Sẽ khó giải quyết vấn đề Donbass nếu thiếu Nga

Thứ Tư, 04/12/2019, 08:41
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2-11 (giờ địa phương) khẳng định tiến trình giải quyết xung đột Donbass sẽ chỉ “giậm chân tại chỗ” nếu không có sự đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ông đồng thời bày tỏ hy vọng rằng đàm phán 4 bên Normandy sắp tới giữa Nga, Pháp, Đức và Ukraine sẽ mở ra đối thoại nhằm giúp chấm dứt cuộc xung đột hiện nay tại miền Đông Ukraine.

Trong một thông điệp bằng video được đăng trên mạng xã hội Facebook, Tổng thống Ukraine khẳng định sẽ không có bất kỳ tiến triển nào trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Donbass nếu như không có sự đối thoại với người đồng cấp Nga.

Ông nêu rõ: “Chúng ta có thể giải quyết mà không đối thoại nhưng điều đó giống như sử dụng một chiếc máy chạy vậy - bạn chỉ dậm chân tại chỗ mà không có bước tiến nào. Chúng ta không muốn chỉ chạy một chỗ, chúng ta muốn tất cả điều này kết thúc”.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh sự tham gia của ông trong Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ Normandy sắp tới (gồm 4 nước: Đức, Pháp, Nga và Ukraine) dự kiến diễn ra tại Paris, Pháp ngày 9-12, không phải là “một sự phản bội nhân dân”. Theo ông, bản thân cuộc họp này chính là “một chiến thắng”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói: “Cuộc gặp này đã là một chiến thắng đối với chúng tôi do đây là một cơ hội để gặp cả 4 nhà lãnh đạo, một cơ hội đã tới sau 3 năm lặng im... Đây là cơ hội để bắt đầu một cuộc đối thoại... Chúng tôi muốn chấm dứt xung đột”. Ông cũng cho biết trong cuộc đàm phán, Ukraine ưu tiên thảo luận một khung thời gian để trao trả vùng Donbas ở miền Đông nước này cho Kiev kiểm soát.

Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine cũng yêu cầu người dân nước này không nên tin tưởng bất cứ chính trị gia nào chỉ trích cuộc gặp Thượng đỉnh trên và chỉ rõ không có giải pháp thay thế được con đường ngoại giao trong việc giải quyết xung đột Donbass.

“Đừng tin tưởng bất kỳ ai, không ai có thể đạt được điều gì đó qua chiến tranh cả và không ai muốn lãng phí hàng trăm nghìn sinh mạng vào những cuộc chiến. Ngoại giao là con đường duy nhất”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh.

Trước đó, trong các cuộc trả lời phỏng vấn các tờ báo quốc tế như Le Monde, Der Spiegel, Time và Gazeta Wyborcza, Tổng thống Ukraine khẳng định ông phản đối một giải pháp quân sự ở Donbass. "Tôi không muốn lấy lại vùng Donbass bằng vũ lực. Một số người ở Ukraine dường như muốn điều đó, nhưng với cái giá phải trả như thế nào? Họ có muốn cầm súng đến đó? Tôi không đồng tình với một giải pháp quân sự. Nếu quan điểm của tôi làm mất lòng người dân, họ có thể bầu một nhà lãnh đạo khác”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Theo ông, những thành phần trong chế độ cũ đang muốn hô hào người dân đứng lên giành lấy vùng Donbass bằng vũ lực. Tổng thống Volodymyr cũng nói rằng, ông không muốn đưa bất cứ ai đến tham gia chiến tranh ở Donbass, vì điều đó có thể sẽ khiến hàng trăm ngàn người phải chết và nguy cơ gây ra một “cuộc chiến toàn diện” ở Ukraine trước, sau đó là ở châu Âu.

Trong một diễn biến liên quan, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng ngày bày tỏ lo ngại gần nửa triệu trẻ em ở miền Đông Ukraine vẫn phải đối mặt với những hiểm họa ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý do phải sống trong khu vực xảy ra chiến sự liên miên suốt hơn 5 năm qua. Giám đốc UNICEF tại châu Âu và Trung Á, bà Afshan Khan cho rằng việc trẻ em ở đây phải học ở những ngôi trường còn nguyên các lỗ đạn, hố bom và phải sống ở những khu vực liên tục bị oanh tạc, mìn có ở khắp nơi, là không thể chấp nhận được.

Bà Afshan Khan kêu gọi các bên phải chấm dứt chiến sự ở miền Đông Ukraine với lý do thời gian để tìm ra giải pháp chính trị cho khu vực này đã quá lâu. Bà nhấn mạnh mặc dù gần đây, Chính phủ Ukraine đã có những nỗ lực bảo hộ giáo dục như việc thông qua Tuyên bố về trường học an toàn nhằm giảm thiểu việc các lực lượng quân sự sử dụng trường học, song cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua đã để lại quá nhiều hậu quả đối với trẻ em nơi đây.

Hiện UNICEF và các đối tác đang hỗ trợ hàng nghìn trẻ em, cũng như cha mẹ các em ở miền Đông Ukraine đối phó với các vấn đề tâm lý và giáo dục về mối nguy hiểm của bom mìn, đồng thời tham gia sửa chữa trường học bị tàn phá và khôi phục các cơ sở hạ tầng cung cấp nước và vệ sinh. UNICEF đã kêu gọi tài trợ khẩn cấp cho trẻ em khu vực này, nhưng trong năm 2019, UNICEF chỉ nhận được 37% số tiền cần có để tiến hành hoạt động hỗ trợ nhân đạo ở Ukraine.

Theo số liệu của LHQ, tính đến nay, tại miền Đông Ukraine đã có 172 trẻ em bị chết hoặc bị thương do mìn, chất nổ và hiện có tới 2 triệu trẻ em đang phải đối mặt với mối nguy hiểm này. Ngoài ra, trong 5 năm qua đã có 750 trường học bị tàn phá và 430.000 em bị sang chấn tâm lý, cần phải hỗ trợ để phục hồi.

Khổng Hà
.
.
.