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết MSDF sẽ chuẩn bị kỹ càng cho nhiệm vụ ngăn chặn nguồn cung dầu mỏ bị cắt đứt.

Giới quan sát nhận định, dù là đồng minh của Mỹ, nhưng Nhật Bản vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện với Iran, thông qua việc lựa chọn triển khai hoạt động của riêng nước này, thay vì tham gia vào lực lượng liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu trong việc bảo vệ tuyến đường hàng hải ở Trung Đông.

Thực tế, Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ tư trên thế giới và quốc gia châu Á này phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông với 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu. Vì thế, bất cứ diễn biến xung đột nào tại Trung Đông cũng sẽ dễ đẩy Nhật Bản rơi vào kịch bản “khủng hoảng năng lượng”.

Điều đó buộc Thủ tướng Abe càng cần thúc đẩy hơn nữa vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ với Iran nói riêng, tình hình căng thẳng tại Trung Đông nói chung, tránh những diễn biến xấu đe dọa an ninh năng lượng của nước này. Mặc dù vậy, việc duy trì mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ mà không “chọc giận” Iran sẽ là bài toán không hề dễ dàng mà nội các của ông Abe sẽ cần thận trọng trong từng bước đi trong tương lai.

An Nhiên
.
.
.