Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 - 9/5/2015):

Sự thật lịch sử không thể xuyên tạc

Thứ Bảy, 09/05/2015, 09:40
Ngày 9/5/1945 đã đi vào lịch sử như là chiến thắng vĩ đại của hòa bình và văn minh nhân loại trước chủ nghĩa phát xít, với chiến thắng oanh liệt của Hồng quân và nhân dân Liên Xô, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai, đem lại nền hòa bình cho toàn thế giới.

Thắng lợi của Liên Xô và đồng minh trong Thế chiến thứ hai đã làm thay đổi căn bản tình hình thế giới, tạo ra tiền đề quan trọng, đưa thế giới chuyển sang thời kỳ phát triển mới. Thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi, nhưng chiến thắng phát xít với vai trò quyết định của Liên Xô là sự thật lịch sử, mãi mãi là một chân lý, một trang chói lọi trong lịch sử nhân loại mà không ai có thể phủ nhận được.

Ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, dù vai trò quyết định của Liên Xô đã quá rõ ràng, nhưng người ta vẫn thấy có những tiếng nói từ nhiều thế lực nhằm tranh công, đổ lỗi. Đã có ý kiến cố tình phủ nhận vai trò của Liên Xô khi cho rằng, dù Liên Xô cũng có công lớn, nhưng với việc là đồng minh quan trọng và ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, thì Mỹ mới là lực lượng quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít! Tuy nhiên, luận điểm xuyên tạc nói trên sau này ngày càng không được thừa nhận. 

70 năm qua, thế giới ngày càng thấy rõ hơn, thấm thía hơn công lao to lớn và vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô trong việc thủ tiêu chủ nghĩa phát xít, kết thúc cuộc chiến “đáng sợ nhất trong lịch sử thế giới", đem lại nền hòa bình cho nhân loại.

Binh sĩ trong quân đội Nga mặc quân phục thời Chiến tranh thế giới lần 2, diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Ảnh: AP.

Thế nhưng hiện nay, còn có những thế lực, có người vẫn cố tình xuyên tạc lịch sử, hạ thấp, thậm chí phủ định vai trò của Liên Xô. Một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm Nghiên cứu ICM Research tiến hành cho hãng tin Sputnik cho thấy, 24% người dân châu Âu không thể nói rõ ai đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi kết cục của Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chỉ 13% tin rằng Liên Xô đã định hình kết cục của cuộc chiến; vai trò của Liên Xô đã bị nhiều nước phương Tây mô tả rất khác; họ muốn cô lập Nga bằng cách "đưa vào quên lãng hàng triệu người Nga, cũng như những người Anh và Mỹ đã hy sinh mạng sống của họ để đánh bại Hitler”.

Cần lưu ý lại một số sự kiện lịch sử, một số dữ liệu lịch sử thể hiện rõ vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô.

Một là, trong các mặt trận của Chiến tranh Thế giới thứ hai thì mặt trận Xô - Đức là mặt trận chủ yếu, giữ vai trò quyết định bởi sự tập trung ý đồ và binh lực hỏa lực của các bên tham chiến; thành bại trên mặt trận này sẽ quyết định toàn cục của cuộc chiến. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, chiến sự diễn ra trên nhiều mặt trận: mặt trận Tây Âu, mặt trận Bắc Phi, mặt trận Xô - Đức, mặt trận Thái Bình Dương... Mặt trận nào cũng gay go, phức tạp và kèm theo những tổn thất vô cùng lớn lao. 

Tuy nhiên, nếu xét về trọng tâm chiến lược của quân đội phát xít, về cường độ chiến tranh và tác dụng quyết định của các chiến dịch đối với kết quả cuối cùng của toàn bộ cuộc chiến tranh thì mặt trận Xô - Đức đứng ở vị trí đầu tiên, quyết định. Mặt trận này là nơi phát xít Đức hy vọng giành thắng lợi quyết định cả cuộc chiến. Theo kế hoạch “Barbarossa”, phát xít Đức hy vọng nhanh chóng đánh chiếm Liên Xô và “bắt thế giới đầu hàng”. 

Hai là, Liên Xô đổ nhiều công sức, hi sinh nhiều sức người, sức của và đóng vai trò quyết định sự thất bại của phát xít Đức, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít tận sào huyệt. Hồng quân Liên Xô đã chịu đựng gánh nặng lớn nhất của chiến tranh và tiêu diệt đại bộ phận lực lượng phát xít trên mặt trận Xô - Đức. 

Chiến tranh Thế giới thứ hai có liên quan tới 61 quốc gia và hơn 80% dân số thế giới. Khoảng 70 triệu người được cho là đã chết trong cuộc chiến; riêng Liên Xô mất đi 27 triệu người, cả binh lính lẫn thường dân; con số lính Hồng quân tử trận lên tới 8,7 triệu người, chiếm hơn nửa con số 14 triệu quân Đồng minh tử trận.

Chiến thắng của quân đội Liên Xô làm thay đổi cục diện chiến tranh, góp phần giành thắng lợi cho các lực lượng chống phát xít. Chính tại mặt trận Xô - Đức, quân đội phát xít đã phải gánh chịu những tổn thất to lớn về người và vật chất. Theo số liệu gần đây, thì tổng số quân Đức bị chết, bị thương và bị bắt làm tù binh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai lên tới gần 14 triệu người, trong đó riêng ở mặt trận Xô - Đức là 10 triệu người. Điều quan trọng là, với tổn thất như vậy, phát xít Đức đã mất sức chiến đấu và cuối cùng phải chịu thất bại.

Những chiến dịch, trận đánh ở cửa ngõ Moskva mùa đông 1941 - 1942; ở Stalingrad 1942 đến đầu 1943, kéo dài 6 tháng; vòng cung Kursk năm 1943 là thắng lợi to lớn của Hồng quân Liên Xô, mang tính quyết định đến toàn bộ cục diện chiến tranh, đánh gục hoàn toàn chủ nghĩa phát xít Đức, tiến tới kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. 

Chính Churchil, Thủ tướng Anh đương thời, một người chống Cộng điên cuồng và rất thù ghét Liên Xô, cũng đã phải tuyên bố ở Hạ nghị viện Anh ngày 28/9/1944 rằng: “Chính quân đội Nga đã rút ruột bộ máy chiến tranh của Đức và hiện nay đang kìm lại trên chiến trường của họ một bộ phận lực lượng địch rất lớn”.

Ba là, Liên Xô là lực lượng quyết định kết thúc chiến tranh. Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai mà cao điểm là cuộc đại công phá Berlin, buộc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện Hồng quân Liên Xô. Tiếp đó, ngày 8/8/1945, quân đội Xô Viết anh hùng đã tiến công tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật Bản, buộc Nhật phải ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện ngày 15/8/1945, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai - một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ XX.

Như vậy, Liên Xô là lực lượng đi đầu, lực lượng chủ chốt quyết định thắng lợi, đánh bại chủ nghĩa phát xít, bảo vệ nền văn minh nhân loại trong Đại chiến Thế giới thứ hai. Thắng lợi của phe đồng minh tại Thế chiến thứ hai, trong đó nhân dân Xô Viết đóng vai trò quyết định, đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa chủ nghĩa phát xít, góp phần quan trọng gìn giữ nền hòa bình thế giới. Thực tế lịch sử này không thế lực nào có thể xuyên tạc.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Hưởng
.
.
.