Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc về biển Đông
- Bực tức với phán quyết 'đường lưỡi bò', người Trung Quốc làm loạn chuỗi đồ ăn Mỹ
- Học giả Trung Quốc muốn Bắc Kinh tôn trọng phán quyết PCA
- Tôn trọng phán quyết của tòa - nghĩa vụ của các quốc gia thành viên UNCLOS
- Phán quyết của PCA là sự khích lệ cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông
Tư lệnh Hải quân Mỹ tuyên bố: “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thường kỳ và hợp pháp trên thế giới, trong đó có biển Đông, để bảo vệ các quyền, tự do và đảm bảo sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận cho tất cả. Điều này sẽ không thay đổi”.
Đồng quan điểm, phát biểu cùng ngày từ Sydney (Australia), Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục củng cố tự do hàng hải ở biển Đông, cho dù đảng nào nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng từ năm 2017.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng đảm bảo với đồng minh Australia rằng, sẽ không có việc Washington rút lại chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho dù là ai sẽ trở thành người chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Còn từ Washington, trong văn kiện trình bày tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hoà Mỹ, diễn ra từ ngày 18 – 21-7, đảng Cộng hòa nêu rõ: “Hành vi của Trung Quốc đã phủ nhận ngôn ngữ lạc quan của nền tảng cuối cùng về mối quan hệ trong tương lai của chúng ta với nước này”.
Để đánh lạc hướng quần chúng khỏi các vấn đề kinh tế ngày càng gia tăng, và quan trọng hơn, để mở rộng sức mạnh quân sự, chính phủ Trung Quốc áp đặt những tuyên bố chủ quyền phi lý với toàn bộ biển Đông. Văn kiện của đảng Cộng hòa Mỹ còn cho biết, Trung Quốc tiếp tục hoạt động nạo vét cảng biển, xây dựng đường băng trên đảo nhân tạo – hành vi chưa từng có tiền lệ.
Chính phủ và quân đội Trung Quốc đặt ra những mối đe dọa, hăm dọa trên khắp biển Đông, chưa kể việc giương oai tên lửa mới “Sát thủ Guam” trên đường phố Bắc Kinh” – văn bản viết tiếp.
Tàu nạo vét, bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA. |
Về phía Trung Quốc, nước này hiện vẫn tiếp tục có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Hôm 19-7, Tân Hoa Xã dẫn lời Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tuyên bố trong cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Richardson tại Bắc Kinh rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngưng việc xây dựng tại biển Đông nửa chừng. Trường Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, nhu cầu xây dựng của chúng tôi là hợp lý và hợp pháp!?”.
Ông Ngô thêm rằng, Trung Quốc không thể chấp nhận bị đe dọa, và theo ông, “bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc Trung Quốc phải quy hàng thông qua việc phô diễn sức mạnh quân sự chỉ phản tác dụng”.
Không chỉ có vậy, phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình thế giới tổ chức ở Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Bành Quang Khiêm nhấn mạnh, nếu Mỹ muốn đe dọa vũ lực đối với Trung Quốc ở biển Đông thì đó là một sai lầm. Vị tướng hiện giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách an ninh quốc tế thuộc Hiệp hội Nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc này “đe”, Mỹ hiện có tổng cộng 10 tàu sân bay, nhưng kể cả điều 11 tàu sân bay tới biển Đông cũng vô dụng.
Ông Bành còn phân tích thêm rằng, hạm đội Mỹ muốn tiến vào Biển Đông phải xuất phát từ căn cứ ở Guam, tuyến cung cấp hậu cần dài, tốc độ chậm. Trong khi đó, nếu xảy ra chiến tranh ở biển Đông thì đối với Trung Quốc đó lại là “cuộc chiến ở cửa nhà”, được cung cấp hậu cần đầy đủ.
Trước đó, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ phán quyết từ PCA và phản ứng bằng cách tuyên bố các đảo ở biển Đông “thuộc chủ quyền từ xa xưa của Trung Quốc” (dù Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho tuyên bố này – PV) và đe dọa thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nếu “cảm thấy bị đe dọa”.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn tỏ ra bất chấp phán quyết của PCA khi điều hai máy bay dân dụng hạ và cất cánh tại các bãi Vành Khăn và Subi mà nước này cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép đường băng cùng các công trình quân sự trên đó hòng tạo sự đã rồi.
Không những thế, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough dù theo phán quyết của PCA đây là ngư trường truyền thống của nhiều nước trong khu vực.