Mỹ - Trung sắp nối lại đàm phán thương mại trực tiếp?
Hôm 18-7, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Trung Quốc.
Phát biểu với báo chí, ông Steven Mnuchin cho biết: “Hiện giờ, chúng tôi đã có cuộc điện đàm cấp cao và đến một thời điểm hợp lý, chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp. Tôi tin rằng, chúng tôi sẽ làm được điều đó”. Văn phòng của ông Lighthizer xác nhận cuộc điện đàm đã diễn ra theo dự kiến nhưng không công bố chi tiết cụ thể.
Vẫn mịt mờ triển vọng đạt thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. |
Khi được hỏi về vai trò của Tập đoàn Viễn thông Huawei của Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào danh sách đen do những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia, Bộ trưởng Steven Mnuchin nói rằng, việc cho phép bán bất kỳ sản phẩm nào của Mỹ cho Công ty Huawei là vấn đề tách biệt đối với các cuộc đàm phán thương mại.
Các nhà phân tích đã đưa ra những nhận định khác nhau trước diễn biến mới này. Ông Su Ge, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iceland, từng là Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc kỳ vọng nhiều cuộc thảo luận chính thức giữa hai bên sẽ được nối lại trong tháng 7.
Ông nói: “Có nhiều câu hỏi khó… nhưng ít nhất họ đã đồng ý để hai phái đoàn đàm phán khởi động lại công việc của mình. Vì thế chúng ta sẽ nhìn thấy những tiến triển mới”.
Trái ngược với quan điểm này, ông William Lee – nhà kinh tế học tại Viện Milken cho biết, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang “sôi sục” và các bên dường như không sẵn sàng nhượng bộ về những vấn đề quan trọng.
“Sự không chắc chắn trong vấn đề thương mại đã khiến các công ty sản xuất phải thận trọng khi quyết định đầu tư. Đây cũng là một lực cản đối với sự tăng trưởng của Mỹ. Vấn đề thực sự là Trung Quốc muốn được tôn trọng. Trung Quốc muốn được giữ thể diện khi đi tới bàn đàm phán”, ông nói.
Trước đó, hôm 17-7, Trung Quốc cảnh báo, việc Mỹ áp đặt thuế quan mới sẽ tạo trở ngại cho các cuộc tham vấn thương mại song phương, cũng như khiến lộ trình hướng tới việc đạt được một thỏa thuận sẽ càng kéo dài. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thúc giục chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải quyết định về việc có muốn đạt thỏa thuận thương mại với nước này hay không.
Ông nói: “Phía Trung Quốc luôn ủng hộ việc giải quyết xung đột thương mại thông qua đối thoại và chúng tôi đã luôn chân thành trong các cuộc đàm phán thương mại. Trung Quốc có một câu thành ngữ rằng, một cuộc hành trình nghìn dặm bắt đầu bằng những bước đi đầu tiên. Dù hành trình có dài đến đâu, chúng ta cũng sẽ tới đích miễn là chúng ta cất bước đi đầu tiên và tiến về phía trước.Vì vậy, chúng tôi muốn thúc giục phía Mỹ ra quyết định, thể hiện quyết tâm, kiên trì và hợp tác với phía Trung Quốc, để đạt được thỏa thuận thương mại hai bên càng sớm càng tốt”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cảnh báo những đe dọa áp thuế suất mới sẽ là “trở ngại mới” đối với bất kỳ thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và khiến lộ trình đạt thỏa thuận càng dài hơn.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo có thể áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Theo Tổng thống Donald Trump, thuế quan là điều mà Trung Quốc quan tâm. Nếu cần, Mỹ sẽ áp thuế thêm 325 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc nếu nước này phá vỡ thỏa thuận hiện có giữa hai bên.
Chưa hết, triển vọng đạt thỏa thuận thương mại giữa hai nước có nguy cơ thêm mịt mờ sau khi một số nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 16-7 đưa ra dự luật nhằm duy trì sức ép lên Tập đoàn Huawei.
Dự luật này cấm đưa Huawei ra khỏi “danh sách đen” của Bộ Thương mại Mỹ nếu không có sự phê chuẩn của cả Hạ viện và Thượng viện. Nhóm nghị sĩ hậu thuẫn dự luật gọi Huawei là mối đe dọa đến an ninh quốc gia sau khi công ty này bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ và vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Đối với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, theo giới phân tích, có 4 nhân tố chủ yếu sẽ quyết định thắng-bại giữa các bên.
Thứ nhất là việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Huawei. Tuy nhiên, trong bối cảnh tập đoàn này vẫn chưa được đưa ra khỏi “danh sách đen”, việc Mỹ tiếp tục bán sản phẩm công nghệ cho Huawei hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Thứ hai, Trung Quốc ngừng nhập khẩu đậu tương Mỹ, giáng đòn nặng nề vào các cử tri trung thành với ông Donald Trump. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 8,7 tỷ USD. Đậu tương chiếm 52% giá trị xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc.
Thứ ba, việc “phóng sinh” Huawei có phải là lời kết cho cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung? Không sử dụng thiết bị 5G của Huawei, kiềm chế chiến lược “Made in China 2025” (Chế tạo tại Trung Quốc 2025), điều tra các hoạt động gián điệp thương mại và chương trình đào tạo 1.000 chuyên gia của Trung Quốc, hạn chế du học sinh Trung Quốc học những lĩnh vực nhạy cảm… đều liên quan tới chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, không thể vì việc “phóng sinh” Huawei mà rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Và thứ tư, cuộc chiến thuế quan rất khó kết thúc.
Từ những điều nêu trên có thể dự đoán hiện còn quá sớm để kết luận ai là kẻ thắng, người bại trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Rốt cuộc, ông Trump là “tổng thống doanh nhân đầu cơ” coi lợi ích chính trị cá nhân lớn hơn là lợi ích quốc gia hay là “tổng thống chiến lược gia” không ngại “Chiến tranh Lạnh dưới chuẩn” để kiềm chế, thay đổi tiến trình trỗi dậy của Trung Quốc?
Cuối cùng phe cứng rắn hay phe ôn hòa sẽ chiếm thế thượng phong ở Nhà Trắng? Tất cả các nhân tố đó đều ảnh hưởng tới cục diện cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sẽ còn tốn nhiều giấy mực để phân tích.