Philippines sẽ hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA

Thứ Sáu, 15/07/2016, 08:35
Ngày 14-7, Philippines đã hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết hôm 12-7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Manila sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), diễn ra từ ngày 15, 16-7 tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, trong đó có sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.


Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines, Ngoại trưởng nước này Perfecto Yasay sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM và trong chương trình nghị sự của hội nghị, Ngoại trưởng Yasay sẽ thảo luận về “cách tiếp cận hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Philippines” đối với vấn đề Biển Đông và sự cần thiết các bên phải tôn trọng phán quyết mới đây của PCA.

Ngày 14-7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những động thái chuẩn bị của Việt Nam trước khả năng tình hình Biển Đông thời gian tới có thể sẽ căng thẳng sau phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đối với vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình. Việt Nam kêu gọi các bên có các hành động góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như trong khu vực. Về phía Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực”.

Một nhà hoạt động Philippines cắm cờ nước này trên tàu tại Bãi cạn Scarborough trước tàu Hải cảnh của Trung Quốc hôm 13-6. Ảnh: AFP,

Về khả năng ASEAN không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa trọng tài, Người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực. Lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các biện pháp ngoại giao và pháp lý, trong đó có UNCLOS, duy trì sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.

Liên quan tới một số diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc tuyên bố hạ cánh thành công máy bay quân sự xuống đá Vành Khăn và đá Subi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như hoàn thành 4 hải đăng ở một số bãi đá ở Trường Sa, đang xây dựng thêm một hải đăng khác, Người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất chấp phản đối của Việt Nam và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, các hành động trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, là phi pháp và không thể thay đổi sự thật về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấp dứt ngay các hành vi vi phạm, tuân thủ UNCLOS và DOC, không có thêm hàng động gia tăng căng thẳng trên Biển Đông”.

Sau hơn 3 năm xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở Phụ lục VII của UNCLOS, PCA đã bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn”. Phán quyết của PCA là cơ sở pháp lý để khẳng định rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ.

Theo các chuyên gia, bao trùm lên phán quyết PCA ngày 12-7 vừa qua là thông điệp rằng, luật pháp quốc tế cần được đảm bảo tối thượng trong trật tự thế giới hiện nay. Tính thượng tôn của pháp luật là ý chí nguyện vọng của nhân loại, thể hiện trong Hiến chương LHQ. Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế là phán quyết khách quan và chính xác, có đầy đủ chứng cứ khoa học.

Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), việc Trung Quốc không tham gia quá trình tranh tụng cũng như từ chối công nhận phán quyết của PCA không khiến phán quyết này mất đi tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc. 

Dù không có cơ chế để buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa, các chuyên gia tại CSIS cảnh báo: Uy tín của Trung Quốc sẽ suy giảm đáng kể nếu nước này từ chối tuân thủ phán quyết của PCA. Trung Quốc có thể vẫn “lên gân lên cốt” nhưng khó có thể tiếp tục “phớt lờ” luật pháp quốc tế. 

Điều này được thể hiện rõ ràng qua việc nước này đang cố vẽ ra hình ảnh mình là nạn nhân  trong vụ kiện của Philippines và tìm cách vận động các nước khác ủng hộ mình. Trong trường hợp Trung Quốc vẫn bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh hàng không hàng hải trên khu vực Biển Đông thì họ sẽ chỉ chuốc lấy thất bại về ngoại giao, không phải là quốc gia vì hòa bình, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)

.
.