Gia tăng sức nóng trên bán đảo Triều Tiên

Chủ Nhật, 14/02/2016, 11:43
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng phóng vệ tinh hôm 7-2 vừa qua, mà một số nước cho rằng đó là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa, đã lên tới đỉnh điểm khi tất cả hệ thống đường dây nóng liên lạc giữa hai nước đã bị cắt. Trước đó, Hàn Quốc tuyên bố ngừng hoàn toàn hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong, biểu tượng cuối cùng của quá trình hòa giải liên Triều.


Đáp lại, CHDCND Triều Tiên đã yêu cầu toàn bộ công dân Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp Kaesong và niêm phong toàn bộ các tài sản và thiết bị của phía Hàn Quốc tại khu công nghiệp này, đồng thời chuyển đổi khu vực này thành khu quân sự.

Phản ứng trước quyết định của phía Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo cho rằng, việc Triều Tiên đóng băng các tài sản là hành động “bất hợp pháp” và cảnh báo miền Bắc không được làm bất cứ điều gì gây thiệt hại đến tài sản của các công ty miền Nam. Bộ trưởng Hong nhấn mạnh: “Cách hành xử của CHDCND Triều Tiên là rất đáng tiếc và chúng tôi muốn nói rõ rằng, Bình Nhưỡng sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả xảy ra”.

Chưa hết, để đối phó với các động thái mới đây của Bình Nhưỡng, ngày 13-2, Bộ Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) bất ngờ tuyên bố Mỹ đã triển khai thêm các tên lửa Patriot trên lãnh thổ Hàn Quốc. Các tên lửa trên được chuyển từ Fort Bliss ở bang Texas của Mỹ tới Hàn Quốc và đang tham gia các cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa cùng với các khẩu đội khác ở Osan.

Xe chở người lao động Hàn Quốc ra khỏi khu công nghiệp Kaesong hôm 11-2. Ảnh: Reuters.

Theo Tư lệnh lực lượng chung Mỹ - Hàn, Trung tướng Thomas Vandal, “những cuộc diễn tập này nhằm chứng tỏ chúng tôi sẵn sàng đối phó với mọi cuộc tấn công bất ngờ từ CHDCND Triều Tiên”. Vị tướng này nhấn mạnh, việc Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi các liên minh phải luôn duy trì sự sẵn sàng và hoạt động hiệu quả của hệ thống tên lửa đạn đạo phòng thủ. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu thảo luận chi tiết với Mỹ vào tuần tới về việc triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiên tiến của Mỹ. Chương trình nghị sự bao gồm địa điểm và thời gian lắp đặt, chia sẻ chi phí và bảo vệ môi trường.

Phản ứng trước việc Mỹ và Hàn Quốc thảo luận về việc triển khai THAAD, Trung Quốc và Nga cho rằng động thái này sẽ gây bất ổn và có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin nói rằng, việc triển khai hệ thống này sẽ không giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn có thể gây tác động tiêu cực cho việc ổn định và hòa bình ở khu vực này. Còn về phía Trung Quốc, trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu phía Mỹ cần hành động thận trọng, không sử dụng các biện pháp làm tổn hại tới lợi ích an ninh của Trung Quốc và không làm gia tăng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. 

Về việc Bắc Kinh ủng hộ các cấm vận mới do HĐBA LHQ áp đặt lên Triều Tiên, ông Vương Nghị cho biết quan điểm của Trung Quốc là trừng phạt không phải giải pháp: “Chúng ta cần suy nghĩ đến những cách tái khởi động đàm phán về vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của tất cả các bên, bao gồm Trung Quốc và Mỹ”.

Chưa dừng lại ở đó, hôm 12-2, với tỷ lệ phiếu 408-2, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào CHDCND Triều Tiên và chuyển cho Tổng thống nước này Barack Obama để ký thành luật. Các biện pháp trừng phạt, không chỉ nhắm vào CHDCND Triều Tiên mà cả các đối tượng làm ăn với nước này, bao gồm phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh và ngăn chặn các thỏa thuận chính phủ. Trước đó, hôm 10-2, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trên với tỷ lệ phiếu 96-0. Cùng với Mỹ, Canada và Nhật Bản cũng đã hối thúc HĐBA LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Stephane Dion ở Thủ đô Ottawa hôm 12-2, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết hai bên lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hồi tháng trước cũng như vụ phóng tên lửa tầm xa đầu tháng này, đồng thời nhất trí cho rằng HĐBA LHQ cần phải nhanh chóng thông qua nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ: “Những hành động khiêu khích của Triều Tiên đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình quốc tế”.

Đáp lại tuyên bố của phía Tokyo, ngay trong ngày 12-2, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ giải tán ủy ban đặc biệt được thành lập hồi tháng 7-2014 chuyên trách điều tra về công dân Nhật Bản bị bắt cóc vào thập niên 1970 và 1980 của thế kỷ trước.

Phản ứng trước diễn biến trên, Tokyo đã bày tỏ lấy làm tiếc và Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực đề nghị CHDCND Triều Tiên có các hành động cũng như bước đi cụ thể để giải quyết vấn đề này, hiện vẫn ngăn cản hai nước bình thường hóa quan hệ. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng khẳng định sẽ không đóng cánh cửa đàm phán với CHDCND Triều Tiên và Tokyo sẽ kiên trì trên nguyên tắc “có đi có lại” với Bình Nhưỡng.

Khổng Hà
.
.
.