Súng đạn - Bài toán chưa có lời giải trên đất Mỹ
Khi nước Mỹ đang dồn lực cho chiến dịch tiêm vaccine mở rộng trong khuôn khổ cuộc chiến chống COVID-19, thì ngày 16/3, một loạt các vụ xả súng đã xảy ra tại ba cửa hiệu massage ở ngoại ô thành phố Atlanta của bang Georgia khiến 8 người thiệt mạng và 1 người bị thương.
Theo người phát ngôn cảnh sát hạt Cherokee, nhà chức trách đã nhận được tin báo về vụ nổ súng ở cửa hàng Young's Asian Massage gần thành phố Acworth. Một giờ sau đó, cảnh sát tiếp tục nhận thông tin về một vụ cướp tại tiệm làm đẹp Gold Massage Spa, cách hiện trường vụ việc nói trên khoảng 50km. Cùng lúc này, vụ nổ súng thứ ba xảy ra ở một tiệm làm đẹp khác cách đó không xa.
Loạt vụ xả súng đẫm máu hằn sâu thêm nỗi đau và sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Đáng chú ý, trong số 8 người tử vong có 4 phụ nữ châu Á. Một công dân da trắng mới chỉ 21 tuổi có tên Rober Aaron Long được khẳng định là kẻ đã gây ra vụ việc. Loạt vụ tấn công trên xảy ra chỉ một năm sau làn sóng bạo lực nhằm vào người gốc châu Á gia tăng tại Mỹ.
Giới quan sát cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do người Mỹ gốc châu Á bị đổ lỗi làm lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi ca bệnh đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc. Chưa đầy một tuần sau, ngày 22/3, một vụ nổ súng khác đã xảy ra tại cửa hàng tạp hóa King Soopers ở Boulder, cách Denver, thủ phủ bang Colorado khoảng 50km về phía Tây Bắc. Vụ nổ súng khiến 10 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát. Thống đốc bang Colorado Jared Polis và Thị trưởng thành phố Boulder Sam Weaver đã gọi sự việc trên là "thảm kịch".
Qua điều tra, cảnh sát trưởng thành phố Boulder cho biết đối tượng tình nghi được xác định là Ahmad Alissa, 21 tuổi. Tên này đã bị cáo buộc 10 tội danh giết người cấp độ 1 và sẽ được đưa tới giam giữ tại nhà tù hạt Boulder.
Reuters nhận định, hai vụ xả súng đẫm máu liên tiếp xảy ra chỉ trong một tuần qua đã hằn sâu thêm nỗi đau trong lòng nước Mỹ về vấn đề bạo lực súng đạn. Những vụ nổ súng đẫm máu, trong đó có các động thái nhằm vào người châu Á, dường như đang thách thức chính quyết tâm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, từng được đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức của ông, đó là: "Đưa nước Mỹ lại gần nhau, đoàn kết người dân, đoàn kết đất nước".
Trên thực tế, vấn đề kiểm soát súng đạn và bạo lực súng đạn đã gây chia rẽ nước Mỹ trong nhiều năm qua. Dù việc sở hữu vũ khí là một trong những quyền quan trọng được ghi trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, song trong suốt phần lớn chiều dài lịch sử nước Mỹ, kiểm soát súng luôn trở thành một vấn đề gây chia rẽ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dựa trên các quan điểm khác nhau về giá trị tự do và bình đẳng, hai đảng hàng đầu của Mỹ thường thúc đẩy các chính sách đối ngược nhau về vấn đề này.
Phần lớn nghị sĩ Cộng hòa phản đối mạnh việc hạn chế súng, cho rằng dự luật như vậy sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng trong khi không giúp người dân Mỹ an toàn hơn. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn có những đạo luật mới để kiềm chế bạo lực súng đạn tại Mỹ và để đảm bảo vũ khí không rơi vào tay những phần tử nguy hiểm.
Trong bài phát biểu ngày 24/3, đề cập đến hàng loạt vụ thảm sát bằng súng xảy ra tại các trường học, hộp đêm, rạp chiếu phim và những địa điểm công cộng khác từng để lại nhiều hậu quả tâm lý nặng nề, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh: "Tôi không cần đợi thêm một phút nào, chứ đừng nói một giờ, để thực hiện những công việc thường lệ nhằm cứu sống nhiều người trong tương lai".
Ông Biden hối thúc các nghị sỹ tại lưỡng viện sớm hành động, đồng thời nhắc lại thời điểm năm 1994 khi Quốc hội Mỹ đã vượt qua những chia rẽ để thông qua lệnh cấm kéo dài 10 năm đối với các loại vũ khí tấn công. Tổng thống Biden khẳng định: "Chúng ta có thể một lần nữa cấm các loại vũ khí tấn công và súng đạn ở đất nước này".
Trước đó, ngày 11/3 vừa qua, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua 2 dự luật nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn. Trong đó, một dự luật nhằm khắc phục lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay trong luật về súng đạn thông qua việc mở rộng kiểm tra lý lịch đối với những người mua vũ khí qua Internet, tại các triển lãm súng đạn hay thông qua một số giao dịch riêng. Dự luật thứ hai cho phép nhà chức trách có 10 ngày làm việc để hoàn thành việc kiểm tra lý lịch liên bang trước khi cấp phép bán súng.
Tổng thống Biden cũng kêu gọi Thượng viện Mỹ ngay lập tức thông qua 2 dự luật trên. Ông nhấn mạnh: "Đây không phải là một vấn đề đảng phái và không nên coi đây là một vấn đề đảng phái. Đây là vấn đề của nước Mỹ, bởi nó sẽ cứu nhiều mạng sống, cuộc sống của người Mỹ và chúng ta phải hành động".
Trong tuyên bố mới nhất, thư ký báo chí Jen Psaki đã thông báo với các phóng viên rằng Nhà Trắng đang "xem xét một loạt các đòn bẩy, bao gồm cả việc thông qua sắc lệnh hành pháp" để giải quyết vấn đề an toàn súng đạn và bạo lực tại quốc gia này.