Kịch bản nào cho Iraq sau sự rút lui của quân đội Mỹ?

Thứ Năm, 03/12/2020, 15:53
Trong nhiệm vụ truy quét tận gốc nơi ẩn náu của tổ chức khủng bố IS, các lực lượng Iraq đã giải phóng gần 90 ngôi làng trên khắp một tỉnh phía Bắc vốn nổi tiếng bất ổn. Tuy nhiên, hoạt động của các lực lượng này vẫn chủ yếu dựa vào tình báo Mỹ, cũng như hỗ trợ từ liên quân.
Việc rút lui của quân đội Mỹ khỏi Iraq có thể gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh tại nước này. Ảnh AP.

Trước mắt, dù kế hoạch rút quân của Mỹ tại Iraq từ 3.000 xuống còn 2.500 người vào giữa tháng 1 không có khả năng ảnh hưởng nhiều đến chiến dịch chống lại tàn dư IS, nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc tiếp tục rút thêm quân có thể tạo tiền đề cho sự trỗi dậy khác của các nhóm cực đoan.

Mặc dù các lực lượng Iraq đang dần trở nên độc lập hơn trong các nhiệm vụ chiến đấu, đất nước này vẫn đang quay cuồng với các cuộc biểu tình chống chính phủ, nạn tham nhũng tràn lan và sự chia rẽ chính trị. Tất cả những điều đó đồng nghĩa với việc sự hỗ trợ từ nước ngoài vẫn rất quan trọng.

Đã có những dấu hiệu cho thấy tổ chức khủng bố IS có thể trở lại khi nhóm này khai thác các lỗ hổng an ninh ngày càng mở rộng sau một năm biểu tình và đại dịch. Đây được coi là một xu hướng đáng lo ngại đối với các lực lượng an ninh của Iraq, lực lượng mà sự sụp đổ của họ vào năm 2014 đã cho phép IS chiếm một phần ba đất nước và khiến lính Mỹ phải gấp rút quay trở lại chưa đầy 3 năm sau khi rút đi.

Vậy, sau khi binh sĩ Mỹ rút đi, kịch bản nào sẽ diễn ra tại Iraq trong thời gian tới?

An ninh có thể tồi tệ hơn

Các lực lượng Mỹ quay trở lại theo kêu gọi của chính phủ Iraq sau khi IS chiếm giữ phần lớn miền Bắc và miền Tây đất nước, bao gồm cả thành phố lớn thứ hai của nước này, Mosul. Một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã kịp thời có hỗ trợ về không lực khi các lực lượng Iraq, bao gồm cả lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, tập hợp lại và đánh bật IS trong một chiến dịch kéo dài 3 năm tốn kém.

Áp lực buộc Mỹ phải rút quân ngày càng leo thang kể từ khi IS bị đánh bại vào năm 2017, đặc biệt là giữa các phe phái tại Iraq trung thành với Iran, vốn đã tăng cường các cuộc tấn công vào các lợi ích của Mỹ. Cả Mỹ và Iraq đều ủng hộ việc rút quân theo lịch trình nhưng không thể thống nhất về các chi tiết cụ thể.

Các quan chức quân sự cấp cao của Iraq ở Baghdad cho rằng việc rút 500 lính Mỹ sẽ có rất ít tác động, nếu có. Tuy nhiên, các quan chức địa phương tại các khu vực được giải phóng khỏi IS, nơi quá trình tái thiết bị trì hoãn và các dịch vụ vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn, lo ngại khoảng trống an ninh nếu lính Mỹ rời đi hiện hữu ngày một rõ rệt.

“Đúng là lực lượng quân đội và an ninh của chúng tôi đã mạnh hơn. Nhưng chúng tôi vẫn cần đào tạo, hỗ trợ thu thập thông tin tình báo”, Najm Jibouri, thống đốc và cựu lãnh đạo các hoạt động của tỉnh ở Nineveh, nơi tọa lạc thành phố Mosul, cho biết. “Nếu Mỹ rời đi vào thời điểm này, đó sẽ là một sai lầm lớn”.

Các quan chức cấp cao của liên minh và Iraq cho biết các lực lượng Iraq sẽ tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ, trinh sát và thu thập thông tin tình báo của Mỹ trong tương lai gần.

