Nhật - Hàn lại căng thẳng vì tượng “phụ nữ mua vui”

Thứ Bảy, 07/01/2017, 06:36
Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc đã bị triệu hồi, đồng thời chính quyền Tokyo cũng tạm hoãn các cuộc đối thoại kinh tế song phương cấp cao với Seoul để thể hiện sự phản đối của mình về tượng “phụ nữ mua vui” được đặt trước cửa Lãnh sự quán nước này tại thành phố Busan.

Hãng tin Yonhap đưa tin, quyết định triệu hồi Đại sứ Yasumasa Nagamine đã được chính phủ Nhật Bản công bố sáng 6-1 với mục đích gây sức ép lên chính phủ Hàn Quốc về vụ việc một bức tượng mới về biểu tượng của các nạn nhân từng bị quân lính Nhật ép buộc làm “phụ nữ mua vui” (thực chất là các nô lệ tình dục) trong Chiến tranh thế giới thứ 2 được đặt ở bên ngoài Lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố cảng Busan.

Cũng theo nguồn tin này thì bức tượng đã được một nhóm nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc đặt tại địa điểm nói trên từ cuối tháng 12 năm ngoái. Bức tượng này khắc họa một cô gái trẻ với mái tóc ngắn, ngồi trên ghế, đi chân trần.

Chính quyền Tokyo đã nhiều lần đề nghị chính quyền Seoul giải quyết nhưng chưa nhận được những động thái mang tính tích cực. Vì vậy lần này, Nhật Bản đã quyết định có hành động mạnh mẽ hơn để thể hiện sự phản đối của mình.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 6-1 còn cho biết thêm rằng, bên cạnh việc yêu cầu di dời bức tượng, Nhật Bản cũng đã hoãn đối thoại kinh tế song phương cấp cao với Hàn Quốc trong đó có các cuộc đối thoại về thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới với Hàn Quốc và một số vấn đề khác liên quan đến hợp tác và tự do hóa thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói rằng các cuộc đối thoại về tiền tệ và kinh tế phải được xây  dựng trên niềm tin nhưng hành động của Hàn Quốc đã phá hỏng nó. Việc không có lòng tin với nhau sẽ khiến đối thoại khó có thể được tiếp tục.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama thì cho biết đã chuyển lời đề nghị di dời bức tượng tới Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sung-nam trong cuộc gặp hôm 5-1 tại thủ đô Washington D.C của Mỹ.

Ông Shinsuke Sugiyama còn nhấn mạnh rằng, việc triệu hồi Đại sứ là giải pháp “thích hợp” nhất đối với Nhật Bản trong tình huống này. 

Được biết, bức tượng nói trên thoạt đầu đã được dỡ bỏ nhưng sau đó chính quyền địa phương lại thay đổi ý định, vẫn cho phép nó được đặt bên ngoài Lãnh sự quán Nhật Bản tại Busan với lý do là để “trả đũa” chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada.

Bức tượng mới về biểu tượng của các nạn nhân từng bị quân lính Nhật ép buộc làm “phụ nữ mua vui” được đặt trước cửa Lãnh sự quán Nhật Bản tại Busan. Ảnh: Yonhap

Chính quyền Seoul đã bày tỏ sự tiếc nuối trước phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền Tokyo và cho biết sẽ có những biện pháp để làm giảm căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Trong khi đó, một số nhà phân tích thì nhận định đây chỉ là khó khăn nhất thời trong quá trình gia tăng hợp tác giữa Hàn Quốc-Nhật Bản và rằng lãnh đạo hai quốc gia này sẽ không hy sinh những quyền lợi và lợi ích hợp tác đang có vì những vấn đề của quá khứ.

Trên thực tế, quan hệ Seoul-Tokyo cũng mới được cải thiện từ hồi tháng 6 năm ngoái nhân kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bày tỏ hy vọng “các vấn đề giữa hai nước sẽ được giải quyết mà không có khó khăn bất ngờ nào”.

6 tháng sau đó, Hàn Quốc và Nhật Bản lại có được bước tiến mới trong quan hệ song phương khi đạt thỏa thuận song phương về vấn đề “phụ nữ mua vui” – cụm từ mà người ta nói về những phụ nữ Hàn Quốc, Philippines, Trung Quốc bị lính Nhật biến thành nô lệ tình dục trong Chiến tranh thế giới lần 2. Người ta ước tính có khoảng 200.000 phụ nữ đã bị bắt làm nô lệ tình dục. 

Cùng với thỏa thuận này, Hàn Quốc đã cam kết sẽ “cố gắng giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng” liên quan đến việc dỡ bỏ một bức tượng cô gái đặt bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul từ năm 2011.

Về phía Nhật Bản, chính quyền Tokyo tuyên bố “nhận thức một cách đau buồn về phần trách nhiệm của mình” đối với vấn đề nô lệ tình dục. 

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đồng ý cùng Hàn Quốc lập quỹ hỗ trợ dành cho các phụ nữ Hàn Quốc bị buộc phải làm công cụ giải trí cho lính Nhật thời Chiến tranh thế giới lần 2 với số tiền cam kết chi là 9,5 triệu USD. Hiện chỉ còn 46 phụ nữ Hàn Quốc từng là nô lệ tình dục là còn sống.

Sông Thương
.
.
.