Gia tăng căng thẳng vùng biên giới Israel-Lebanon

Thứ Ba, 22/12/2015, 07:43
“Điểm nóng” Israel-Lebanon đã trở lại và đang có nguy cơ bùng phát thành bạo lực, chiến tranh khi các bên bắt đầu trao đổi với nhau bằng các cuộc xả súng, nã pháo. Nguyên do bắt nguồn từ việc Israel không kích một tòa nhà ở thủ đô Damascus của Syria và tiêu diệt Samir Kuntar, một thủ lĩnh cấp cao của nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah.
Đây là cuộc xung đột lớn thứ hai giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon. Vụ việc lần trước diễn ra vào hồi đầu năm khi Tel Aviv tấn công trả đũa việc 2 binh sĩ nước này thiệt mạng khi bị Hezbollah bắn 5 quả tên lửa chống tăng ở khu vực Shebaa Farms.

Lần đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã phải triệu tập phiên họp khẩn để thảo luận các biện pháp tháo gỡ căng thẳng sau khi xung đột có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện giống như những gì đã từng diễn ra vào năm 2006. 

Còn lần này, theo tin từ hãng CNN, một số quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ đã bày tỏ lo lắng và cho rằng, “sự can dự sâu của một số bên ở Lebanon và Israel trong cuộc chiến tại Syria cũng gây rủi ro cho sự ổn định của Lebanon. 

Trong trường hợp xung đột vẫn gia tăng, rất có thể Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp vào cuối tháng 12 tới để ra nghị quyết hối thúc các bên “kiềm chế tối đa bất kỳ hành động hay tuyên bố nào có thể gây nguy hiểm tới việc chấm dứt sự thù địch hoặc gây mất ổn định trong khu vực”.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Israel cho biết, tình hình ở khu vực biên giới Israel – Lebanon đã căng thẳng từ chiều 20-12 sau khi có có tin thủ lĩnh quân sự cấp cao của phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah Samir Kunta bị Israel tiêu diệt tại nhà riêng ở thủ đô Damascus của Syria trong một cuộc không kích tối 19-12.

Các chiến binh Hezbollah đang tập trung để cùng hát bài ca đoàn kết tại Nabatiyeh, Lebanon. Ảnh: AP.

Chính quyền Tel Aviv đã biện luận cho hành động này rằng họ đang cố ngăn chặn một cuộc tấn công mới từ đất Syria nhằm vào Israel và đây là một “thành công”. Ngược lại, Hezbollah cho rằng, Israel đã cố tình không kích để khiêu chiến bởi trước khi tiến hành vụ không kích tiêu diệt ông Samir Kunta, quân đội Israel cũng đã nã pháo vào các mục tiêu không xác định ở khu vực thuộc miền Nam Lebanon, nơi đặt nhiều căn cứ của Hezbollah.

Thủ lĩnh Hezbollah là Sayyed Hassan Nasrallah tuyên bố sẽ báo thù và không để Samir Kunta chết vô nghĩa. Ông Sayyed Hassan Nasrallah cũng xác nhận rằng Samirr Kunta được chôn cất trong nghĩa trang của người Shiite tại thành trì Dahiya ở phía Nam ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon trong ngày 21-12. Được biết, Samir Kunta từng bị Israel kết án tù vào năm 1979 vì tội giết 3 dân thường, trong đó có một bé gái song đã được phóng thích năm 2008 theo chương trình trao đổi tù nhân.

Samir Kunta là tù nhân người Lebanon bị Israel giam giữ lâu nhất từ trước đến nay. Tháng 9 vừa qua, Mỹ đã đưa tên Samir Kunta vào danh sách đen khủng bố vì cho rằng người này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở của Hezbollah tại cao nguyên Golan- một vùng núi chiến lược ở phía Nam dãy núi Đông Lebanon.

Ngay sau khi Hezbollah chính thức công nhận về cái chết của Samir Kunta, Israel đã ban bố tình trạng báo động tại khu vực biên giới với Lebanon. Chính quyền Tel Aviv còn yêu cầu đội tuần tra tại biên giới giáp với Lebanon rút quân và các binh sĩ không được rời khỏi vị trí của mình phòng khi cần huy động lực lượng. Lebanon cũng triển khai quân tăng viện áp sát vùng biên giới.

Lực lượng lâm thời của LHQ tại Lebanon thì tăng cường hoạt động tuần tra và quan sát Đường Xanh – biên giới giữa Israel và Lebanon do LHQ quy định vào năm 2000. Thiếu tướng Luciano Portolano, người đứng đầu lực lượng lâm thời của LHQ tại Lebanon nói: “Đây là một sự cố nghiêm trọng vi phạm Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ và rõ ràng trực tiếp phá hoại sự ổn định ở khu vực. Tình hình cấp bách hiện nay là phải xác định và bắt giữ những thủ phạm của vụ tấn công”.

Giới quan sát thì nhận định, có vẻ như vòng luẩn quẩn ở Trung Đông đang ngày càng thít chặt vào các nước láng giềng, kề cận với Syria. Cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông - Bắc Phi này cùng chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cuối cùng cũng đã tạo cơ hội cho các phe cánh ở khu vực này trỗi dậy và vô tình trở thành mảnh đất “màu mỡ” để nảy sinh xung đột giữa các bên do tranh chấp về quyền lợi.

Israel trước nay vốn luôn giữ quan điểm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Vì thế, việc Hezbollah ủng hộ ông Assad và đưa hàng ngàn chiến binh sang Syria, cùng với quân đội chính phủ nước này chống IS và các tổ chức vũ trang chống chính phủ khác đã khiến Tel Aviv không bằng lòng.

Gia Nam
.
.
.