Nhà vua Thái Lan không cho phép chị gái tranh cử Thủ tướng
Động thái này được đưa ra không lâu sau thông báo vào tối muộn 8-2 của Hoàng gia Thái Lan trong đó nêu rõ, Nhà vua Maha Vajiralongkorn khẳng định, việc chị ruột mình ứng cử vào vị trí Thủ tướng Thái Lan là không phù hợp.
Trong thông báo trên, Nhà vua Maha Vajiralongkorn nói kế hoạch tranh cử Thủ tướng chưa từng có tiền lệ của công chúa Ubolratana Mahidol là “không phù hợp” và “vi hiến”. Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyên bố của Nhà vua Thái Lan không nhằm chỉ trích bà Ubolratana Mahidol, chị cả của ông, mà dường như nhắm vào những người đứng sau sự việc.
Tuyên bố nêu rõ: “Việc đưa một thành viên cao cấp của hoàng gia vào hệ thống chính trị, dù theo cách nào, cũng trái với truyền thống, phong tục và văn hóa của đất nước, và được coi là rất không phù hợp”.
Bản tuyên bố của Nhà vua Thái Lan đã được phát đi toàn quốc qua truyền hình. Theo đó, tuy bà Ubolratana Mahidol đã từ bỏ tước vị công chúa của mình nhưng bà vẫn là huyết thống trực hệ của hoàng tộc Thái Lan và theo quy định, không có bất cứ một thành viên của Hoàng gia nào được phép tham gia chính trị, bất kể theo cách nào.
Trong thông báo cũng nêu rõ, bà Ubolratana Mahidol dù không còn tước vị công chúa nhưng vẫn tham gia đầy đủ các nghi lễ của hoàng gia và đối với người dân bà vẫn là người rất được tôn kính, có vị trí quan trọng trong hoàng tộc: “Nhà vua và Hoàng gia Thái Lan giữ vai trò trung lập. Tuy công chúa Uboltanara đã từ bỏ tước vị hoàng gia nhưng bà vẫn là một phần của triều đại Chakri và là thành viên của Hoàng gia Thái Lan”.
Chính vì thế, việc làm của bà là không đúng với hiến pháp và văn hoá chính trị của Thái Lan. Cùng ngày, lãnh đạo đảng Cải cách Nhân dân, một đảng thân quân đội cũng đã đưa ra yêu cầu đối với Ủy ban bầu cử Thái Lan chỉ ra sai phạm khi đề cử bà Ubolratana Mahidol làm ứng viên Thủ tướng.
Theo đó, đảng Thai Raksa chart có thể sử dụng tên của công chúa để vận động bầu cử. Điều đó sẽ vi phạm điều 17 của luật bầu cử trong đó cấm tất cả các ứng viên và các đảng phái chính trị sử dụng chế độ quân chủ để tranh cử.
Ông Preechapol Pongpanich cầm trên tay tờ đăng ký ứng viên tranh cử Thủ tướng của Công chúa Ubolratana Mahidol. Ảnh: Reuters |
Trước đó, sáng 8-2, các đảng phái chính trị ở Thái Lan chính thức công bố danh sách các ứng viên thủ tướng cho cuộc bầu cử vào ngày 24-3 tới. Bất ngờ nhất là việc đảng Thai Raksa chart đã đề cử bà Ubolratana Mahidol làm ứng viên của đảng này. Đảng Thai Raksa chart được cho là có mối quan hệ thân hữu với cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra hiện đang lưu vong ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguồn thông tin rằng, bà Ubolratana Mahidol có quan hệ với gia đình Shinawatra và đã từng cùng ông Thaksin và bà Yingluck xem một trận bóng đá tại World Cup. Theo các chuyên gia, việc bà Ubolratana Mahidol tham gia tranh cử lần này được đánh giá là bước đi đột phá của đảng Thai Raksa chart.
Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok đánh giá: “Đề cử của đảng Thai Raksa chart không những khiến họ trở thành tâm điểm cuộc bầu cử, mà còn thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc đua. Giờ họ là ứng viên sáng giá nhất cho cuộc bầu cử năm nay”.
Trong khi đó, ông Paul Chambers, giảng viên ngành cộng đồng ASEAN tại Đại học Naresuan của Thái Lan, cho rằng thân thế hoàng tộc của công chúa Ubolratana Mahidol sẽ gây khó khăn cho mọi đối thủ tranh cử ghế Thủ tướng. Những đối thủ đó bao gồm cả đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Trong số các ứng cử viên thủ tướng còn có những nhân vật đáng chú ý khác như Thủ tướng Prayut Chan-ocha - ứng viên duy nhất của đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharat), cựu Thủ tướng Abhíit Vejajiva - ứng viên của đảng Dân chủ.
Một đảng lớn khác tại Thái Lan là Pheu Thai, vốn là đảng của gia đình Shinawatra công bố 3 ứng viên trong đó số một là bà Sudarat. Đảng Tầm nhìn mới, một đảng mới được thành lập cũng công bố ứng viên của mình là ông Thanathorn, 40 tuổi, một nhân vật được phần lớn giới trẻ của Thái Lan biết tới.
Thái Lan là một trong những quốc gia có luật lệ bảo vệ Hoàng gia chặt chẽ nhất và lời nói của Nhà vua thường được xem là quyết định cuối cùng. Các nhà phân tích trước đó đã cho rằng thông báo của Hoàng gia đã khiến cho kế hoạch tranh cử của công chúa trở nên không hợp lệ. Ông Puanthong Pawakapan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, cho biết: “Việc Hoàng gia không chấp thuận khiến kế hoạch ứng cử của công chúa mất hiệu lực”.