Bộ máy an ninh của Iraq vẫn còn vướng mắc bởi nhiều lỗ hổng, trước đây từng đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của IS, bao gồm sự phối hợp kém giữa các đơn vị vơi nhau và nạn tham nhũng tràn lan. Căng thẳng gia tăng khi lực lượng dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn, hiện đã được hợp nhất vào các lực lượng vũ trang, ngày càng tích lũy được nhiều quyền lực hơn.

“Những lỗ hổng này vẫn còn và có nguy cơ làm suy yếu các lực lượng vũ trang Iraq trong thời điểm bức thiết nhất”, Benedicte Aboul-Nasr, từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế - Quốc phòng và An ninh có trụ sở tại Anh, cho biết.

Thêm nữa, quân đội Iraq cũng đã giảm bớt sự hiện diện ở một số khu vực vì đại dịch COVID-19 và Mỹ đã rút khỏi một số căn cứ phía Bắc sau các cuộc tấn công bằng tên lửa do các nhóm do Iran hậu thuẫn.

Phiến quân có thể quay trở lại

IS đã mất vùng lãnh thổ cuối cùng dưới sự kiểm soát của chúng vào năm 2017 nhưng nhanh chóng quay trở lại cội nguồn nổi dậy, thực hiện các cuộc tấn công liên hoàn vào các lực lượng Iraq trên một phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc.

Tranh chấp lãnh thổ và chính trị kéo dài giữa chính quyền trung ương và chính quyền người Kurd bán tự trị ở phía Bắc đã cản trở sự phối hợp chống IS. Mỹ từ lâu đã đóng vai trò trung gian hòa giải, một vai trò sẽ khó lấp đầy nếu nước này rút khỏi hoàn toàn.

IS vươn xa hơn với các vụ tấn công về phía Nam, bao gồm một cuộc tấn công vào một đoàn xe ở Hilla, phía Nam Baghdad, vào ngày 10/11 khiến hơn chục binh sĩ Iraq và các lực lượng bán quân sự thiệt mạng và bị thương. Tuần trước, chúng tuyên bố nhận trách nhiệm cho một cuộc tấn công tên lửa khiến một nhà máy lọc dầu nhỏ ở phía Bắc thủ đô Baghdad phải tạm thời ngừng sản xuất.

Một chỉ huy quân đội Iraq cho biết nước này chứng kiến ​​5-6 vụ tấn công mỗi tuần. Những cuộc tấn công này được cho là không phải để chiếm và kiểm soát lãnh thổ, mà là tấn công và mở đường quay trở lại ẩn nấp.

Sức ảnh hưởng của Iran ngày càng gia tăng

Việc Mỹ rút quân diện rộng cũng sẽ cho phép Iran tăng cường ảnh hưởng của mình ở Iraq, nơi nước này đã có quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh chặt chẽ được củng cố kể từ cuộc đổ bộ do Mỹ dẫn đầu lật đổ Saddam Hussein năm 2003.

Cuộc tấn công của Mỹ giết chết tướng hàng đầu của Iran, Qassim Soleimani và các thủ lĩnh cấp cao của lực lượng dân quân Iraq gần sân bay của Baghdad vào tháng 1 đã gây ra sự phẫn nộ và khiến quốc hội Iraq thông qua một nghị quyết không ràng buộc vài ngày sau đó kêu gọi trục xuất tất cả quân đội nước ngoài.

Chính phủ Iraq sau đó rút lại nhưng lời đe dọa. Tuy nhiên, Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi vẫn phải đối mặt với áp lực từ các nhóm liên kết với Iran trong việc loại bỏ lực lượng của Mỹ.

Mỹ đã tiến hành một chiến dịch “gây áp lực tối đa” chống lại Iran kể từ khi chính quyền Trump năm 2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà Tehran đạt được với các cường quốc thế giới vào năm 2015 và khôi phục các lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Iran.

Một đợt giảm đáng kể lực lượng Mỹ ở Iraq, dù rất được hưởng ứng tại quê nhà, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của Mỹ tại khu vực này.

Duy Tiến (Biên dịch theo AP)
.
.
.