Lời kêu gọi tham gia thỏa thuận thuế toàn cầu

Chủ Nhật, 04/07/2021, 07:32
130 thành viên thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ủng hộ về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm giúp các chính phủ thu thêm thuế từ các công ty lớn.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ đã bày tỏ hào hứng và kêu gọi các quốc gia khác tham gia vào thỏa thuận vừa được 130 thành viên thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ủng hộ về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm giúp các chính phủ thu thêm thuế từ các công ty lớn. Mức thuế tối thiểu được thống nhất đưa ra là ít nhất 15%, một ý tưởng đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy.

Trả lời báo giới hôm 2/7 (giờ địa phương), Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Brian Deese cho biết, Mỹ vẫn đang nỗ lực để có thêm nhiều quốc gia tham gia vào thỏa thuận, đồng thời khẳng định Washington sẽ tiếp tục làm việc và hướng tới cột mốc quan trọng trong quá trình thúc đẩy thỏa thuận thuế này.

Theo ông, thỏa thuận này sẽ giúp tạo động lực thúc đẩy Tổng thống Joe Biden tăng thuế suất doanh nghiệp trong nước, đồng thời giúp tăng doanh thu cần thiết cho một loạt khoản đầu tư.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoan nghênh đây là một thỏa thuận “lịch sử”, và cuộc đua “xuống đáy” đối với thuế doanh nghiệp, mà bà tin là đã khiến Mỹ và nhiều nước khác thất thu thuế để thực hiện những kế hoạch đầu tư quan trọng như cơ sở hạ tầng, đang tiến thêm một bước đến ngày kết thúc.

Trước đó, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định: “Ngày hôm nay đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc hướng nền kinh tế toàn cầu trở nên công bằng hơn cho người lao động và các gia đình ở tầng lớp trung lưu”, đồng thời nhấn mạnh rằng việc ban hành một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia “giấu lợi nhuận” ở những nơi đánh thuế thấp.

Lưu ý rằng các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào thỏa thuận nói trên chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới, Tổng thống Joe Biden cho rằng các nước đang gần đạt được một thỏa thuận toàn diện trên khắp thế giới để chấm dứt cuộc đua “xuống đáy” đối với thuế doanh nghiệp. Đức hoan nghênh đây là “một bước lớn khi hướng đến sự công bằng về thuế”, trong khi Pháp cho rằng thỏa thuận trên là “thỏa thuận về thuế quan trọng nhất trong 100 năm qua”.

Về phía mình, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhận định, việc 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, bao gồm toàn bộ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tham gia vào thỏa thuận nói trên, đánh dấu một bước tiến mới trong sứ mệnh cải cách thuế toàn cầu.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong Hội nghị Thượng đỉnh mới đây đã thông qua một thỏa thuận mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu. Theo đó, thuế sẽ được đánh cả vào những nơi các công ty thực hiện hoạt động bán hàng thay vì đánh vào những nơi các công ty đặt trụ sở.

Ngoài ra, một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu đối với một nhóm công ty lớn hơn nhiều cũng được đề xuất để chấm dứt cuộc cạnh tranh giảm thiểu chi phí sản xuất giữa các quốc gia đang tìm kiếm đầu tư hướng nội. Bằng cách loại bỏ một số cách hút lời thông qua các “thiên đường thuế”, kế hoạch nói trên có thể bổ sung một số chiến lược tránh trốn thuế vốn được sử dụng rộng rãi nhất trong cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới, đồng thời đưa ra một bộ quy tắc mới để các nhà lập kế hoạch thuế áp dụng trong quá trình hoạch định chính sách.

Thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Trụ cột thứ nhất của gói đề xuất liên quan việc áp dụng thuế suất tối thiểu 15% đối với lợi nhuận doanh nghiệp sẽ chỉ có hiệu lực nếu có đủ quốc gia áp dụng đề xuất thuế này. Nếu không, các công ty có thể tiếp tục lách các quy tắc bằng cách chuyển trụ sở và nơi kinh doanh bán hàng sang các nước có pháp lý thân thiện hơn.

Trụ cột thứ hai đối mặt với một thách thức thậm chí còn khó khăn hơn, đòi hỏi sự nhất trí toàn cầu. Điều này sẽ áp dụng cho 100 công ty đa quốc gia lớn nhất với tỷ suất lợi nhuận trên 10%, khi đó, các công ty này sẽ chịu mức thuế 20% tại các quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh bán hàng.

Điều này giúp giảm thiểu quy mô và mức độ các công ty có thể chuyển lợi nhuận sang các nước có quy định mức thuế suất thấp hơn. Ngay cả khi kế hoạch được thực thi, thì khoản thuế tăng thêm, ước tính khoảng 4% tổng doanh thu thuế doanh nghiệp toàn cầu hiện tại, sẽ chỉ giống như là một lỗi làm tròn số trong hầu hết các tài khoản của các công ty.

