Nga và Ukraine trao đổi tù nhân - hy vọng mới cho các cuộc đàm phán
70 tù nhân trở về nhà
Hôm 8-9, tức một ngày sau cuộc trao đổi tù nhân đầu tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm. Văn phòng báo chí Tổng thống Nga cho biết, cuộc điện đàm được thực hiện do đề nghị từ phái Ukraine. Trong cuộc điện thoại, hai nhà lãnh đạo đã đánh giá tích cực về hoạt động trao đổi tù nhân, nhấn mạnh đến yếu tố nhân đạo và bị thường hóa quan hệ giữa hai nước.
"Người đứng đầu điện Kremlin đã nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục các hoạt động chuẩn bị chi tiết cho cuộc họp tiếp theo để có hiệu quả cao nhất cũng như đạt được các thỏa thuận thực tế hơn", hãng Sputnik dẫn thông cáo báo chí cho hay.
Trong khi đó, hãng AP dẫn một nguồn tin khác từ Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định, tuyên bố về việc trao đổi tù nhân giữa Moscow và Kiev được chính thức công bố tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok của Nga hồi đầu tháng 9.
Sau lễ trao đổi tù nhân hôm 7-9, các tù nhân đã về nhà. Một số hãng thông tấn của Ukraine đã ghi lại những hình ảnh xúc động tại sân bay quốc tế Boryspil khi 35 tù nhân Ukraine bước ra khỏi một chiếc máy bay và được đoàn tụ với những người thân yêu của họ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra tận sân bay để chào đón các tù nhân được thả, cho biết ông sẵn sàng lên lịch đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đồng thời, ông Volodymyr Zelensky cũng khẳng định lại cam kết thực hiện tất cả các bước có thể "để kết thúc cuộc chiến khủng khiếp" ở miền Đông Ukraine, nơi bạo lực đã cướp đi sinh mạng 13.000 người kể từ năm 2014.
Cùng thời điểm đó, tại sân bay quốc tế ở thủ đô Moscow, một chiếc máy bay chở 35 người Nga bị Ukraine bắt giữ trước đây đã hạ cánh. "Chúng tôi xem việc thả tự do cho các tù nhân của cả Nga và Ukraine là một tín hiệu tích cực cần được thực hiện theo các bước quan trọng khác để phá vỡ sự bế tắc trong tình hình hiện tại trong quan hệ Nga-Ukraine", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Trong số các tù nhân được Ukraine thả có một cựu chỉ huy một đơn vị phòng không của lực lượng đối lập ở Ukraine, Volodymyr Tsemakh. Còn người Nga cũng đã thả 24 thủy thủ Ukraine bị hải quân Nga bắt giữ khi họ cố tình đi thuyền qua eo biển Kerch gần Crimea vào tháng 11 năm ngoái.
Nhà làm phim người Ukraine Oleg Sentsov - người bị cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố Nga hồi năm 2015 cũng nằm trong số những người được Moscow trả tự do. Nikolai Karpyuk, người đã ở trong nhà tù Nga từ năm 2016 sau khi bị kết án giết người Nga ở Chechnya vào những năm 1990 cũng đã lên máy bay từ Moscow Kiev.
Tín hiệu "tan băng"
Hãng AP dẫn lời nhà phân tích người Ukraine Vadim Karesev cho hay, đây là cuộc trao đổi tù nhân đầu tiên giữa Moscow và Kiev kể từ khi cuộc xung đột ở miền Đông Ukaine bùng phát hồi năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
"Chỉ trong hơn 100 ngày làm Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy đã thực hiện tốt một số lời hứa từ thời tranh cử của mình. Nhưng để thực hiện một cam kết lớn - đưa hàng chục người Ukraine đang bị nhốt tại các nhà tù của Nga về nước, ông phải đưa ra quyết định khó khăn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống non trẻ của mình. Đối với Nga, việc tham gia trao đổi tù nhân có thể đồng nghĩa với việc đẩy lùi các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm chống lại đất nước vì vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, sự kiện này cũng tạo nên một rắc rối mới trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) do có những quan điểm khác nhau. Trong khi một số nhà lãnh đạo châu Âu ca ngợi việc phóng thích, đồng thời 35 tù nhân của mỗi bên, thì những người khác lại lo ngại rằng, động thái này là bước lùi của Ukraine. Các phản ứng trái chiều đang gấp sức ép lên tân Tổng thống Ukraine. Nhưng dù sao đây cũng là một "thành công mới", Vadim Karesev phân tích.
