Chile hủy đăng cai APEC sẽ đẩy đàm phán Mỹ-Trung vào thế khó?

Thứ Năm, 31/10/2019, 17:02

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tưởng như cuối cùng cũng mở được nút thắt, với việc nhà lãnh đạo hai cường quốc dự kiến sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tháng 11tới để ký kết thỏa thuận sơ bộ, giờ đây lại gặp thế khó khi Tổng thống nước chủ nhà Chile bất ngờ tuyên bố hủy đăng cai APEC và COP25.

Sự rút lui đột ngột

Tổng thống Chile Sebastian Pinera ngày 30-10 (giờ địa phương) tuyên bố nước này sẽ rút khỏi việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 25).

 Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Pinera nhấn mạnh, với tình hình biểu tình kéo dài hơn 10 ngày, Chile nhận thấy nước này không còn phù hợp để tổ chức Hội nghị APEC dự kiến diễn ra trong 2 ngày 16  và 17-11, và COP 25 kéo dài từ ngày 2 đến 13-12 tại thủ đô Santiago; khẳng định việc không thể tổ chức hai sự kiện quan trọng trên là do cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra trong nước. 

Tình trạng bất ổn định đã kéo dài tại Chile suốt hơn một tuần qua. Ảnh: Reuters

“Đây là một quyết định rất khó khăn. Chúng tôi hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của APEC và COP25 với Chile và thế giới nhưng đây là một quyết định hợp lý vào thời điểm này”, ông Pinera nói.

Tuyên bố trên của người đứng đầu Chile được đột ngột đưa ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình đang leo thang mạnh mẽ không chỉ ở thủ độ Santiago mà còn lan rộng ra khắp cả nước, kể từ sau khi chính phủ của ông Pinera quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm.

 Các cuộc biểu tình của người dân diễn ra suốt nhiều ngày và dần biến thành bạo loạn, với việc các phần tử quá khích tiến hành cướp siêu thị, đốt phá công trình công cộng, buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm. 

Mặc dù vậy, theo Reuters, thời gian qua, Chile đã và đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế chủ nhà những năm gần đây và sắp tới, cũng như các thành viên khác để thúc đẩy quá trình chuẩn bị, hướng tới Tuần lễ Cấp cao đánh dấu 30 năm thành lập APEC vào tháng 11 tới. Hôm 24-10 vừa qua, Ngoại trưởng Chile Teodoro Ribera từng khẳng định Hội nghị thượng đỉnh APEC vẫn sẽ diễn ra ở Santiago trong tháng 11.

 Song, cân nhắc tình hình hiện tại, khi mà đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ, Chile buộc phải rút lui.

Mỹ - Trung lúng túng?

Tuyên bố đầy đột ngột từ phía Chile, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa chuỗi sự kiện APEC sẽ diễn ra, đã khiến các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc không khỏi bất ngờ. Nhiều nguồn tin chính phủ từng cho biết, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ có một cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị APEC để ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa hai nước. 

Dư luận quốc tế cũng từng đặt nhiều hi vọng vào cuộc gặp diễn ra bên lề APEC, với dự đoán cuộc chiến thương mại kéo dài suốt hơn 1 năm qua giữa Bắc Kinh và Washington sẽ có cơ hội “hạ nhiệt”. Song việc Chile hủy đăng cai APEC sẽ khiến quá trình lựa chọn địa điểm gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo hai cường quốc trở nên khó khăn, Politico nhận định. 

 Việc Chile tuyên bố hủy đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ khiến các kế hoạch ký kết thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, vốn dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Reuters

Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, Hogan Gidley, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nắm bắt được thông tin này. Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn hy vọng sẽ ký kết được một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những tuần tới theo đúng kế hoạch. 

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng, Mỹ vẫn trông đợi hoàn tất Giai đoạn 1 của “thỏa thuận thương mại lịch sử” với Trung Quốc theo thời gian như dự tính. Phía Mỹ hiện chưa có thông tin về địa điểm thay thế cho nơi đăng cai APEC và cũng đang đợi thông tin từ phía ban tổ chức. 2 nguồn tin thân cận của tờ báo Anh cho biết Alaska và Hawaii có thể là các lựa chọn tiềm năng mà phía Mỹ cân nhắc. 

Cũng theo Reuters, trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định đàm phán song phương sẽ vẫn được tiếp tục theo kế hoạch, và đại diện đàm phán hai nước sẽ điện đàm để thống nhất lại lịch trình trong ngày 1-11. Một nguồn tin Trung Quốc cũng cho biết, nước này nhiều khả năng sẽ đề xuất Macau là địa điểm thay thế.

Các chuyên gia hi vọng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra trước ngày 15-12. Ảnh: AP

Ông Michael Hirson, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của công ty tư vấn Eurasia Group nhận định việc chuyển địa điểm vào phút chót có thể trì hoãn việc ký kết thỏa thuận, nhưng khả năng 2 bên đi tới thỏa thuận vào cuối năm vẫn rơi vào khoảng 70%. “Cả hai nhà lãnh đạo đều có động cơ để tiếp tục đàm phán, tránh leo thang căng thẳng gây rủi ro kinh tế và chính trị”, ông Hirson phân tích. 

Đặt trong bối cảnh giới chức Mỹ và Trung Quốc đã làm việc nhiều tuần để có thể hoàn thành được chi tiết của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, giới quan sát tin rằng Mỹ-Trung sẽ tìm mọi cách để ký thỏa thuận trước ngày 15-12 khi thuế quan mới Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực. 

Trong trường hợp cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo bị trì hoãn và việc ký kết không thể diễn ra trong năm nay, “sự bấp bênh” do thương chiến gây ra sẽ kéo dài hơn, gián tiếp dẫn tới giảm đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chuyên gia kinh tế trưởng Torsten Slok của ngân hàng Deutsche Bank nhận xét.

An Nhiên (T.H)
.
.
.