Giải mã tham vọng của Mỹ trong chương trình quân sự hóa không gian

Thứ Năm, 12/09/2019, 07:52
Hôm 4-9, hơn 350 chuyên gia quân sự đến từ 27 Bộ chỉ huy và các cơ quan quân sự của Mỹ cùng 4 đối tác quốc tế gồm Australia, Canada, New Zealand và Anh đã tham gia cuộc diễn tập mang tên "Chiến tranh Schriever" tại căn cứ không quân Maxwell của Alabama.


Đây được coi là hoạt động đầu tiên mà Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ (mới được thành lập hôm 28-8) tiến hành nhằm tái khẳng định mối quan tâm hàng đầu của Washington trong vấn đề quân sự hóa không gian vốn đang gây tranh cãi và thu hút được sự quan tâm của nhiều cường quốc trên thế giới.

87 đơn vị dưới sự chỉ huy của 1 Tướng

Bộ Tư lệnh Vũ trụ (SpaceCom) được Bộ trưởng Quốc phòng  Mark Esper ký kết thành lập theo yêu cầu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và trở thành Bộ Tư lệnh chiến đấu thứ 11 của Bộ Quốc phòng. Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt, công nhận tính trung tâm của không gian đối với an ninh-quốc phòng của Mỹ. Tướng không quân Jay Raymond là người đứng đầu SpaceCom và phó chỉ huy của ông là Tướng James Dickinson.

Những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng không gian cho mục đích quân sự. Ảnh: Getty

Trong quyết định do Tổng thống Mỹ ký, có tới 287 cán bộ và quan chức cấp cao của Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ trở thành những thành viên đầu tiên của Bộ Tư lệnh Vũ trụ. Phát biểu trước báo giới, Tướng Jay Raymond đã nhấn mạnh: "Việc tạo ra SpaceCom đánh dấu một kỷ nguyên mới trong cách Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp cận không gian. Chúng tôi đang ở một điểm uốn chiến lược. Không có gì mà chúng tôi làm mà không được kích hoạt bởi không gian. Mục tiêu của chúng tôi là thực sự ngăn chặn một cuộc xung đột mở rộng vào không gian. Cách tốt nhất mà tôi biết là chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng".

Như vậy, Bộ Tư lệnh Vũ trụ là bộ chỉ huy thứ 2 được ông Donald Trump thành lập trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Trước đó, vào năm 2018, Tổng thống Mỹ cũng đã thúc đẩy Bộ Quốc phòng thành lập Bộ Tư lệnh Chiến tranh mạng (CyberCom) với nhận thức rằng hoạt động tấn công và phòng thủ trên mạng cũng hợp thành một mặt trận chiến đấu riêng biệt.

Tại buổi lễ thành lập SapceCom, ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố: "SpaceCom được theo sau bởi việc thành lập Lực lượng không gian Mỹ với tư cách là nhánh thứ 6 của lực lượng vũ trang Mỹ. Lực lượng không gian sẽ tiến hành tổ chức, huấn luyện và đào tạo cho các binh sĩ để hỗ trợ sứ mệnh của SpaceCom. SpaceCom bảo vệ các lợi ích chính của Mỹ trong không gian. Tôi tin rằng, những điều này khá rõ ràng với mọi người. Bây giờ không gian sẽ được coi là một lĩnh vực hoạt động quân sự độc lập, cũng giống như các lĩnh vực trên mặt đất, trên biển, trên không và trên không gian mạng. Hay nói cách khác, chiến tranh trên không gian sẽ là hình thái tác chiến thứ 5".

Theo tin từ tờ Washingtonpost, SpaceCom vừa được thành lập có 4 chức năng bao gồm: cung cấp định vị dẫn đường vệ tinh, kịp thời thông tin, cung cấp kỹ thuật và đảm bảo an ninh cho lực lượng bộ binh Mỹ, bảo vệ tài sản Mỹ trong quỹ đạo không gian, ngăn chặn nước ngoài tiến hành phá hoại vệ tinh của Mỹ và giám sát, cảnh báo hoạt động phóng tên lửa của các nước khác...

Ngoài ra, tờ Washingtonpost còn tiết lộ rằng, SpaceCom có 87 đơn vị và có ngân sách cho năm tài khóa 2020 là 83,8 triệu USD.

Tờ này dẫn lời Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cho biết: "Có thể nói là SpaceCom mới được thành lập hoặc tái thành lập cũng được bởi lẽ từ năm 1985, một đơn vị có hình thức tương tự cũng đã được thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả lắm và bị giải tán năm 2002. Bộ Tư lệnh Vũ trụ phải ngăn chặn kẻ thù khỏi các khả năng không gian đầy thách thức với Mỹ và có thể đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào. Không gian là chìa khóa để chỉ huy và kiểm soát quân sự, cảnh báo tên lửa, điều hướng, nhắm mục tiêu và khả năng quân sự tổng thể. Chúng tôi không thiết lập lại Bộ Tư lệnh Vũ trụ chỉ để cạnh tranh trong không gian. Chúng tôi hình thành mệnh lệnh này như là một yếu tố nền tảng của chiến tranh chung, hiệu quả hơn".

Duy trì sự thống trị trong không gian?

Trên thực tế, nhiều đời Tổng thống Mỹ có ý tưởng thành lập lực lượng không gian và cùng với thời gian, chiến lược này đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn giữ một mục đích duy nhất là đảm bảo an ninh cho nước Mỹ trong mọi tình huống.

