Phán quyết của PCA là sự khích lệ cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông

Thứ Bảy, 16/07/2016, 10:18
Đây là nhận định của các học giả đang tham dự Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ). Cũng theo các học giả, phán quyết sẽ mở ra những thay đổi trong hành động và quan hệ; mở ra cơ hội và thách thức mới trong vấn đề Biển Đông.

Trong bài phát biểu hôm 14-7, Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS Greg Poling cho rằng, điểm quan trọng nhất trong phán quyết của tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc (gọi tắt là PCA) là tòa đã bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” đối với “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Việc này đồng nghĩa là khái niệm “đường chín đoạn” hoàn toàn bị xóa sổ và không có giá trị pháp lý.

Ông Greg Poling khẳng định, đây là phán quyết rất có ý nghĩa không chỉ đối với Philippines mà còn cả với các bên liên quan khác bởi từ đây đã có khung pháp lý chung để các bên liên quan căn cứ khi đưa ra đòi hỏi của mình. Đồng quan điểm này, GS Eric David thuộc khoa Luật – Đại học Tự do Brussels (ULB) ở Bỉ cho rằng, phán quyết đã chỉ rõ Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế khi có tham vọng chiếm đoạt một vùng biển lớn mà Trung Quốc vạch ranh giới bằng “đường chín đoạn” và thái độ của nước này đối với hoạt động đánh cá của tàu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế là những vi phạm về luật biển.

GS Eric David cũng cho rằng, phán quyết của tòa PCA mang ý nghĩa quan trọng đối với cả khu vực trong đó có Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei… Điều này góp phần tăng cường lòng tin cho các quốc gia trong khu vực. Còn đối với nhân dân Trung Quốc, họ sẽ thấy chính phủ của mình thực hiện chính sách trái với luật pháp quốc tế và hình ảnh này sẽ làm xấu đi vị thế của Trung Quốc trong mối quan hệ quốc tế.

Một phiên thảo luận trong Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 tại Mỹ. Ảnh: VOA.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan thuộc Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ còn nhấn mạnh, phán quyết của PCA là một thách thức và cơ hội đối với tất cả các nước. Thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói: “Phán quyết này đưa ra cơ hội và thách thức với tất cả các nước bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và những nước đồng minh của Mỹ trong khu vực và xa hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Là một quốc gia ở Thái Bình Dương, Mỹ chắc chắn có quyền lợi quốc gia để đảm bảo trật tự hòa bình hiện tại và tương lai hòa bình tại khu vực rộng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương…”.

Theo phán quyết dài gần 500 trang công bố ngày 12-7,  tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, tòa trọng tài khẳng định rằng yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của UNCLOS; không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình.

Đặc biệt, xem xét quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông và các quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo UNCLOS, tòa trọng tài cho biết họ đã thực hiện đánh giá kỹ thuật về việc liệu một số bãi san hô mà Trung Quốc đòi hỏi có nổi trên mặt nước khi thủy triều lên hay không. Theo Điều 13 và 121 của UNCLOS, các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao sẽ ít nhất được hưởng lãnh hải 12 hải lý, trong khi những cấu trúc bị chìm khi thủy triều lên sẽ không có quyền có các vùng biển. Mặc dù hiện nay nhiều rặng san hô tại Biển Đông đã bị thay đổi nặng nề do việc cải tạo và xây dựng đảo gần đây của Trung Quốc, nhưng UNCLOS chỉ phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của nó.

Điều 121 của UNCLOS cũng quy định, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và có thềm lục địa, nhưng “các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Do đó, tòa cũng cho rằng, các cấu trúc nổi kiểu này đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Đặc biệt, trong phán quyết của mình, tòa cũng đã dành nhiều trang để phân tích về vấn đề là liệu các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn gần đây và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại 7 cấu trúc tại Trường Sa từ khi bắt đầu thủ tục trọng tài có làm gia tăng tranh chấp giữa các bên.

Nhắc lại rằng các bên tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp có nghĩa vụ kiềm chế việc làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng một tranh chấp hoặc các tranh chấp về các vấn đề đang được thụ lý, tòa thấy rằng Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo, gây ra hủy hoại lâu dài, không thể phục hồi đối với hệ sinh thái rặng san hô, phá hủy lâu dài các chứng cứ về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc này… và kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các bên trong khi chờ quá trình xét xử. Vì vậy, tòa cũng ra tuyên bố rằng, từ nay về sau, Trung Quốc cần tuân thủ các quyền và quyền tự do của Philippines và tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo UNCLOS.


Philippines cử đại diện tới Trung Quốc đàm phán

Theo tin từ hãng Channel Asia, ngày 15-7, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố sẽ cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc đàm phán về vấn đề Biển Đông. Phán quyết của tòa trọng tài đã mang lại nhiều lợi thế đối với Philippines. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn một mực chối bỏ phán quyết này. Có nguồn tin cho hay, Trung Quốc còn vận động theo con đường ngoại giao, đề nghị các quốc gia không ra tuyên bố về phán quyết của tòa án.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) diễn ra tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cũng nhấn mạnh việc Philippines nỗ lực vì giải pháp hòa bình và sẽ tiếp tục can dự cùng các bên liên quan nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Ông Perfecto Yasay cũng cho biết, chính quyền Manil tôn trọng phán quyết của tòa án đưa ra hôm 12-7 về vấn đề Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế.

Sông Thương

Huyền Chi
.
.
.