Khủng hoảng tại Ukraine:

Những âm thanh của thỏa thuận ngừng bắn mới

Thứ Hai, 08/09/2014, 08:19
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn mới giữa binh sĩ chính phủ Ukraine với lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông Ukraine đã bắt đầu có hiệu lực, sáng 7/9, một nhân chứng đã nghe thấy hàng loạt đạn pháo nổ rền vang, đồng thời nhìn thấy các cột khói đen bốc lên tại một khu vực ở phía Bắc Donetsk, thành phố lớn nhất miền Đông. Rõ ràng, những hành động khiêu khích như thế này đang đe dọa trực tiếp đến những nỗ lực hòa bình vừa đạt được.

Phép thử cho lệnh ngừng bắn mong manh

Ngày 7/9, Phó Thủ tướng “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk (DPR) Andrei Purgin tuyên bố: trong khi lực lượng ủng hộ liên bang hóa tuân thủ “thỏa thuận ngừng bắn” thì các binh sĩ Ukraine vẫn có những hành động khiêu khích. Tuy nhiên, lực lượng dân quân cam kết sẽ “giữ chặt” lấy thỏa thuận ngừng bắn bất chấp những hành động khiêu khích của quân đội Chính phủ.

Ông Andrei Purgin nhấn mạnh: “Trước các hành động khiêu khích từ quân đội Chính phủ Ukraine, lực lượng dân quân vẫn sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Lực lượng dân quân không sử dụng và không có ý định sử dụng một loại vũ khí nào cả. Các nhà lãnh đạo và nhân dân miền Đông Ukraine đều tin rằng có thể đạt được mục tiêu thông qua đàm phán và các phương tiện hòa bình”.

Trong khi đó, hãng tin Interfax dẫn lời phát ngôn viên hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine, Đại tá Lysenko cho biết, quân nổi dậy vẫn tiến hành các hoạt động khiêu khích bằng việc bắn vào các đơn vị quân đội Ukraine khoảng 10 lần sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực. Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 6/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko đều khẳng định rằng, thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Minsk (Belarus) “nói chung đang được tôn trọng” nhưng khẳng định cần phải thực hiện thêm các bước để khiến cho lệnh ngừng bắn này trở nên lâu bền hơn.

Văn phòng Tổng thống Ukraine cho hay: “Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến việc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) phải can dự nhiều nhất có thể trong việc giám sát tình hình… và hợp tác trong việc giúp đỡ nhân đạo của Ukraine và quốc tế”.

Tuy nhiên, theo hãng tin Ria Novosti, ngay trong đêm 6 tới sáng 7-9, tình hình tại khu vực miền Đông Ukraine vẫn căng thẳng bất chấp lệnh ngừng bắn mới đã bắt đầu có hiệu lực. Lực lượng dân quân ở các thành phố GorlovkaMakeyevka bị pháo kích lúc 20h15 (giờ địa phương), Yasinovataya bị pháo kích lúc 21h45 (giờ địa phương).

Tiếp đó, vào lúc 22h30, các vị trí nắm giữ của lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở cảng hàng không Donetsk bị tấn công bằng đạn APC và AGS (vũ khí hạng nặng hỗ trợ lục quân) làm 8 người bị thương. Một đại diện của lực lượng ủng hộ liên bang hóa cho hay cảng hàng không này hiện bỏ trống và giao tranh đang tập trung tại một khu quân sự gần đó: “Hãy nghe âm thanh của lệnh ngừng bắn. Có một trận chiến thực sự đang diễn ra tại đó”.

Miền Đông Ukraine hoang tàn sau lệnh ngừng bắn mới. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, trong khi đang sơ tán những người bị thương thì binh lính của DPR lại bị bắn tỉa, và sau khi lực lượng dân quân tuyên bố rút quân khỏi các vị trí thì quân đội Chính phủ đã tấn công từ 3 hướng và cuối cùng đã giành quyền kiểm soát Telmanovka. Trước đó không lâu, cũng trong đêm 6/9, vẫn có những tiếng nổ lớn của bom và đạn pháo tại khu vực phía Đông thành phố Mariupol. Từ xa có thể trông thấy một cột khói dày đặc bốc lên và dường như một trạm kiểm soát của lực lượng trung thành với chính quyền Ukraine đã bốc cháy dữ dội.

Phóng viên có mặt tại hiện trường đã quan sát thấy 3 xe tăng Ukraine ban đầu tiến đến trạm kiểm soát trên nhưng lại quay đầu. Hàng chục xe hơi đang rời khỏi nơi xảy ra các vụ nổ.

EU và NATO gia tăng sức ép lên Nga

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Chính phủ và lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhất trí về gói trừng phạt kinh tế mới chống Nga và các thành viên EU sẽ chính thức thông qua các biện pháp trừng phạt mới vào ngày 8-9. Theo đó, gói trừng phạt mới sẽ thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt mà EU công bố hồi tháng 7 vừa qua, nhắm đến nhiều cá nhân hơn với các lệnh cấm du lịch và phong tỏa tài sản cũng như thắt chặt các con đường tiếp cận với thị trường vốn của các công ty dầu khí và quốc phòng Nga.

Động thái này của EU được đưa ra sau khi Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thống nhất biện pháp kiềm chế Nga bằng cách thành lập một lực lượng phản ứng nhanh nhằm đối phó với nguy cơ từ Moskva. Tuy nhiên, theo giới phân tích, khối quân sự này sẽ khó đạt được đồng thuận về một giải pháp chung trong nỗ lực kiềm chế Nga, do còn có những quan điểm khác nhau và chia rẽ trong nội bộ khối này.

Chuyên gia quân sự Nga Victor Baranez cho rằng, NATO đang cố gắng gây áp lực toàn diện đối với Moskva, vì vậy khối này đã hành động theo hướng có lợi cho mình và hạ thấp uy tín của Nga. Điều mà NATO mong muốn nhất là làm sao để Nga không còn bất kỳ ảnh hưởng nào đến tình hình ở Ukraine.

Còn theo nhà nghiên cứu Alexander Nicoll thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Anh, quan điểm chiến lược của mỗi nước khác nhau phụ thuộc vào lịch sử, vị trí địa lý và những điểm khác nữa. Do các lợi ích chính trị khác nhau nên mỗi nước có những lợi ích thương mại khác nhau và mỗi nước đều có cách nhìn khác nhau về tình hình thế giới.

Về phần mình, Moskva đã lên tiếng cáo buộc NATO do Mỹ đứng đầu đang lợi dụng cuộc khủng hoảng tại Ukraine để lấy cớ thực hiện mục tiêu dài hạn của NATO là chuyển các cơ sở của mình tới gần biên giới Nga. Moskva đồng thời nhấn mạnh, kế hoạch thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới sẽ phá hoại tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine, thậm chí khơi nguồn cho một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Hà Khổng
.
.
.