Alexandra Stickings, một chuyên gia an ninh không gian tại Viện Dịch vụ Hoàng gia (Rusi) phân tích: "Không gian đã được quân sự hóa từ những năm 1960. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô không thực sự chiến đấu trên vũ trụ, nhưng đã sử dụng các vệ tinh để do thám lẫn nhau. Mỹ có tên lửa chống vệ tinh hạt nhân đóng tại Thái Bình Dương và Liên Xô có vũ khí có thể đâm vào một vệ tinh quay quanh. Theo nghiên cứu của Tổ chức Thế giới bảo mật, Trung Quốc, Nga và Mỹ đều đã thử nghiệm vũ khí có khả năng tấn công một vệ tinh. Đây là những tên lửa được phóng từ trái đất trực tiếp vào một vệ tinh trên quỹ đạo. Có những vũ khí được gọi là "đồng quỹ đạo", là những vệ tinh gắn liền với tên lửa hoặc tên lửa được bắn từ trái đất. Vệ tinh tách khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo của vệ tinh mục tiêu trước khi tấn công nó hoặc va chạm với nó".

Nhắc lại lịch sử, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joe Dunford cũng lưu ý: "Liên Xô đã phóng Sputnik - vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới vào năm 1957. Năm 1961, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên lên vũ trụ. Lúc đó, Mỹ cảm thấy chính xác quốc gia này "tụt hậu về năng lực công nghệ.

Năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy đã tiếp sức cho quốc gia, nói rằng Mỹ sẽ đưa một người lên mặt trăng vào cuối thập kỷ này. Sự hợp tác của tất cả các cơ quan của chính phủ và ngành công nghiệp vũ trụ đã chứng kiến mục tiêu đó thành công với "bước nhảy khổng lồ cho nhân loại" của Neil Armstrong vào ngày 20 tháng 7 năm 1969.

Và nay, quân đội Mỹ cũng đang đối mặt với một "khoảnh khắc Sputnik" khác. Sau nhiều thập kỷ tiếp cận không gian không thể kiểm soát, Nga và Trung Quốc đặt ra những thách thức như phát triển vũ khí năng lượng điện tử, định hướng, cũng như khả năng chống vệ tinh và hơn thế nữa. Cuộc cạnh tranh quyền lực lớn với Nga và Trung Quốc đã trở lại.

Iran và CHDCND Triều Tiên đặt ra những thách thức ít hơn, nhưng vẫn nguy hiểm. Trong hai thập kỷ qua, các đối thủ của chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển các khả năng được thiết kế để khai thác những gì họ cho là lỗ hổng của chúng tôi.

Sự năng động đó đặc biệt rõ ràng trong không gian. Việc tái lập đơn vị chỉ huy không gian nên được hiểu là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn để duy trì lợi thế cạnh tranh của quốc gia chúng ta trong không gian. Bộ Tư lệnh Vũ trụ là một phần không thể thiếu trong Chiến lược an ninh quốc gia ngày nay. Duy trì sự thống trị trong không gian có nghĩa là Mỹ sẽ có thể chiến đấu và giành chiến thắng trên các chiến trường trong tương lai".

Nói rõ hơn về những ưu tiên chiến lược của Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence chỉ rõ, Mỹ không lo sợ việc các phi hành gia được trang bị vũ khí mà e ngại về việc Trung Quốc và Nga đã phát triển các tên lửa chống vệ tinh.

"Môi trường không gian đã thay đổi về cơ bản so với thế hệ trước. Những gì đã từng hòa bình và không bị kiểm soát giờ trở nên đông đúc và bất lợi. Mỹ quan tâm đến nguy cơ một cuộc đua không gian giữa các cường quốc và sự chồng chéo giữa hoạt động quân sự, dân sự trong không gian. Công nghệ định vị vệ tinh sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) được phát minh bởi quân đội Mỹ chỉ được phép sử dụng cho mục đích dân sự. Nhưng ai dám đảm bảo điều này sẽ được duy trì trong tương lai. Trong vòng 10 đến 15 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự hồi sinh của sự quan tâm và phát triển các vũ khí phản không gian có thể được sử dụng để tấn công", ông Mike Pence nói.

Trong khi đó, Brian Weeden, Giám đốc của Tổ chức Thế giới bảo mật đã hé lộ các thống kê cho thấy, phần lớn việc sản xuất vũ khí trong không gian đang được cả Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác thực hiện. Do đó, một trong những lý do chính mà Washington cần là bảo vệ những gì Mỹ có trong không gian.

Hiện Mỹ là quốc gia vận hành nhiều vệ tinh nhất thế giới với 803 chiếc, trong đó có 31 vệ tinh dẫn đường toàn cầu GPS. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 204 vệ tinh, nhiều hơn Nga 62 vệ tinh. 589 vệ tinh còn lại đến từ hàng chục quốc gia khác.

Đáng chú ý là số lượng vệ tinh quân sự Trung Quốc được triển khai trong không gian ngày càng tăng và Nga đã xây dựng lại các vệ tinh quân sự của riêng mình. Bleddyn Bowen, chuyên gia về Chiến tranh không gian tại Đại học Leicester nhận định, việc Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ có thể là một phần để đáp trả các chương trình vệ tinh và tên lửa của Trung Quốc và Nga.

"Mỹ đã tăng cường phản ứng với Trung Quốc", Bleddyn Bowen nói: "Từ năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh mà bị phá hủy vệ tinh thời tiết của riêng mình quay quanh trái đất ở độ cao 500 dặm. Mặc dù thiếu thông tin chắc chắn, cả Mỹ và Nga đều được cho là cũng đã phát triển các chương trình laser chống vệ tinh. Các chùm tia bắn từ mặt đất hoặc từ máy bay sẽ làm lóa mắt cảm biến của vệ tinh. Các bình luận của Phó Tổng thống Mỹ cho rằng chính quyền Washington coi những mối đe dọa mới này trong không gian là một thách thức cần phải đáp ứng bằng cách đánh giá lại cơ bản các ưu tiên quân sự của nước này".

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.