Liên minh đặc biệt chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng

Chủ Nhật, 12/06/2016, 11:49
Cuộc chiến chống khủng bố mà nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria đang đi đến một bước ngoặt lịch sử khi Nga-Mỹ liên kết lực lượng để giải phóng thành phố Raqqa và một liên minh chống khủng bố mới gồm Nga-Iran và Syria được hình thành.


Từ sự hợp tác giữa các bên

Theo tin từ hãng Reuters, ngày 11-6, quân đội chính phủ Syria được sự hậu thuẫn của quân đội Nga và cả các lực lượng chống đối do Mỹ đứng đằng sau đã tiến hành các đợt tấn công riêng lẻ nhằm vào những căn cứ của IS tại vùng biên giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, quân đội chính phủ Syria cũng đã giành được quyền kiểm soát một giao lộ chiến lược dẫn tới thành phố Raqqa và Tabqa, 2 nơi mà IS đang chiếm đóng.

Lực lượng đặc nhiệm Iraq từ hôm 10-6 đã tiến sâu vào trung tâm thành phố Fallujaj, thủ phủ của IS tại Iraq đồng thời củng cố vững chắc các vị trí chiếm được ở phía Nam thành phố này. Ảnh: Getty.

Còn lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ ủng hộ thì từ cuối tuần trước đã chiếm lại được một số địa điểm trọng yếu ở khu vực Manbij và đang tiếp tục giải phóng các tuyến đường khác ở Syria, cắt đứt đường vận chuyển quan trọng của IS từ Manbij tới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện cả hai bên đã tạo nên thế gọng kìm kẹp chặt IS ở Raqqa để buộc các tay súng của tổ chức này sớm đầu hàng. Tuy nhiên, theo cảnh báo của giới quan sát và các nhà phân tích quân sự, quân đội chính phủ Syria và SDF vẫn nên cẩn thận bởi các thành viên của IS có thể sẵn sàng quyết tử và chúng vẫn còn đang nắm giữ nhiều vũ khí hạng nặng tại khu vực bị bao vây.

Còn trên chiến trường ở Iraq, lực lượng đặc nhiệm Iraq từ hôm 10-6 cũng đã tiến sâu vào trung tâm thành phố Fallujaj, thủ phủ quan trọng của IS tại Iraq đồng thời củng cố vững chắc các vị trí chiếm được ở phía Nam thành phố này.

Phát biểu trước báo giới, Trung tướng Abdul Wahab Al Saadi, Tư lệnh Chiến dịch giành lại Fallujah còn tự tin nói, quân đội Iraq đang giành nhiều lợi thế và ngày càng tiến sâu được thêm vào trung tâm thành phố Fallujaj. Nhưng điều mà giới chức Iraq lo ngại nhất lúc này vẫn là việc hàng ngàn dân thường đang mắc kẹt tại đây và các thành viên của IS có thể dùng họ làm lá chắn sống nhằm buộc quân đội chính phủ lùi bước.

Đến mặt trận thống nhất mới

Rõ ràng, dù không có sự hợp tác trực tiếp về mặt quân sự, song những trao đổi thường xuyên giữa giới chức Nga-Mỹ xung quanh vấn đề Syria cũng đã khiến cục diện của cuộc chiến chống IS có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, việc Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Iran và Syria cùng xác định sẽ hợp tác với nhau để chống IS và Mặt trận Al-Nursa, chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở Syria đã tạo nên những hiệu quả mới cho cuộc chiến này.

Hãng AP dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan cho biết, ông và hai người đồng cấp Nga, Syria đã nhất trí tiến hành “cuộc chiến quyết định” chống lại tất cả các nhóm khủng bố trong khu vực và rằng mục đích của cuộc chiến này có thể đạt được bằng cách “gây trở ngại hoặc ngăn chặn” các nguồn hậu thuẫn về chính trị và vũ khí có thể giúp cho các nhóm khủng bố mở rộng phạm vi hoạt động.

Về phía Tehran, Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehghan cho biết nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ Syria dưới hình thức cố vấn. Đồng thời, ông Hossein Dehghan cũng kêu gọi tiến hành một kế hoạch chung trong đó ưu tiên việc triển khai lệnh ngừng bắn toàn diện trên khắp Syria…

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình hôm 8-6 cũng cam kết đấu tranh trong cuộc chiến của Damascus nhằm chống chủ nghĩa khủng bố. Ông Bashar al-Assad nói: "Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta đang tiếp diễn. Khi chúng ta giải phóng Palmyra và trước khi giải phóng nhiều khu vực khác, chúng ta sẽ giải phóng từng tấc đất của Syria từ khủng bố. Chúng ta chỉ có lựa chọn chiến thắng, nếu không Syria sẽ không còn tồn tại”.

Hiện các thông tin tình báo cho thấy, từ đầu năm đến nay, IS đã gặp nhiều khó khăn hơn trong việc mở rộng hoạt động khủng bố. Nguyên do là vì tổ chức này đã cạn tiền và không thể trả lương cho các tay súng thành viên.

Các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào các kho chứa tiền và các chuyên buôn lậu dầu mỏ của IS cùng việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn không để IS tiếp cận với hệ thống ngân hàng cũng như chuyện cắt đứt nguồn tiền chuyển tới các khu vực do IS kiểm soát ở vùng phía Bắc Iraq đã khiến tổ chức này bị suy yếu. Thêm vào đó là thông tin về việc thủ lĩnh của IS Abu Bakr al-Baghdadi bị thương trong các cuộc không kích tại khu vực biên giới Syria-Iraq.

Gia Nam
.
.
.