Quan hệ Nga – NATO khó mà “xuôi chèo mát mái”
- Ông Donald Trump: NATO là một thỏa thuận tồi đối với nước Mỹ
- NATO có thể bị “khai tử” dưới thời ông Donald Trump
- NATO không muốn khôi phục quan hệ với Nga
Nga tuyên bố triển khai các loại tên lửa hiện đại “đất đối không” và “không đối đất” ở Kaliningrad, để đối phó với các mối đe dọa từ hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu (NMD), trong khi NATO vẫn thể hiện sự kiên định với cách tiếp cận “nước đôi” nhằm vào Moskva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22-11 bày tỏ quan ngại về quá trình ra quyết định của NATO, đồng thời khẳng định Moskva sẽ có các biện pháp đáp trả trước sự mở rộng của liên minh quân sự này.
Mối quan hệ chồng chất căng thẳng giữa Nga và NATO không thể một sớm một chiều có thể “xuôi chèo mát mái”. Ảnh minh họa. |
Tuyên bố này được đưa ra sau khi 4.000 binh sĩ thuộc 11 quốc gia thành viên NATO bắt đầu cuộc tập trận đa phương quy mô lớn mang tên Iron Sword (Kiếm sắt) 2016 tại Litva – quốc gia giáp với Kaliningrad, vùng lãnh thổ phía Tây nằm tách rời Nga, tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov, hôm 22-11 xác nhận việc triển khai lực lượng tại Kaliningrad nhằm tiếp tục cải thiện khả năng tác chiến của lực lượng không quân, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander, cho phép vượt qua hệ thống NMD.
Theo ông Ozerov, hành động này của Nga được xem như một phản ứng đối xứng với các hành động của NATO, có khả năng trung hòa các mối đe dọa từ hệ thống NMD. Ông Ozerov khẳng định việc Nga liên tục theo dõi tình hình và “luôn sẵn sàng ứng phó”. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại về quyết định trên của Moskva, cho rằng động thái này có thể “gây bất ổn đối với an ninh của châu Âu”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby yêu cầu Nga thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh việc Moskva điều động các tên lửa Iskander tới Kaliningrad trong thập kỷ qua để phản ứng với các diễn biến ở châu Âu đã đe dọa đến an ninh ở lục địa này. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cam kết sẽ mở rộng năng lực phòng thủ tập thể của khối quân sự này với các đồng minh mới trước những mối đe dọa hiện nay đồng thời lưu ý rằng, NATO đang cân nhắc thúc đẩy khả năng phòng thủ tập thể của khối này, cùng với duy trì ổn định, tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và mở rộng liên minh với việc mời Montenegro gia nhập.
Phát biểu tại phiên họp thường niên lần thứ 62 của Đại hội đồng Nghị viện các nước NATO diễn ra hôm 21-11 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký Stoltenberg tuyên bố các nước thành viên đã chứng minh khả năng sát cánh cùng nhau trong liên minh quân sự, xây dựng năng lực quốc phòng tập thể và bảo đảm an ninh cho nhau.
Ông khẳng định: “Thông điệp từ NATO là chúng tôi muốn đối thoại với Nga. Nga là láng giềng lớn nhất của chúng tôi. Đặc biệt khi căng thẳng leo thang và khi chúng ta đối mặt với nhiều thách thức về an ninh thì điều quan trọng chính là đối thoại. Đó là thông điệp của NATO và sẽ không có mâu thuẫn nào giữa phòng thủ mạnh mẽ và đối thoại chính trị”.
Bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại chính trị, NATO cũng vẫn sẽ chú trọng tới đẩy mạnh phòng thủ thông qua việc triển khai các biện pháp để tăng cường hiện diện ở khu vực Biển Đen và phía Đông của khối này, trong đó gồm có quá trình điều động 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới các nước ở vùng Baltic và Ba Lan.
Quan hệ Nga – NATO đã trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện Liên bang Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này hồi tháng 3-2014. Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Ukraine là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này.
Tới năm 2015, sự căng thẳng này lại được đẩy lên nấc thang mới với hàng loạt cuộc tập trận của NATO ở khu vực châu Âu, đặc biệt là ở vùng biển Baltic khiến Nga kịch liệt phản đối, và việc Mỹ hoàn thành việc xây dựng một phần hệ thống NMD tại Romania, đồng thời tuyên bố năm 2018 sẽ tiếp tục hoàn thành một đơn vị tương tự ở miền Bắc Ba Lan.
Với một loạt động thái đáp trả lẫn nhau, từ lời nói tới hành động, dễ dàng nhận thấy mối quan hệ chồng chất căng thẳng giữa Nga và NATO khó mà “xuôi chèo mát mái” trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, với lời khẳng định “NATO muốn đối thoại với Nga” của TTK NATO và “NATO không xem Nga là kẻ thù của mình, không muốn chiến tranh lạnh kiểu mới” của Tư lệnh Bộ Chỉ huy hàng hải NATO Clive Johnstone đưa ra hôm 21-11 vừa qua, thì cách tiếp cận “nước đôi” mà NATO đang theo đuổi cũng có thể được coi là tín hiệu tích cực, là bước đệm hướng tới cải thiện quan hệ hai bên trong thời gian tới.