Đằng sau lệnh trừng phạt của phương Tây với Trung Quốc
Ảnh minh họa Reuters . |
Chính phủ phương Tây đang tìm cách buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở khu vực tây bắc Trung Quốc, nơi Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trung Quốc nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc.
Nhiều tờ báo phương Tây đưa tin, các nhà hoạt động và các chuyên gia về quyền của Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản. Trung Quốc cho biết các trại của họ đào tạo nghề và có vai trò quan trọng để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Đòn tập thể này dường như đã sớm đạt được kết quả trong một nỗ lực ngoại giao phối hợp của Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc với sự hỗ trợ từ các đồng minh, yếu tố cốt lõi trong chính sách Trung Quốc vẫn đang phát triển của ông Biden.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết họ vẫn có các cuộc tiếp xúc hàng ngày với các chính phủ ở Châu Âu về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
EU là khối các nước đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt vào ngày 22/3 đối với 4 quan chức Trung Quốc, bao gồm một giám đốc an ninh hàng đầu và một tổ chức, quyết định này sau đó được Anh và Canada đưa ra.
Năm ngoái, Mỹ đã chỉ định trừng phạt quan chức hàng đầu ở Tân Cương, Chen Quanguo, người không bị các đồng minh phương Tây khác nhắm vào trong các lệnh trừng phạt ngày 22/3, để tránh một tranh chấp ngoại giao lớn hơn, theo các chuyên gia.
Ngoại trưởng Canada và Anh đã đưa ra một tuyên bố chung cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, nhấn mạnh rằng ba nước đã thống nhất trong việc yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt “các hoạt động đàn áp” ở Tân Cương.
Các ngoại trưởng cho biết bằng chứng về các vụ lạm dụng rất “khủng khiếp”, bao gồm hình ảnh vệ tinh, lời khai của nhân chứng và các tài liệu của chính phủ Trung Quốc.
Ngoài ra, các Ngoại trưởng của Australia và New Zealand đã ra một tuyên bố bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về việc ngày càng có nhiều báo cáo đáng tin cậy về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương” và hoan nghênh các biện pháp do Canada, EU, Anh và Mỹ đưa ra.
Động thái của Mỹ và các đồng minh được đưa ra sau cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc vào tuần trước, vốn làm dấy lên căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
EU đã tránh đối đầu với Bắc Kinh và các biện pháp trừng phạt hôm 22/3 là biện pháp đáng chú ý đầu tiên kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989, mặc dù hồi năm 2020, Brussels từng nhắm mục tiêu trừng phạt vào hai tin tặc máy tính và một công ty công nghệ của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ ngợi khen động thái từ phía bên kia Đại Tây Dương, cho biết điều này có thể gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến bất kỳ ai “vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền”.
Mặc dù chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng các lệnh trừng phạt của EU đánh dấu sự cứng rắn đối với Trung Quốc, nước mà Brussels coi là một đối tác thương mại lành tính nhưng hiện coi là kẻ lạm dụng quyền và tự do một cách có hệ thống.
Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả với các biện pháp trừng phạt chống lại các nhà lập pháp, nhà ngoại giao EU và gia đình châu Âu, đồng thời cấm các doanh nghiệp của EU buôn bán với Trung Quốc.