Ông Julian Emanuel, Giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu và phái sinh tại tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính toàn cầu BTIG, bình luận: “Đó có thể là một cơn gió ngược, nhưng thành thật mà nói, ở mức thu nhập tổng thể, nó thực sự sẽ không đáng kể”.

Theo ước tính của Goldman Sachs, đề xuất này sẽ chỉ làm giảm 1-2% thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ (hay còn gọi là nhóm S&P 500) vào năm 2022. Bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tỷ lệ tối thiểu sẽ là các công ty có tỷ lệ bán hàng ở nước ngoài cao và những công ty phụ thuộc nhiều vào sở hữu trí tuệ và phí cấp phép sở hữu trí tuệ thông qua các khu vực pháp lý có thuế thấp hơn.

Trong số những công ty ít bị ảnh hưởng nhất bởi tỷ lệ tối thiểu sẽ là các công ty công nghệ lớn, một số đã trở nên ít bị tổn thương hơn sau những thay đổi gần đây đối với các thỏa thuận thuế của họ.

Ông Seamus Coffey, nhà kinh tế tại Đại học College Cork và là cựu cố vấn của chính phủ Ireland về cải cách thuế, nhận định rằng kết quả là, một số tập đoàn công nghệ lớn có thể “sẽ không phải trả nhiều thuế hơn đáng kể” vì mức tối thiểu mà G7 đề xuất.

Trụ cột thứ hai của kế hoạch, áp thuế dựa trên khách hàng sở tại, cũng không có khả năng ảnh hưởng đến các công ty kỹ thuật số lớn nhất vì việc áp thuế này sẽ thay thế phần lớn thuế dịch vụ kỹ thuật số vốn đã áp dụng đối với họ ở các quốc gia như Anh và Pháp. Việc từ chối dỡ bỏ các loại thuế này cho đến khi kế hoạch G7 được thông qua có thể trở thành một trong những trở ngại lớn nhất của kế hoạch.

Tuy nhiên, ngay cả khi tác động tức thời là không đáng kể, những thay đổi về chính sách thuế nói trên có thể báo trước một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong việc thu thuế doanh nghiệp. Theo một số chuyên gia, mức thuế sàn có thể khiến một số quốc gia tự tin hơn rằng họ có thể tăng thuế suất của chính họ cao hơn mức tối thiểu mà không có nguy cơ làm xói mòn cơ sở thuế quốc gia của họ.

Những thay đổi được đề xuất đã lan truyền khắp thế giới thuế doanh nghiệp, khi các công ty chuẩn bị cho gánh nặng hành chính mới và kèm theo đó là khả năng xuất hiện các hình thức trốn thuế mới.

Theo ông Chris Sanger, người đứng đầu chính sách thuế của Tập đoàn EY - 1 trong 4 tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp lớn đang xem xét chi phí hoạt động ở các quốc gia có thuế suất dưới 15% và tìm hiểu xem liệu chúng có “là nơi tốt nhất để đầu tư” hay không.

Ông Tim Sarson, đối tác thuế của Tập đoàn KPMG (Anh), nói rằng khi các công ty xem xét lại địa điểm hoạt động của họ, thì điều này có khả năng “dẫn đến rất nhiều hoạt động tái cân bằng giữa các quốc gia và tái cơ cấu một số chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong lĩnh vực công nghệ”.

Còn theo ông Christian Hallum, chuyên gia cao cấp về thuế và dịch vụ ngoại tệ tại Oxfam Đan Mạch, các đề xuất thuế nói trên cũng đe dọa ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định ở phạm vi rộng hơn. Chẳng hạn, việc không áp dụng một phần kế hoạch thuế đối với các công ty có tỷ suất lợi nhuận dưới 10% có thể khuyến khích các doanh nghiệp đang phát triển tiếp tục tái đầu tư thay vì theo đuổi tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Ngưỡng 10% có thể tạo ra các tác động không mong muốn khác.

Một số chuyên gia cảnh báo, điều đó sẽ dẫn đến trò “mèo vờn chuột” mà cơ quan thuế sẽ khó thắng. Ông Bob Willens, một nhà phân tích thuế của Mỹ cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đánh thuế các đơn vị riêng lẻ của các công ty sẽ khiến họ phải tái cơ cấu để tránh thuế hoặc cố gắng đặt các bộ phận có lợi nhất của họ ở các quốc gia có thuế suất thấp. Ông giải thích: “Nếu các đề xuất thuế nói trên tập trung vào các bộ phận của công ty thì họ sẽ rất dễ trốn thuế”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.