Mỹ tiếp tục đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico

Thứ Ba, 02/04/2019, 08:36
Nhà Trắng đã tái khẳng định đe dọa đóng cửa biên giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31-3, bất chấp cảnh báo rằng động thái này có thể gây ra những hệ lụy kinh tế với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố cắt viện trợ các nước Trung Mỹ vì cho rằng các nước này không triển khai các biện pháp hiệu quả đủ để ngăn làn sóng di cư vào Mỹ.

Biên giới Mỹ và Mexico có vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu với hơn 611 triệu USD trao đổi thương mại xuyên biên giới năm 2018, theo Bộ Thương mại Mỹ. Mỗi ngày, hơn 1.000 xe tải đi qua khu vực biên giới ở cảng Calexico East, California cùng với hơn 11 chuyến tàu quốc tế đi qua Laredo, Texas, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ thông tin. 

Việc đóng cửa biên giới với Mexico sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất tự động lớn của Mỹ khiến các cửa hàng tạp hóa phải tăng giá và thậm chí có thể làm nhiều công ty kiện lại chính phủ liên bang, các chuyên gia thương mại và các nhà điều hành doanh nghiệp nhận định. Tuy nhiên, 2 quan chức cấp cao Nhà Trắng đã khẳng định sẽ nỗ lực ngăn cản ý định của Tổng thống Donald Trump. 

Quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney phát biểu rằng, sẽ cần những biện pháp thuyết phục để Tổng thống từ bỏ kế hoạch đóng cửa biên giới. Quan chức này đồng thời cho biết, người đứng đầu Nhà Trắng có ít sự lựa chọn trong trường hợp không có bất kỳ sự ủng hộ nào từ đảng Dân chủ để tăng cường an ninh biên giới hoặc trong hành động lập pháp để thay đổi luật nhập cư và nhấn mạnh: “Chúng tôi cần bảo vệ biên giới và chúng tôi sẽ làm những gì có thể trong khả năng của chúng tôi”. Trong khi đó cố vấn Tổng thống Kellyanne Conway  bình luận rằng đe dọa của ông Trump “chắc chắn không phải là nói suông”. 

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã phàn nàn với báo giới về sự thất bại của Mexico trong việc kiểm soát dòng người di cư và ngay sau đó, thông qua mạng xã hội Twitter, ông viết: “Nếu họ không ngăn những người di cư lại, chúng ta sẽ đóng cửa biên giới. Chúng ta sẽ đóng cửa trong một thời gian dài. Tôi sẽ không nói chơi đâu”. 

Các quan chức Nhà Trắng đều không có bình luận chi tiết gì về ý định của Tổng thống, trong khi các quan chức làm nhiệm vụ kiểm soát biên giới cũng chưa nhận được chỉ dẫn cụ thể nào về việc chuẩn bị đóng cửa biên giới, một quan chức thuộc Cơ quan Bảo vệ biên giới và hải quan cho biết. 

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc thông tin thêm rằng quân đội Mỹ gồm 5.300 binh lính ở khu vực biên giới cũng chưa nhận được chỉ thị gì.

Bức tường ngăn cách biên giới Mỹ-Mexico nhìn từ Tijuana, bang Baja California, Mexico. (Ảnh: Getty Images)

Về phía Mexico, hôm 29-3, đáp lại lời đe dọa của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Marcelo Ebrard khẳng định Mexico không hành động dựa trên các mối đe dọa và nhấn mạnh Mexico và Mỹ là các quốc gia láng giềng thân thiện. 

Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết vấn đề người di cư trái phép Trung Mỹ tìm đường sang Mỹ không thuộc trách nhiệm của Mexico mà là vấn đề của Mỹ và các quốc gia Trung Mỹ cần giải quyết; đồng thời khẳng định tôn trọng nhưng không chia sẻ quan điểm của người đồng cấp Mỹ Donald Trump và cam kết sẽ giúp đỡ Mỹ và Trung Mỹ ngăn chặn dòng người di cư trái phép. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ và hợp tác. Chúng tôi muốn có mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ Mỹ. Chúng tôi sẽ không tranh cãi về những vấn đề này”.

Chính phủ Mexico luôn khẳng định cần phải tìm kiếm một giải pháp lâu dài để tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho những người di cư Trung Mỹ thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế, hòa bình và ổn định ở các nước trong Tam giác phía Bắc Trung Mỹ (Honduras, Guatemala và El Salvador).

Cũng trong ngày 31-3, khẳng định quyết tâm bảo vệ quyết định của Tổng thống Donald Trump cắt viện trợ cho 3 quốc gia Trung Mỹ gồm Guatemala, Honduras và El Salvador, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, các nước này đã không thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn dòng người di cư đến Mỹ. 

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết người đứng đầu Nhà Trắng đã ra lệnh đình chỉ việc chuyển các nguồn tài chính tương ứng với tài khóa 2017 và 2018 vốn trước đó đã được cam kết như một phần viện trợ nước ngoài cho các quốc gia trên. 

Chánh Văn phòng Mick Mulvaney nêu rõ: “Khi chúng tôi viện trợ cho các quốc gia này hàng trăm triệu USD, chúng tôi muốn họ làm nhiều hơn nữa nhằm ngăn chặn làn sóng di cư vào Mỹ”. Quan chức này nói thêm rằng: “Nếu hoạt động viện trợ đạt hiệu quả tốt thì tại sao làn sóng di cư vẫn diễn ra. Tại sao một lần nữa, sẽ có 100.000 người vượt biên chỉ trong tháng này”. Mỹ viện trợ cho các nước này nhằm đảm bảo ngân sách cho các chương trình chống các băng đảng tội phạm và thúc đẩy phát triển nhằm giải quyết tận gốc vấn đề di cư.

Trong một diễn biến liên quan, trả lời câu hỏi của các phóng viên về tình hình di cư nói chung cũng như lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump đóng cửa biên giới phía Nam với Mexico, Giáo hoàng Francis hôm 31-3 cho rằng, những nhà lãnh đạo chính trị muốn xây dựng các bức tường và rào chắn để ngăn người di cư cuối cùng rồi sẽ trở thành “tù nhân” của chính những bức tường đó. 

Ông nêu rõ di cư là một vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi, do đó một chính phủ cần giải quyết vấn đề này theo một cách khác, mang tính nhân văn, chứ không phải bằng một hàng rào dây thép gai đơn thuần theo nghĩa đen. 

Giáo hoàng Francis cũng nhắc lại một số điểm then chốt trong quan điểm của ông về vấn đề người di cư. Ông cho rằng các nước giàu nên giúp loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư như nghèo đói, chiến tranh và bất ổn chính trị. Những người di cư nên được tiếp nhận, bảo vệ và hòa nhập vào xã hội sở tại. Cũng theo người đứng đầu Tòa thánh Vatican, nếu một quốc gia không thể tiếp nhận một số lượng lớn người di cư, những người di cư cần được phân bổ sang các nước khác. 

Trước đó một ngày, phát biểu với các nhà lãnh đạo Morroco trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày tới quốc gia Bắc Phi này, Giáo hoàng Francis cho rằng vấn đề di cư sẽ không bao giờ giải quyết được bằng các biện pháp cơ học thông thường như rào chắn hay tường biên giới. Thay vào đó, vấn đề này đòi hỏi các giải pháp vĩ mô hơn, đó là công bằng xã hội và “sửa chữa” những bất cân bằng của nền kinh tế thế giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.