Hậu đảo chính bất thành:

Thổ Nhĩ Kỳ chìm trong bất ổn và mất lòng tin

Thứ Sáu, 22/07/2016, 09:38
Gần một tuần sau vụ đảo chính bất thành ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul, ngày 21-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 3 tháng liền. Cùng với đó, ông Erdogan cũng đưa ra các lời cáo buộc một loạt quốc gia đứng đằng sau cuộc đảo chính.


Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Erdogan đã có cuộc họp khẩn cấp với các thành viên trong Hội đồng an ninh quốc gia tại thủ đô Ankara tối 20-7 để bàn thảo về phương cách thắt chặt kiểm soát hậu đảo chính bất thành. 

Lệnh này cho phép Tổng thống và nội các thông qua những luật mới và hạn chế hay đình chỉ các quyền và quyền tự do khi được xem là cần thiết mà không cần có sự chấp thuận của Quốc hội. 

Phát biểu trước các thành viên chính phủ và trên truyền hình trực tiếp, ông Erdogan nêu rõ, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là nhằm củng cố các cơ quan công quyền sau cuộc đảo chính và nhanh chóng loại bỏ những phần tử của tổ chức khủng bố có liên quan đến đảo chính chứ không nhằm hạn chế tự do và các hoạt động chính trị, xã hội của người dân cũng như của các chính đảng. 

Ý của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là muốn nói tới những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đứng đằng sau cuộc đảo chính. Chưa hết, ông Erdogan còn cảnh báo rằng, những kẻ đứng đằng sau cuộc đảo chính có thể còn nhiều kế hoạch cho giai đoạn kế tiếp và âm mưu đảo chính vẫn chưa thực sự chấm dứt. 


9.400 người đã bị bắt giữ vì liên quan đến đảo chính. Ảnh: AP

Trả lời trên kênh truyền hình Al-Jazeera, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc rằng một số quốc gia có thể đã dính líu tới âm mưu đảo chính song ông từ chối nêu đích danh và chỉ cung cấp rằng, tiến trình điều tra đang được thực hiện và khi có kết quả cuối cùng, Ankara sẽ có công bố cụ thể. Cũng theo ông Erdogan, những vụ bắt giữ gần đây đã cung cấp cho giới chức Ankara nhiều cái tên. 

Trước những diễn biến này, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeirer đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ giới hạn ngắn hơn nữa tình trạng khẩn cấp về an ninh được áp đặt sau cuộc đảo chính bất thành và đề nghị nước này duy trì cả nguyên tắc pháp quyền và sự cân bằng trong trấn áp sau đảo chính. 

Còn Mỹ, mặc dù bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích về việc không dẫn độ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen song Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn tái khẳng định rằng Washington ủng hộ các nỗ lực đập tan vụ đảo chính chống lại chính phủ dân bầu ở nước này và mong muốn các tiêu chuẩn dân chủ phải được tôn trọng. 

Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương  (NATO) Jens Stoltenberg thì khẳng định, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không bị suy yếu sau cuộc nổi loạn và nước này tiếp tục là một đồng minh quan trọng trong NATO. Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh, điều quan trọng đối với NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cần tiếp tục là một đồng minh mạnh mẽ vì nước này có biên giới giáp với tất cả các quốc gia bất ổn.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia và các chính trị gia khác cũng bày tỏ những lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một loạt bước đi cứng rắn mà nếu không cẩn trọng dễ dẫn đến những sai lầm lớn. 

Các con số thống kê cho biết, cuộc đảo chính bất thành hồi cuối tuần trước đã làm 246 người thiệt mạng và 1.536 người bị thương. Đến nay, có tới 60.000 người bị nghi ngờ có liên quan đến cuộc đảo chính này. Điều đáng chú ý là các đối tượng tình nghi không chỉ dừng lại trong lực lượng quân đội, cảnh sát và ngành tư pháp mà còn bao gồm cả lĩnh vực giáo dục, các giáo viên, nhà báo… 

Hãng Reuters hôm 20-7 dẫn lời một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, khoảng 6.500 nhân viên của Bộ Giáo dục nước này bị đình chỉ và điều tra. Một ngày trước đó, Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đình chỉ 15.200 nhân viên và thu hồi giấy phép hành nghề của 21.000 giáo viên làm việc trong các cơ sở tư nhân trên toàn quốc. 

Uỷ ban cao cấp về giáo dục của Thổ Nhĩ Kỳ còn ra lệnh cấm tất cả các học giả ra nước ngoài trong thời điểm hiện tại và yêu cầu 1.577 Trưởng khoa tại các trường Đại học từ chức do nghi có liên quan đến vụ đảo chính. 

Lý giải về điều này, người phát ngôn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Các trường Đại học luôn đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Thổ  Nhĩ Kỳ và nhiều cá nhân được cho là đã liên hệ với giới chức quân đội trong vụ đảo chính vừa qua”. 

Tổ chức Ân xá quốc tế cũng đã lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay trấn áp các đối tượng tình nghi và tuyên bố: “Chúng ta đang chứng kiến một vụ trấn áp chưa từng có tiền lệ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dù việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn điều tra và trừng trị những kẻ chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính đẫm máu trên là hoàn toàn hợp pháp và dễ hiểu, song họ cũng cần phải tôn trọng luật pháp và quyền tự do bày tỏ ý kiến của những người nằm trong diện tình nghi”. 

Được biết, trong số 9.400 người đang bị bắt có 118 tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao trong quân đội và 2.700 thẩm phán và công tố viên... Đó là chưa kể đến 900 cảnh sát ở thủ đô Ankara bị tình nghi có liên hệ với một phong trào Hồi giáo do Giáo sĩ Fethullah Gulen đứng đầu và 100 nhân viên tình báo cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ bị sa thải. 

Hiện chính quyền Ankara cũng đã chính thức buộc tội 99 tướng lĩnh quân đội bị bắt giữ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố không loại trừ khả năng áp dụng lại khung hình phạt cao nhất là tử hình (vốn đã bị bãi bỏ hơn 1 thập niên trước) đối với kẻ bị tuyên bố là có tội làm phản. 

Phan Hiển
.
.
.