Đồng quan điểm này, GS Oleksiy Haran chuyên về Khoa học Chính trị tại Đại học Kyiv Mohyla, cho biết, việc trao đổi theo một nghĩa nào đó là một thành công lớn nhưng "tất cả những thỏa hiệp rõ ràng khác cũng đang được thảo luận và đó là câu hỏi về việc ông Volodymyr Zelenskiy sẽ chấp nhận đi xa đến đâu. Cả hai nước đã thổi phồng tin tức này như một dấu hiệu giảm bớt căng thẳng giữa Kiev và Moscow, đưa ra viễn cảnh có thể trao đổi nhiều tù nhân hơn kể cả từ khu vực ly khai Donbass do Nga hậu thuẫn".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chúc mừng Ukraine và Nga về việc trao đổi tù nhân. Ông có một Tweet với nội dung rằng đây có thể là "bước tiến khổng lồ đầu tiên cho hòa bình". Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tuyên bố, sự kiện các tù nhân được trở về quê hương là "một dấu hiệu của hy vọng".
Việc trao đổi đã thúc đẩy những nỗ lực do Helsinki và Paris dẫn đầu để cải thiện mối quan hệ giữa EU và Nga. Hiện Phần Lan đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU và có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga so với các nước khác trong khối. Đó là chưa kể đến mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Pháp và Nga đã nhóm họp tại Moscow ngày 9-9. Đây là một cuộc họp đầu tiên ở hai cấp này giữa hai nước kể từ năm 2014. Trước đó, vào hôm 8-9, hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp cũng đã có cuộc điện đàm, thảo luận các vấn đề thời sự của chương trình nghị sự song phương.
Thỏa thuận Minsk cũng được nhắc đến như một cơ sở chủ yếu để giải quyết các tồn tại hiện nay giữa Nga và EU.
Mối quan hệ song phương giữa Nga và Ukraina chính thức bắt đầu vào những năm 1990 ngay sau khi Liên Xô tan rã, trong đó cả Nga và Ukraine đã thành lập nước cộng hòa. Vào ngày 10 tháng 2 năm 2015, để đáp trả sự can thiệp của Nga ở khu vực miền Đông, Quốc hội Ukraina đã đình chỉ quan hệ ngoại giao với Nga. Mặc dù việc đình chỉ này sau đó không thành hiện thực nhưng đến tháng 4 năm 2014, Đại sứ Ukraine tại châu Âu thừa nhận quan hệ ngoại giao hai nước đã xuống mức "gần như bằng không". Ngày 5-10-2016, Bộ Ngoại giao Ukraine chính thức khuyến cáo rằng công dân của mình tránh bất kỳ loại hình du lịch nào đến Nga. Cuối năm 2017, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin tuyên bố "không có quan hệ ngoại giao với Nga". Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, tháng 2-2015, nhóm Bộ tứ Normandy gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine họp tại thủ đô Minsk của Belarus đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine và tái hòa nhập hai nước cộng hòa đang đòi ly khai khỏi Ukraine là Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR). Thỏa thuận Minsk cũng xác định các cơ chế chính trị và pháp lý để giải quyết cuộc xung đột không chỉ giới hạn ở việc ngừng bắn mà còn bao gồm cả phóng thích và trao đổi tù binh. Thế nhưng, các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục, khiến mọi cuộc tiếp xúc bị đóng băng. Tháng 1 năm 2018, Quốc hội Ukraine đã thông qua một nghị quyết xác nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk "tạm thời bị Nga chiếm đóng", và gọi Nga là một nước "gây hấn"... Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống hồi đầu năm 2019, ông Volodymyr Zelenskiy đã cam kết sẽ sớm giải quyết mọi tranh chấp với Nga nếu được bầu làm Tổng thống. Và đến nay, tân Tổng thống Ukraine đang từng bước thực hiện kế hoạch hòa bình đầy tham vọng của mình. |