Ngã rẽ mới cho Brexit

Thứ Bảy, 14/12/2019, 09:43
Đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson đã giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra hôm 12-12 (giờ địa phương) tại Xứ sở sương mù. Chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ sẽ dọn đường cho việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đúng thời hạn vào ngày 31-1-2020 sau nhiều năm bế tắc chính trị.

Với gần như tất cả số phiếu được kiểm, đảng Bảo thủ đã giành được 364/650 ghế trong Hạ viện. Đây là số ghế lớn nhất mà đảng Bảo thủ giành được kể từ thời hoàng kim của Thủ tướng Margaret Thatcher vào những năm 1980.

Trong khi đó, Công đảng, đảng đối lập lớn nhất, để mất 59 ghế và chỉ còn 203 ghế, buộc lãnh đạo của đảng này Jeremy Corbyn có thể phải tuyên bố từ chức.

Với kết quả này thì các diễn biến tiếp theo về Brexit sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều. Khả năng Brexit bị huỷ bỏ đã chấm dứt và chắc chắn nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31-1-2020 tới, thậm chí là có thể sớm hơn, ngay trong đầu tháng 1-2020 như ông Boris Johnson hứa hẹn nếu đảng Bảo thủ kiên quyết muốn bỏ phiếu thông qua một dự luật rời EU ngay trong dịp Giáng sinh.

Tuy nhiên, sau khi đã giành được đa số như hiện nay thì có lẽ điều này cũng không còn quá quan trọng với chính phủ của ông Boris Johnson vì việc Vương quốc Anh rời EU không thể đảo ngược được nữa. Trong một phát biểu ngày 13-12 trước những người ủng hộ, Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ hoàn tất Brexit vào đúng ngày 31-1-2020, không có chuyện nếu, không có chuyện nhưng, không có chuyện có thể”.

Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước những người ủng hộ ngày 13-12.Ảnh: Getty Images.

Dù vậy, Brexit thực ra mới là một phần trong quan hệ giữa Vương quốc Anh với EU. Sau khi giải quyết xong Brexit, tức là việc nước Anh rời EU, thì phần quan trọng hơn và được dự đoán sẽ cam go hơn rất nhiều, đó là phải đàm phán một thoả thuận mới về quan hệ tương lai giữa Anh và EU, nhiều khả năng là dưới dạng một Hiệp định thương mại tự do.

Ông Boris Johnson từng tuyên bố muốn hoàn thành việc này trong vòng 1 năm nhưng các nhà ngoại giao ở Brussels thì nhận định là việc đàm phán có thể phải kéo dài vài năm. Đó sẽ là thách thức tiếp theo trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU, trong bối cảnh chính trị có nhiều thay đổi từ cả hai phía, khi EU có dàn lãnh đạo mới còn ông Boris Johnson thì củng cố được quyền lực tại Anh sau cuộc bầu cử.

Trên thực tế, dư luận châu Âu nhìn nhận cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh với rất ít thiện cảm, thể hiện rõ trong các bài phân tích của truyền thông nhiều nước châu Âu trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Đa số cho rằng, dù ông Boris Johnson hay ông Jeremy Corbyn thắng cử thì đó cũng đều không phải là tin tức đáng mừng gì cho châu Âu.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, sự ổn định tại ít nhất 16 khu vực thuộc EU (và các vùng lãnh thổ liền kề) có thể chịu tác động trong trung và dài hạn sau Brexit và những căng thẳng nảy sinh, do đó trong lòng châu Âu chắc chắn sẽ khiến EU suy yếu nghiêm trọng.

Những khu vực nằm trong dự đoán này là nằm ở Đông Nam châu Âu, gồm Trung Romania, Bosnia, Kosovo, Đông Aegean, Nam Bulgaria, Ukraine, vùng Moldova và phía Đông Địa Trung Hải; 3 khu vực ở Đông Bắc châu Âu là các nước vùng Baltic, Belarus và Kaliningrad; cùng ít nhất 2 khu vực ở Tây Âu là Catalonia và Flanders. Brexit cũng sẽ gây bất ổn nghiêm trọng cho Anh bởi sự kiện này sẽ càng khích lệ mục tiêu giành độc lập của Scotland, đe dọa hòa bình tại Bắc Ireland khi áp lực tái thống nhất với Ireland gia tăng và cùng với đó là nguy cơ làm nảy sinh những rắc rối lớn liên quan tới Gibraltar.

