Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba: Khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia

Chủ Nhật, 18/04/2021, 09:13
Với khẩu hiệu “Đại hội của sự tiếp nối lịch sử cho cách mạng Cuba”, Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (PCC) ngày 16/4 (giờ địa phương) đã chính thức khai mạc tại Cung Hội nghị ở Thủ đô La Habana dưới sự chủ trì của Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Đại tướng Raul Castro Ruz. Sự kiện trọng đại này được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu con đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vùng Caribe.

Trình bày Báo cáo Chính trị tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VIII của PCC, Đại tướng Raul Castro khẳng định Cuba sẽ luôn cảnh giác và sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia trước những cuộc tấn công và mối đe dọa nhằm vào nước này cũng như các nước Mỹ Latinh và Caribe khác. Ông nhắc lại đã từng cảnh báo về một cuộc tấn công nhằm vào các phong trào tiến bộ của khu vực, cũng như hoạt động chống phá cách mạng liên quan đến khủng bố và tham nhũng.

Người đứng đầu PCC còn tố cáo “một số chính phủ” trong khu vực đã cố tình phớt lờ Tuyên bố Mỹ Latinh và Caribe là khu vực hòa bình, từng được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của Cộng đồng Mỹ Latinh và Caribe (CELAC). Ông lên án thủ đoạn vu khống và bịa đặt nhằm biện minh cho các biện pháp cưỡng chế chống lại Venezuela, Nicaragua và Cuba, hòng lật đổ chính phủ hợp hiến của các nước này. Đại tướng Castro cũng bày tỏ hy vọng và sự đoàn kết với các nhà lãnh đạo Argentina và Mexico trong nỗ lực “hàn gắn những vết thương của chủ nghĩa tân tự do và khôi phục các tiến trình hội nhập Mỹ Latinh một cách thực sự”. 

Đại tướng Raul Castro phát biểu tại Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba. Ảnh: Granma.

Nhà lãnh đạo PCC cũng nhấn mạnh các mối quan hệ với các nước XHCN châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Triều Tiên đã được củng cố cũng như tình đoàn kết với châu Phi, nơi hàng nghìn chuyên gia y tế Cuba đang hỗ trợ ở khoảng 30 quốc gia. Ông đề cập đến mối quan hệ tốt đẹp với Nga và cho rằng, mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) được phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và có đi có lại. 

Lãnh đạo PCC nhấn mạnh sự ủng hộ của PCC đối với Argentina trong vấn đề liên quan đến quần đảo Malvinas; quyền độc lập của Puerto Rico; yêu sách của người dân Palestine và của các quốc gia vùng Caribe để được đền bù cho những hậu họa của chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân. Bên cạnh đó, Bí thư Thứ nhất Raul Castro Ruz cũng khẳng định Nhà nước Cuba sẽ tiếp tục duy trì quyền kiểm soát đối với các phương tiện sản xuất cơ bản vì đây là nền tảng của chủ nghĩa xã hội mà đảo quốc Caribe này theo đuổi.

Trong phần tổng kết những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua, nhà lãnh đạo cao nhất của PCC thừa nhận tác động tiêu cực từ tình trạng quan liêu và kiểm soát không hiệu quả các nguồn lực, cũng như từ “những vấn đề mang tính cấu trúc của mô hình kinh tế không tạo ra sự khuyến khích lao động và sáng tạo”. Để giải quyết thực trạng này, Đại tướng Raul Castro cho rằng “cần phải củng cố quá trình đầu tư, không có chỗ cho sự cẩu thả và thói tùy tiện, cải thiện hiệu quả của thành phần kinh tế nhà nước trong những lĩnh vực quyết định quá trình phát triển của đất nước, đồng thời linh hoạt hóa và thể chế hóa các hình thức quản lý kinh tế phi quốc doanh”. 

Ông nêu rõ: “Có những giới hạn không thể bỏ qua vì nó sẽ dẫn tới sự hủy hoại chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không thể quên rằng quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất cơ bản là nền tảng của chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Do vậy, yêu cầu quan trọng giờ đây là sự phát triển tích cực của doanh nghiệp nhà nước”. Định hướng cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và chính sách đối với thành phần kinh tế tư nhân được coi là hai yếu tố quyết định đối với cải thiện năng suất và nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế Cuba. Đây là điều mà đông đảo các nhà phân tích và bình luận cho rằng sẽ quyết định sự thành bại của công cuộc “cập nhật mô hình” hay chuyển mình về kinh tế hiện tại của “hòn đảo tự do”.

Đại tướng Raul Castro cũng xác nhận ông sẽ thôi giữ chức lãnh đạo cấp cao nhất của chính đảng duy nhất ở đảo quốc Caribe sau 10 năm tại nhiệm. Ông nhấn mạnh ông “hài lòng khi trao quyền lãnh đạo đất nước cho một nhóm các nhà lãnh đạo đã được chuẩn bị sẵn sàng, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi từ cấp cơ sở cho tới những vị trí cần trách nhiệm cao, những người có cam kết với đạo đức của cuộc Cách mạng, lịch sử và văn hóa của dân tộc, những con người đầy nhiệt huyết và tinh thần chống đế quốc và biết rõ rằng họ là đại diện cho sự kế tiếp của cuộc Cách mạng”. Nhà lãnh đạo PCC chia sẻ thêm: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh, bản chất gương mẫu và sự thấu hiểu của đồng bào tôi và chỉ cần còn sống, tôi sẽ luôn sẵn sàng đứng lên để bảo vệ Tổ quốc, Cách mạng và Chủ nghĩa Xã hội”.

Có thể nói, nếu như Đại hội VI là cột mốc định hướng con đường phát triển của cách mạng Cuba trong thời kỳ mới, Đại hội VII là sự khẳng định hướng đi đó, bắt đầu xây dựng cơ sở pháp lý và cuối cùng, cho dù có muộn hơn dự kiến, đã khởi động “con tàu” chuyển đổi kinh tế - xã hội của Cuba, thì Đại hội VIII lần này sẽ là thời điểm Đảng Cộng sản Cuba xác định tốc độ, trình tự và cường độ của những bước chuyển đổi sắp tới, để giải được bài toán then chốt nhất là nâng cao năng suất lao động hay thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước. 

Rất có thể câu trả lời sẽ phần nào được thể hiện trong những văn kiện được công bố sau Đại hội, đặc biệt là văn kiện cập nhật các chủ trương đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (dự kiến số lượng 274 chủ trương, đường lối được Đại hội VII thông qua sẽ giảm xuống khoảng 200).

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.