Sự thay đổi của Tổng thống Trump trong vấn đề Iran

Thứ Tư, 01/08/2018, 07:41
Vài ngày sau khi cảnh báo Tehran về “hậu quả” nghiêm trọng trong việc bất chấp Mỹ, ngày 30-7 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đột nhiên tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.


Hãng tin The WashingtonTime cho hay, tuyên bố này được người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington D.C sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte. Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh rằng ông tin vào hiệu quả của các cuộc gặp mặt để cải thiện quan hệ song phương.

Ông Donald Trump nói: “Tôi sẽ gặp lãnh đạo Iran nếu họ muốn gặp. Tôi không biết là liệu họ đã sẵn sàng chưa. Hiện tại họ đang trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi đã chấm dứt thoả thuận hạt nhân với Iran. Đó là một thoả thuận vô lý. Tôi nghĩ rằng họ muốn có cuộc gặp và tôi sẵn sàng gặp bất cứ khi nào họ muốn. Nếu chúng ta có thể tạo ra một thứ có ý nghĩa hơn, không phải là sự lãng phí giấy tờ như thoả thuận kia, tôi chắc chắn sẽ gặp”.

Hãng AP nhận định, động thái này có phần lắng dịu hơn nhiều so với phát ngôn của Tổng thống Mỹ đe dọa Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tuần trước. Khi đó, ông chủ nhà Trắng đã cảnh báo Iran sẽ phải nhận những hậu quả nghiêm trọng không biết trước được nếu chống Mỹ và rằng một khi Wasshington đã quyết tâm thì Tehran sẽ phải “nhận bài học cay đắng”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngỏ ý muốn gặp nhà lãnh đạo Iran Hassan Rouhani.

Rồi đến ngày 24-7, Tổng thống Donald Trump lại để ngỏ khả năng đàm phán về một thoả thuận nhằm phi hạt nhân hoá Iran. Nhưng phía Iran vẫn bác bỏ khả năng đối thoại với Chính phủ Mỹ về các vấn đề song phương cũng như cảnh báo của ông Donald Trump về việc Tehran có nguy cơ đối mặt với những hậu quả thảm khốc gần như chưa từng hứng chịu trước đây nếu vẫn đe dọa Washington.

Riêng về lời bình luận lần này, cố vấn của Tổng thống Iran Hamid Aboutalebi đã viết trên Twitter như sau: "Hãy tôn trọng quyền quốc gia của Iran, giảm thái độ thù địch, quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là những bước đi cần thiết để mở đường cho đối thoại giữa Iran và Mỹ". Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi cho biết: "Với thái độ và chính sách hiện tại của Mỹ với Iran, chắc chắn sẽ không có khả năng đối thoại hay việc Tehran tham gia đàm phán. Mỹ đã cho thấy họ chưa hoàn toàn đáng tin cậy”.

Tuy nhiên, những lời nói mới của Tổng thống Donald Trump đã tác động mạnh tới các thành viên đảng Cộng hoà. Nhiều thành viên đảng Cộng hoà vốn không ủng hộ ông Donald Trump nay lại càng có thêm cái cớ bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Washington có thể sẽ mắc sai lầm khi không bảo vệ Israel hay các đồng minh khác mà lại đi thoả thuận với “những kẻ thù không thể tránh khỏi” như Iran. Thậm chí, một số người còn cho rằng ông Donald Trump đang làm sai lệch các bước tiến của Mỹ trong việc gây sức ép với Iran.

Dẫu vấp phải sự phản kháng ngay trong nội bộ chính quyền, Tổng thống Donald Trump vẫn không hề bày tỏ sự lo lắng về những tác động chính trị có thể xảy ra. Khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, ông Donald Trump còn thừa nhận rằng ông không chắc liệu lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo Iran có "sẵn sàng" để ngồi xuống để đàm phán hay không nhưng ông hy vọng nó sẽ "kết thúc tốt đẹp”.

Về việc nội bộ nước Mỹ chưa thống nhất để giải quyết vấn đề Iran, ông Donald Trump cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran của Mỹ sẽ được thực hiện từ ngày 4-8 và sẽ làm gia tăng thêm “nỗi đau kinh tế của Iran”.

Ông chủ Nhà Trắng hy vọng, những áp lực gia tăng đối với chính quyền Iran và các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả một chiến dịch chiến tranh thông tin sẽ buộc các nhà lãnh đạo Iran phải đàm phán, giống như chiến lược áp lực tương tự mà Mỹ từng áp dụng với CHDCND Triều Tiên trước đó.

Nói về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: "Chúng tôi đã nói điều này trước đây. Ông ấy (Tổng thống Donald Trump muốn gặp gỡ mọi người để giải quyết vấn đề. Nếu người Iran chứng minh được cam kết sẽ có những thay đổi cơ bản, thay đổi cách hành xử, thì đây là điều đáng giá để tiến tới một thỏa thuận có thể thực sự ngăn chặn họ phát triển hạt nhân. Vì thế, Tổng thống mới nói rằng ông sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận với Iran".

Theo hãng CNBC, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nêu 12 điều kiện đặc biệt để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Iran.

 Còn người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Garrett Marquis nói, Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng đối thoại, thậm chí chấm dứt gần 40 năm đối đầu giữa hai nước, nhưng chỉ sau khi Tehran áp dụng những cải cách mang tính căn bản. "Mỹ sẵn sàng chấm dứt cấm vận, tái thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại toàn diện, cho phép Iran sở hữu công nghệ hiện đại và hỗ trợ Tehran tái hòa nhập với nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra nếu có sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của Iran", Garrett Marquis tuyên bố. Alireza Nader, một chuyên gia của Iran thì nhận định: “Động thái mới của ông Donald Trump làm gia tăng sự lo ngại tình trạng phản đối của Iran và có thể sẽ mở tín hiệu về việc Mỹ sẵn sàng từ bỏ một số điều kiện để đổi lấy một thoả thuận hạt nhân mới”.

Một nhà phân tích chính trị khác người Iran tên là Ali Vaez thì cho rằng, có vẻ như Tổng thống Donald Trump muốn tấn công thoả thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 trên mọi phương diện trong khi những người khác trong chính quyền Washington lại căn bản muốn thay đổi hoàn toàn chế độ ở quốc gia Hồi giáo này. “Và tất cả họ đều sử dụng cùng một phương tiện, đó là biện pháp trừng phạt", Ali Vaez nói.

Cũng theo Ali Vaez, Israel, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất là những đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, coi Iran là kẻ thù nguy hiểm và có thể chống lại quan điểm về một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hassan Rouhani. Nghĩa là ý tưởng mà ông Donald Trump đưa ra với việc thực hiện nó còn phải trải qua một quãng đường khá chông gai.

Quan hệ Mỹ-Iran leo thang căng thẳng kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức hồi đầu năm 2017 và mới đây tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tổng thống Donald Trump cũng đã khôi phục các lệnh trừng phạt nặng nề với Iran và đe dọa sẽ "mạnh tay hơn" nếu nước này không có bước tiến đáng kể trong việc phi hạt nhân hóa.

Gia Nam
.
.
.