Tân Thủ tướng Ba Lan nỗ lực hàn gắn quan hệ với EU
- Tổng thống Cộng hòa Ba Lan và phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
- Cứu tinh của 3 vạn người tị nạn Ba Lan trong Thế chiến thứ II
Trong bối cảnh Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) đang tồn tại nhiều mâu thuẫn chính trị, đặc biệt là bất đồng về việc cải cách tư pháp gây tranh cãi của nước này, tân Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 9-1 (giờ địa phương) đã tuyên bố cải tổ nội các, nhằm phát đi một tín hiệu tích cực giúp cải thiện quan hệ với các đối tác trong EU.
Gốc rễ của sự gia tăng căng thẳng ngày một báo động giữa Ba Lan và EU chính là việc Hạ viện Ba Lan vừa thông qua dự luật cải cách tư pháp hồi tháng 12-2017, mà các chính trị gia đối lập và EU cho là sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của bộ máy tư pháp và nguyên tắc pháp quyền tại quốc gia này.
Việc nhậm chức Thủ tướng và tiến hành cải tổ nội các của ông Mateusz Morawiecki, người từng là cố vấn kinh tế cho cựu Thủ tướng Donald Tusk trong việc đàm phán để Ba Lan gia nhập EU, sẽ mở ra cơ hội để Warsaw nới lỏng nút thắt với Brussels.
Một loạt bộ trưởng lớn “mất ghế”
Ngay sau khi ông Mateusz Morawiecki tiếp nhận chính thức cương vị Thủ tướng Ba Lan hồi tháng 12-2017, các chuyên gia chính trị đã nhận định rằng, vị chính trị gia 49 tuổi này sẽ cùng các cộng sự tập trung nghiên cứu bài toán cải tổ nội các.
Và đúng như dự đoán, ông Morawiecki đã mạnh tay cách chức một loạt bộ trưởng quan trọng như Bộ trưởng Quốc phòng Antoni Macierewicz, Ngoại trưởng Witold Waszczykowski, Bộ trưởng Môi trường Jan Szyszko cùng một số chức bộ trưởng khác trong đó có cả Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Số hóa.
Thay vào đó, Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Blaszczak sẽ đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng thay thế ông Macierewicz, Thứ trưởng Ngoại giao Jacek Czaputowicz sẽ đảm nhiệm chức Ngoại trưởng, còn ông Henryk Kowalczyk sẽ giữ chức Bộ trưởng Môi trường.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Morawiecki đã bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Phát triển – hai ghế còn trống trong nội các. Cũng trong ngày 9-1, các bộ trưởng mới đã tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Andrzej Duda tại dinh Tổng thống.
Trong một tuyên bố trước đó, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cam kết Chính phủ Ba Lan sẽ tiếp tục các biện pháp thúc đẩy phúc lợi, việc làm và nhà ở cho người dân để tạo đà cho việc phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Đặc biệt, việc cải tổ nội các là một bước đi chiến lược, nhằm cải thiện quan hệ với EU trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên về chương trình cải cách tư pháp.
Dự kiến, Thủ tướng Morawiecki sẽ có mặt tại Brussels (Bỉ) trong vài ngày tới, với chương trình nghị sự tập trung vào giải quyết các thủ tục pháp lý chưa từng có tiền lệ mà EU đang tiến hành đối với Warsaw về căng thẳng nêu trên.
Hôm 27-12-2017, ông Mateusz Morawiecki cũng đã phát biểu rằng Chính phủ Ba Lan muốn duy trì các cuộc đối thoại thẳng thắn với EU để Brussels có thể hiểu lý do tại sao Ba Lan lại tiến hành cải cách hệ thống tư pháp.
Ông nói: “Warsaw sẽ không chỉ liên hệ thường xuyên với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mà còn với các ủy viên khác của Ủy ban để nêu quan điểm và tìm kiếm tiếng nói chung”.
Thủ tướng Morawiecki hy vọng duy trì đối thoại thẳng thắn với EU để tìm được tiếng nói chung. Ảnh: MinisterstwoRozwoju |
Ba Lan sẽ bị hủy quyền bỏ phiếu trong EU?
Theo dự luật mới, Quốc hội Ba Lan có thể chọn lựa thành viên cho Hội đồng Tư pháp quốc gia (KRS) - cơ quan quyền lực chịu trách nhiệm đảm bảo tính công bằng tư pháp và có quyền bổ nhiệm thẩm phán, qua đó tăng cường quyền kiểm soát chính trị với Tòa án Tối cao.
Dự luật cũng sẽ giảm tuổi nghỉ hưu của các thành viên Tòa án Tối cao từ 70 tuổi xuống còn 65 tuổi. Tuy nhiên, Tổng thống có thể cho phép thẩm phán làm việc cho đến 70 tuổi. Cải cách này bị chỉ trích là bất hợp pháp khi buộc Chánh án Malgorzata Gersdorf phải ra đi khi mới nắm quyền được nửa nhiệm kỳ dài 6 năm.
Chính phủ Ba Lan đã bắt đầu đưa ra những thay đổi trong bộ máy tư pháp sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015, đồng thời tuyên bố những cải cách này là cần thiết để chống nạn tham nhũng và xem xét lại toàn bộ hệ thống tư pháp vốn vẫn bị ảnh hưởng bởi thời kỳ cũ.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU cảnh báo sự thay đổi này là mối đe dọa tới các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền mà Ba Lan đã ký khi gia nhập EU.
Tháng trước, EC đã bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện Ba Lan, theo đó, ủy ban này đã kích hoạt điều 7 Hiệp ước Lisbon, đồng nghĩa Ba Lan có thể bị hủy bỏ quyền bỏ phiếu của mình trong EU.
Trong giai đoạn đầu của thủ tục pháp lý mà EC khởi động, các nước thành viên EU sẽ xác định liệu quốc gia bị kiện có nguy cơ "vi phạm nghiêm trọng" các nguyên tắc pháp quyền hay không.
Một phán quyết như vậy cần sự ủng hộ của 22 nước thành viên EU và việc áp đặt bất kỳ các biện pháp trừng phạt nào sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn 2, cần tới sự ủng hộ nhất trí của tất cả các nước thành viên còn lại trong EU, trừ Ba Lan. Trong khi đó, Hungary, một thành viên của EU tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp nào mà Brussels nhằm vào Warsaw.