“Cử chỉ hòa bình” của Pakistan chưa đủ để hạ nhiệt căng thẳng

Chủ Nhật, 03/03/2019, 08:54
Tối 1-3 (giờ địa phương), bằng một “cử chỉ hòa bình”, Pakistan đã trao trả cho Ấn Độ phi công bị các lực lượng nước này bắt giữ trong tuần này.

Động thái này được cho là có thể hạ nhiệt tức thời vụ việc vốn làm quốc tế lo ngại trong những ngày qua. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo, xung đột Pakistan và Ấn Độ có thể bùng phát trở lại bất cứ khi nào và Islamabad cũng phải nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố - một trong những nguyên nhân khiến hai nước láng giềng đứng trên bờ vực chiến tranh nhiều lần trong hai thập kỷ qua.

Quan hệ giữa New Delhi và Islamabad xấu đi nhanh chóng kể từ sau vụ đánh bom đẫm máu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14-2 làm ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. 

Sau đó, căng thẳng tiếp tục tăng cao sau khi hai bên có một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau như Ấn Độ không kích trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan vi phạm không phận và buộc các máy bay này phải quay đầu. Đáp lại, không quân Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn rơi 2 máy bay và bắt giữ phi công Varthaman. 

Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lập tức yêu cầu Islamabad đảm bảo an toàn và trao trả viên phi công này. Và mặc dù Pakistan đã đưa ra “cử chỉ hòa bình”, nhưng quân đội Ấn Độ vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao. Động thái này cho thấy căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan chưa thể hạ nhiệt. 

Phát biểu hôm 1-3, Thiếu tướng Quân đội Ấn Độ Surendra Singh Mahal cho biết, quân đội nước này đã được chuẩn bị đầy đủ và đang trong tình trạng sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động khiêu khích nào từ Pakistan. 

Cảnh sát Ấn Độ cũng thắt chặt an ninh trên khắp các bang giáp Pakistan. Cảnh sát đã dựng các hàng rào chắn tại bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ, kiểm tra các phương tiện khi ra vào bang này. Đáp lại, Thủ tướng Pakistan Imran Khan nhấn mạnh, Islamabad sẽ buộc phải đáp trả mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động gây hấn nào của Ấn Độ trong tương lai.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan trong thời gian gần đây đã khiến cơ hội hòa bình cho Nam Á vốn mong manh nay càng trở nên khó đoán định hơn. Nguyên nhân không mới, bắt nguồn từ một vấn đề gây nhức nhối bấy lâu trong quan hệ song phương: tranh chấp chủ quyền tại khu vực Kashmir. Tuy nhiên, vấn đề này lại tiềm ẩn nguy cơ lớn đẩy khu vực đến bờ vực chiến tranh thảm khốc, nếu các bên không kiềm chế mà hành động dựa trên những tính toán sai lầm. 

Có thể nói, Kashmir là vấn đề cốt lõi đối với cả hai và các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp cho tới nay vẫn bế tắc. Ngoài tranh chấp lãnh thổ, yếu tố tôn giáo cũng đóng vai trò nhất định. Pakistan luôn đòi chủ quyền ở Kashmir khi hơn 60% dân số tại bang Jammu và Kashmir bên phần lãnh thổ Ấn Độ là người Hồi giáo. 

Các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở bang này cũng tiến hành các hoạt động vũ trang đòi ly khai, mà New Delhi cho rằng với sự hậu thuẫn của Islamabad. Thực tế này khiến quan hệ Ấn Độ và Pakistan chưa khi nào căng thẳng và hai nước được cho là đã kéo nhau vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân để chứng tỏ sức mạnh quân sự. 

Bạo lực tại khu vực tranh chấp Kashmir tái diễn triền miên, ước tính đã khiến khoảng 70.000 người thiệt mạng trong 30 năm qua. Các vụ đụng độ giữa quân đội hai bên tại đây cũng thường xuyên xảy ra, riêng năm 2017 có tới hơn 820 vụ giao tranh lớn nhỏ dọc LoC, khiến hai nước nhiều khi trong tình trạng “chiến tranh cận kề”.

