Thủ tướng Mahdi từ chức, khủng hoảng tại Iraq có được giải quyết?

Thứ Hai, 02/12/2019, 08:36
Thông báo từ chức nhằm mục đích hạ nhiệt làn sóng biểu tình bạo loạn nhiều tuần qua, thế nhưng động thái của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi lại không khiến tình hình tại Iraq tốt hơn là bao.


Ngày 30-11, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã chính thức đệ đơn từ chức lên Quốc hội. Văn phòng Thủ tướng Iraq xác nhận, quyết định được ông Mahdi đưa ra sau lời kêu gọi của Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shiite Iraq Ali al-Sistani về việc phải thay đổi ban lãnh đạo đất nước để hạ nhiệt làn sóng biểu tình bạo loạn nhiều tuần qua

Tới thời điểm hiện tại, nội các Iraq đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Abdul Mahdi, tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa thông qua đơn từ chức này tại phiên họp diễn ra hôm 30-11. Phát biểu sau cuộc họp Nội các, Thủ tướng Mahdi cho biết, chính phủ hiện nay, bao gồm cả ông, sẽ tiếp tục tạm quyền sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội cho đến khi một chính phủ mới có thể được lựa chọn.

Chính phủ tạm thời sẽ không thể thông qua các luật mới hay đưa ra các quyết định quan trọng. Tổng thống Barham Salih sau đó sẽ cần chỉ định một Thủ tướng mới để Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi quyết định từ chức trong bối cảnh làn sóng biểu tình ngày càng gia tăng tại quốc gia này. Ảnh: Reuters.

Iraq rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc và đối mặt với thách thức đe dọa hòa bình đất nước kể từ sau sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cách đây hơn một năm do các cuộc biểu tình phản đối chính phủ ngày càng lan rộng, khó lường từ đầu tháng 10. Theo cơ quan y tế, gần 400 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ, đốt phá.

Ngoài yêu sách đòi cải cách, người biểu tình đòi chính phủ phải giải tán và thay thế giới lãnh đạo "tham nhũng" và "bị chi phối bởi nước ngoài". Tất cả đều bắt nguồn từ sự bất mãn của người dân đối với Chính phủ khi hoàn cảnh sống của họ ngày một khó khăn khi tình hình Iraq đang ngày càng trở nên tồi tệ bởi tham nhũng và sự bất ổn về kinh tế, xã hội.

Đây là đợt biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi Mỹ tấn công lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein năm 2003, với sự tham gia của hàng triệu người trên toàn quốc, đặc biệt ở Thủ đô Baghdad và Basrah, thành phố cảng lớn thứ hai của Iraq.

Trước động thái ăn mừng “chiến thắng” khi Thủ tướng Mahdi từ chức, thì theo những người biểu tình, hành động của ông Mahdi chỉ là bước đi đầu tiên và họ sẽ tiếp tục chiến dịch của mình cho đến khi có việc làm, nước sạch và điện lưới. Đối với người dân Iraq, vấn đề không chỉ nằm ở Thủ tướng Mahdi, mà là toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Họ muốn một chính quyền không bè cánh giáo phái và sắc tộc. Và hơn hết, là một sự thay đổi thực sự sau gần hai thập kỷ chờ đợi.

Thế nhưng, theo các nhà phân tích, việc Thủ tướng Mahdi từ chức trên thực tế có thể  không những không giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, mà còn khiến nó kéo dài lâu hơn. “Lựa chọn ai để thay thế là một câu hỏi cấp bách trong tình hình hiện nay khi mà câu trả lời không hề dễ dàng một chút nào”, Hassan Ahmadian, một giáo sư trợ lý nghiên cứu về Trung Đông và Bắc Phi tại Đại học Tehran nhận định.

Với quốc hội hiện tại, nơi mà không có ai nắm giữ đa số ghế, việc bổ nhiệm một Thủ tướng mới có thể dẫn tới một quá trình đàm phán gian nan khác. Ngay cả khi đạt được sự đồng thuận, người được bổ nhiệm mới sẽ không có được đa số ghế ở quốc hội để được quyền quyết định cải tổ chính trị và kinh tế. Cách duy nhất hiện tại đó là tổ chức bầu cử sớm, trong đó quốc hội sẽ phải soạn thảo một luật bầu cử mới, theo yêu cầu của người biểu tình, tờ Aljazeera cho hay.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, rất khó để Iran có thể chấp nhận tổ chức một cuộc bầu cử mới trong tình hình nhiều người Iraq đang công khai đòi chấm dứt ảnh hưởng của Tehran. Iran có thể sẽ tìm cách sử dụng bạo lực để giải tán các cuộc biểu tình, nhưng sẽ không dập tắt được toàn bộ phong trào. Trong tình hình như vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc nội chiến trong tương lai.

Có lẽ sự ra đi của Thủ tướng Mahdi là điều cần thiết, song điều quan trọng hơn cả mà người dân Iraq chờ đợi là sự chuyển giao hòa bình và hiệu quả, thời điểm mà đất nước thoát khỏi khủng hoảng và cuộc sống của người dân được cải thiện.

Hồ Thiên
.
.
.