Nội bộ EU bất đồng về tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Nga

Thứ Bảy, 26/06/2021, 10:07
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ đề xuất của Đức và Pháp về việc tái khởi động các cuộc gặp thượng định với Nga sau nhiều năm đóng băng. Theo họ, hiện vẫn còn “quá sớm” để nói về một cuộc gặp với Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh “khi có vấn đề tích cực để thảo luận”.

Phát biểu ngày 25/6 sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối đang diễn ra tại Bỉ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nhà lãnh đạo EU đã bác bỏ đề xuất của Đức và Pháp về việc tái khởi động các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau nhiều năm bị đóng băng. Bà nhấn mạnh, hiện liên minh này chưa nhất trí về việc tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất ngay lập tức với Nga, thay vào đó Brussels đồng ý duy trì và phát triển “một định dạng cho cuộc đối thoại” với Moscow. 

Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã đưa ra đề xuất trên sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tuần trước. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ có thể góp phần bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và phương Tây. Bà cũng lưu ý rằng châu Âu cần thay đổi hướng đi trong hợp tác với Nga để từng bước cải thiện quan hệ. 

Tín hiệu lạc quan về khả năng quan hệ giữa EU-Nga nồng ấm trở lại.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận định rằng chính sách trừng phạt của châu Âu với Nga không phát huy tác dụng và cần thay đổi. Trên thực tế, từ hai năm qua, bất chấp sự phản đối và hoài nghi của nhiều nước châu Âu, Pháp đã chủ động “cài đặt lại” quan hệ với Nga, thể hiện qua việc ông Emmanuel Macron mời người đồng cấp Vladimir Putin đến họp mặt tại Pháp ngay trước khi diễn ra Thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp) năm 2019, rồi Pháp - Nga tổ chức đối thoại an ninh - đối ngoại theo mô hình 2+2 (Hai Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng mỗi bên). 

Vì thế, việc Đức - Pháp, và có thể có cả sự ủng hộ của Italy, đưa ra đề xuất cài đặt lại quan hệ với Nga vào thời điểm này không phải bất ngờ, do đã đến lúc châu Âu cần một chiến lược mới rõ ràng hơn với Nga. 

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine cách đây 2 tháng, với các lo ngại an ninh rất lớn cho châu Âu, đã buộc hai cường quốc đầu tàu châu Âu là Đức - Pháp hiểu rằng châu Âu sẽ không thể nào duy trì được một cấu trúc an ninh ổn định nếu như không ổn định được quan hệ với Nga. Chưa hết, ở thời điểm hiện tại, khi chính Mỹ cũng đang có nhu cầu hòa hoãn với Nga để dần kéo Nga ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc thì Đức - Pháp không có lí do gì không đẩy mạnh quan hệ với Nga vì Nga là đối tác có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực an ninh hay năng lượng của châu Âu.

Tuy nhiên, đề xuất của Đức và Pháp lại vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên EU, đặc biệt là các nước ở Đông Âu, Baltic. Đại diện các nước này cho rằng vẫn còn “quá sớm” để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh “khi có vấn đề tích cực để thảo luận”. Nhiều ý kiến cũng yêu cầu làm rõ “về định dạng cho cuộc đối thoại này”, ví dụ như cách thức và cấp độ tiến hành đối thoại. Tuy nhiên, các nước này lại phụ thuộc quá lớn vào cái ô an ninh của Mỹ và hầu như luôn ngả theo chính sách đối ngoại của Mỹ. Do đó, khi chính quyền mới tại Mỹ thay đổi quan điểm với Nga, muốn thực thi hòa hoãn chiến lược, chắc chắn các nước Đông Âu, Baltic cũng sẽ không thể tiếp tục duy trì thái độ hung hăng với Nga. Do đó, nhiều khả năng đề xuất về “cài đặt lại” quan hệ với Nga của Đức - Pháp sẽ được chấp nhận. 

Quan hệ mới giữa Nga - EU sẽ thẳng thắn, trực diện hơn, với các đối thoại gay gắt hơn nhưng qua đó, kiểm soát xung đột tốt hơn. Nút thắt lớn nhất và cũng là điểm dễ bùng nổ xung đột nhất giữa Nga và EU hiện nay là vấn đề Ukraine. Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã kéo dài nhiều năm mà chưa thể giải quyết, thỏa thuận Minsk 2.0 gần như bị đóng băng, khiến nguy cơ xung đột tái bùng phát, dẫn tới một cuộc chiến tranh ở cửa ngõ châu Âu là rất lớn. 

Ngoài ra, ý định rất quyết liệt của Ukraine về việc gia nhập EU và khối quân sự NATO cũng có thể đẩy EU và Nga đến bờ vực xung đột, khi Nga cảm thấy bị đe dọa trực tiếp về an ninh và kinh tế. Do đó, trong mối quan hệ mới, EU - Nga sẽ phải thẳng thắn đối mặt về chủ đề Ukraine, vạch rõ các lằn ranh đỏ giữa hai bên, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các cam kết. Điều này sẽ khác hẳn với quan hệ hiện nay, khi EU gia tăng căng thẳng ngoại giao và đối đầu với Nga bằng các lệnh trừng phạt gần như không có tác dụng và không mang lại tác động nào, ngoài việc càng khiến Nga đáp trả cứng rắn hơn. “Cài đặt lại” quan hệ đồng nghĩa EU và Nga cần nhìn nhận và tôn trọng vùng ảnh hưởng cũng như các lợi ích cốt lõi của nhau.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.