Cung không đủ cầu: Australia trong "cơn khát" vaccine

Thứ Năm, 03/06/2021, 17:15
Các bác sĩ tại Melbourne buộc phải từ chối một số lượng lớn người dân địa phương đang tìm kiếm vaccine ngừa COVID-19, thậm chí là cả người bệnh đến từ các cơ sở chăm sóc. Lý do rất đơn giản: Nguồn cung vaccine tại Australia không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Khủng hoảng phòng khám

Đợt bùng phát COVID-19 mới tại bang Victoria, Australia đã khiến nhu cầu tiêm vaccine ở khu vực này tăng lên đột biến. Theo The Guardian, bang này hiện đang ghi nhận số lượng đăng ký tiêm chủng hàng ngày lên đến 20.000 người, so với chỉ khoảng 2.300 mũi tiêu được đăng ký vào cuối tháng 5 vừa qua.  

Nhu cầu của người dân một lần nữa đặt áp lực lên vai đội ngũ bác sĩ đa khoa địa phương, khi nguồn cung vaccine tại các cơ sở y tế gần như bốc hơi ngay lập tức dù vừa tiếp nhận. Một số phòng khám tại bang Victoria đã đưa ra yêu cầu khẩn cấp với chính phủ về việc phân bổ nhiều vaccine hơn, nhưng bị từ chối.

Số lượng vaccine không đáp ứng được các cuộc gọi đăng ký tiêm từ người dân. Ảnh: Getty

Phòng khám Y khoa Inner North ở Brunswick hiện được phân bổ 300 liều vaccine cách tuần. Nhưng bác sĩ Shea Wilcox phụ trách phong khám này cho biết, số vaccine trong hai tuần có thể được dùng hết chỉ trong một ngày. 

Tình trạng cung không đủ cầu đã buộc phòng khám phải từ chối hàng nghìn người dân đang tìm kiếm vaccine kể từ khi dịch bùng phát bắt đầu, trong đó có cả nhóm những người dễ bị tổn thương đang được chăm sóc tại các cơ sở điều dưỡng.

"Sổ đăng ký của chúng tôi dày đặc các bệnh nhân tìm kiếm loại vaccine mà chúng tôi không có đủ. Nguồn cung cấp vaccine vẫn là vấn đề quan trọng với chúng tôi", ông Wilcox chia sẻ với The Guardian. 

Tại phòng khám tư ở Melbourne, bác sĩ Nathan Pinskier cũng gặp tình trạng tương tự, khi phòng khám của ông phải nỗ lực tích trữ những lượng vaccine nhỏ để đề phòng trường hợp bùng phát dịch xảy ra. 

Bác sĩ Jasper Mahon có trụ sở tại Perth chia sẻ, các cuộc gọi từ những người muốn tiêm vaccine tại phòng khám của ông đã tăng từ 20 đến 30% kể từ khi Melbourne giãn cách trở lại. Theo ông, một số bệnh nhân từng do dự tiêm vaccine của AstraZeneca vì nguy cơ đông máu, giờ cũng đã yêu cầu được tiêm loại vaccine này. 

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine tại Melbourne. Ảnh: Getty

Vì đâu nên nỗi?

ABC News dẫn lời giới quan sát nhận định, một phần lý do khiến bang Victoria rơi vào tình trạng khan hiếm vaccine xuất phát từ chính sách đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine ở các thành phố thuộc bang này.

Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, thành phố Melbourne đã 4 lần thực hiện lệnh phong tỏa. Đợt bùng phát dịch lần này tại đây được cho là xuất phát từ việc một du khách trở lại Australia đã nhiễm biến thể Kappa có nguồn gốc từ Ấn Độ. 

Các cơ quan chức năng đã xác định hàng nghìn người tiếp xúc gần và lập danh sách những địa điểm có liên quan tới 60 ca được xác định mắc COVID-19, và cho tới nay số ca mắc đã lên đến 350 ca.

Nhằm kiểm soát dịch bệnh, chính quyền bang Victoria ngày 28/5 chính thức cho phép những người dưới 40 tuổi ở bang này có thể bắt đầu đăng ký để tiêm vaccine. Trước đó, việc đăng ký mới chỉ mở cho những người từ 40 tuổi trở lên và những người làm việc trên tuyến đầu chống dịch và làm việc tại các nhà dưỡng lão.

Người dân bang Victoria cũng đi tiêm chủng nhiều hơn hẳn giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Chỉ tính riêng ngày 27/5, có tới 17.000 người tiêm vaccine. Đường dây nóng đăng ký tiêm vaccine của bang luôn trong tình trạng quá tải.

Bộ Y tế Australia cho biết, cho đến nay, 787.780 liều vaccine ngừa COVID-19 đã được chuyển giao cho chính quyền bang Victoria với 513.375 liều được cung cấp thông qua các phòng khám.

Chính sách vaccine có thể là lý do khiến bang Victoria đối diện tình trạng khan hiếm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters

Dự kiến khoảng 71.370 liều vaccine Pfizer và 101.100 liều vaccine AstraZeneca sẽ được chuyển đến chính quyền bang Victoria trong tuần này. Trong khi đó, khoảng 92.000 liều vaccine AstraZeneca sẽ được chuyển đến các điểm chăm sóc chính ở Victoria vào cuối tuần.

Nhưng trên thực tế, hiện chỉ 2% người Australia đã tiêm chủng đầy đủ. Chưa tới 20% dân số Australia được tiêm một liều vaccine. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ khi vẫn bị kẹt ở nhà trong khi thế giới đã triển khai vaccine được 7 tháng. 

Tiến sĩ Khayyam Altaf, chủ tịch Tổ chức Chăm sóc Người cao tuổi RACGP, nói rằng việc chính phủ phụ thuộc quá nhiều vào các nhà thầu cũng ảnh hưởng tới tiến độ tiêm vaccine. "Việc phụ thuộc quá mức vào nhà cung cấp dịch vụ tiêm chủng tư nhân đã dẫn đến những hạn chế về sự chậm trễ và khả năng sẵn sàng tiêm chủng", ông nói.

An Nhiên
.
.
.