Thực tế đã chứng minh, tại vùng Scoltland, các kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu cũng cho thấy đảng Dân tộc Scotland (SNP) của bà Nicola Sturgeon giành chiến thắng áp đảo với 55/59 ghế phân bổ cho vùng này.

Thủ hiến Scotland khẳng định đảng của bà sẽ dùng cơ hội này để thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về vấn đề tách ra độc lập của vùng lãnh thổ này. SNP lâu nay luôn phản đối chính sách thúc đẩy Brexit của đảng Bảo thủ. Trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, đa số người dân vùng này ủng hộ ở lại EU.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị, Brexit sẽ dần thay đổi cán cân chính trị trong EU, gia tăng vai trò trung tâm của Đức trong lĩnh vực kinh tế, làm nổi rõ hơn những bất đồng giữa Paris và Berlin, đồng thời khoét sâu rạn nứt giữa khu vực Nam và Bắc Âu.

Hơn thế nữa, những chia rẽ nội bộ EU và căng thẳng kinh tế - chiến lược hậu Brexit tiềm tàng giữa EU và Mỹ, giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng suy yếu hơn. Trên thực tế, EU và NATO vẫn luôn được xem là hai cấu trúc song song giúp duy trì hòa bình cho châu Âu suốt một thời gian dài.

Một số nhà sử học lo ngại rằng một EU suy yếu sẽ tạo điều kiện để chủ nghĩa dân tộc dân túy gia tăng tại nhiều nước thành viên, và dẫn đến ý định ly khai của một số cộng đồng thiểu số tại những quốc gia này.

Giáo sư Conan Fischer, một chuyên gia về lịch sử châu Âu hiện đại tại Trường Đại học St Andrew, tác giả cuốn “A Vision of Europe” (tạm dịch: Tầm nhìn châu Âu), bình luận: “Sự suy yếu của EU sẽ làm gia tăng nguy cơ chủ nghĩa dân tộc dân túy cánh hữu thu hút được thêm nhiều sự ủng hộ trên lục địa”.

Ông cũng nhấn mạnh sự suy yếu của EU nhiều khả năng sẽ khiến NATO càng trở nên yếu kém hơn và từ đó gia tăng cơ hội cho các đối thủ khác. Sắc tộc và lịch sử là hai yếu tố được nhiều quốc gia tận dụng ngày càng nhiều để gia tăng ảnh hưởng (và đôi khi là cả quyền lực chính trị) tại các nước EU láng giềng và những khu vực khác, vì vậy một EU chia rẽ về mặt chính trị chắc chắn sẽ càng củng cố xu hướng này.

Trong khi đó, Giáo sư Fischer nói: “Sự hiện diện của Anh tại châu Âu là nhân tố then chốt giúp duy trì ổn định và an ninh tại lục địa. Vì vậy, điều quan trọng là truyền thông phải thúc đẩy nhận thức sâu sắc về điều này”. Giáo sư Timothy Garton Ash, chuyên gia về châu Âu tại Đại học Oxford, nhấn mạnh: “Có một thực tế là 3 cường quốc Tây Âu gồm Anh, Đức và Pháp – đều là thành viên EU – đã giúp châu Âu vận hành một cách hiệu quả trong nhiều thập kỷ.

Sự ra đi của Anh khỏi tam giác này nhiều khả năng sẽ thay đổi sự cân bằng tinh tế giữa các quốc gia và khiến liên minh suy yếu… Hơn thế nữa, sau Brexit, nếu căng thẳng nảy sinh giữa Anh và EU, Anh sẽ tìm cách chia rẽ và thao túng châu Âu, một viễn cảnh càng khiến lục địa này rạn nứt nhiều hơn”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.