Hiện trường một máy bay của Không quân Ấn Độ rơi ở Kashmir sáng 27-2. (Ảnh:Tasnim News)

Cả Ấn Độ và Pakistan đều đang ở trên “con dốc trơn”, và nếu họ không ngừng ngay các cuộc không kích cũng như nã pháo vào nhau, rất có thể hai nước láng giềng trang bị vũ khí hạt nhân này sẽ không còn đường lùi. 

Theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, Ấn Độ và Pakistan mỗi bên hiện có khoảng 120-140 đầu đạn hạt nhân. Bởi vậy, xung đột giữa hai bên một khi leo thang sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc. 

Trên thực tế, sau vụ việc, Pakistan đã bày tỏ không muốn căng thẳng với Ấn Độ khi tuyên bố Islamabad “không có cách nào khác” ngoài việc phải đáp trả vụ tấn công của New Delhi, song “đã tránh các mục tiêu quân sự hay gây thương vong cho dân thường trong vụ không kích”. 

Thủ tướng Imran Khan đã đưa ra lời đề nghị hòa đàm với Ấn Độ trong bài phát biểu trước quốc dân. Nhà lãnh đạo này bày tỏ Pakistan mong muốn hòa bình và sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ, kêu gọi New Delhi cùng ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. 

Pakistan cũng tuyên bố trao trả một phi công Ấn Độ bị các lực lượng Pakistan bắt giữ trước đó, như một cách thể hiện thiện chí. Với Ấn Độ, bằng việc nhằm mục tiêu vào một lán trại phiến quân, New Delhi cũng hàm ý họ không muốn tiến xa hơn việc phá hủy các cơ sở hạ tầng khủng bố ở Pakistan.

Lâu nay, Ấn Độ đã phát tín hiệu mạnh về việc yêu cầu Islamabad đóng cửa các tổ chức khủng bố chống Ấn Độ trên đất Pakistan và cũng nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế trong vấn đề đề này.

Đặc biệt, Ấn Độ coi nhóm JeM có căn cứ ở Pakistan là tổ chức khủng bố và New Delhi cũng đang tích cực vận động để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liệt thủ lĩnh sáng lập JeM, Masood Azhar vào “danh sách đen”. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ cũng cần xử lý thỏa đáng hơn nữa vấn đề ly khai ở Kashmir, nơi đa số người dân theo đạo Hồi và một bộ phận thanh niên đang bị cực đoan hóa. 

Về phía Pakistan, nước này rõ ràng cần dứt khoát không cho phép lãnh thổ nước mình bị  lợi dụng cho các hoạt động chống phá Ấn Độ, đồng thời thực hiện cam kết trấn áp các nhóm khủng bố. Pakistan đã phải chịu sức ép quốc tế liên quan vấn đề này, song hiếm khi Islamabad phản ứng tích cực. 

Trước mắt, để làm dịu tình hình, Pakistan có thể thực hiện một số bước đi dù mang tính hình thức, như cấm hoạt động một số nhóm bị coi là khủng bố. Islamabad từng áp dụng biện pháp này hồi năm 2003 khi Mỹ gây sức ép yêu cầu Ấn Độ và Pakistan xuống thang khi bờ vực chiến tranh đang cận kề. Tuy nhiên, hành động thực tế của Islamabad trong tương lai mới là quyết định.

Hiện nay, cánh cửa để hạ nhiệt căng thẳng dù hẹp nhưng đã đến lúc phải tận dụng cơ hội này. Tiếp tục quân sự hóa cuộc xung đột chỉ làm suy yếu khả năng đạt được một giải pháp thông qua đàm phán. 

Tranh chấp và bạo lực ở Kashmir sẽ tiếp tục làm xuất hiện vòng xoáy xung đột mới giữa Ấn Độ và Pakistan, nếu ban lãnh đạo mỗi nước không thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.