Cảnh báo gia tăng nguy cơ châu Âu bị tấn công khủng bố

Thứ Hai, 15/08/2016, 08:45
Trong báo cáo được công bố hôm 13-8, Ủy ban Tình báo Quốc hội Italy (Copasir) cảnh báo, việc cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tan rã ở Libya, nguy cơ các phần tử khủng bố thâm nhập vào dòng người di cư để tấn công vào châu Âu ngày càng cao. Trước đó, chỉ huy chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu, Trung tướng Sean MacFarland cũng nhận định rằng, việc IS thất thế ở Trung Đông là nguyên nhân khiến IS có thể chuyển địa bàn hoạt động sang châu Âu và Đông Nam Á.

Người đứng đầu Copasir, ông Giacomo Stucchi cho rằng, việc Sirte, thành trì của IS ở Libya được giải phóng “đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình và nguy cơ các tay súng IS trà trộn vào dòng người di cư trốn sang châu Âu, để rồi từ đó thực hiện các cuộc tấn công khủng bố, là rất cao”.

Theo ông Stucchi, tình hình hiện tại rất nhiều bất trắc, và khả năng lực lượng IS trà trộn vào dòng người di cư từ Libya sang châu Âu là không nhỏ. Điều này tỉ lệ thuận với nguy cơ châu Âu bị tấn công khủng bố.

Theo truyền thông Italy, nước này có nguy cơ bị tấn công cao nhất, do lượng người di cư đổ sang châu Âu qua Italy đã tăng vọt trong 4 tháng gần nhất sau khi thỏa thuận Liên minh châu Âu (EU) - Thổ Nhĩ Kì có hiệu lực và tuyến đường Balkan bị chặn lại khiến bọn buôn người quay lại sử dụng tuyến đường Địa Trung Hải truyền thống để đưa người sang châu Âu.

Những cuộc tấn công liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây tại Brussels (Bỉ), Nice (Pháp) và một số thành phố của Đức lại càng khiến người ta chú ý hơn tới những lời kêu gọi của IS tiến hành các vụ tấn công vào châu Âu.

Tuy rằng, mức độ thương vong trong các cuộc tấn công này không nhiều bằng các vụ khủng bố xảy ra tại Trung Đông, nhưng mức độ ảnh hưởng tâm lý thì rất lớn, bởi châu Âu từ lâu vốn được coi là khu vực yên bình nhất trên thế giới.

Mặc dù các cuộc tấn công này không phải tất cả đều được IS chính thức thừa nhận tiến hành, nhưng tất cả dấu vết và phương pháp cho thấy chúng gắn liền với IS. IS đã tự vẽ ra “một cuộc chiến tranh của phương Tây chống lại đạo Hồi” và liên minh quốc tế bao gồm nhiều quốc gia châu Âu đang bắt đầu một “cuộc thập tự chinh mới chống lại người Hồi giáo”.

IS là nguồn gốc tội ác của chủ nghĩa khủng bố.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là các cuộc tấn công gần đây do những kẻ cực đoan chưa bao giờ đến Syria tiến hành, ví dụ như kẻ gây ra vụ thảm sát ở Nice ngày 14-7 vừa qua. Nguyên nhân một phần là từ các hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ của IS và các tổ chức khủng bố khác.

Ngoài châu Âu, Đông Nam Á cũng đang được nhắm tới là điểm phát triển cơ sở mới của IS. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi hồi tuần trước cho hay, khoảng 300 tay chân của Abu Bakar Bashir – cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali năm 2002, mới được ra tù đã đến Batam, đảo Riau của Indonesia và chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại đây.

Về nguyên nhân IS đang vươn sang Đông Nam Á, Cố vấn của lực lượng Cảnh sát hoàng gia Malaysia về các đối tượng nghi khủng bố, ông Ehmad El-Muhammady nhận định rằng, lãnh thổ do IS nắm quyền kiểm soát đang dần co hẹp lại, điều đó đã gây ra tác động về tâm lý đối với tổ chức này.

Do đó, IS có thể mở rộng vùng xung đột thứ 2 sang các nước láng giềng tại Trung Đông hoặc sang vùng xung đột thứ 3 tại các nước Đông Nam Á. Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Đông Nam Á đã phải chứng kiến nhiều vụ tấn công do các phần tử IS tiến hành trong thời gian gần đây.

Dù thế nào, IS hiện là nguồn gốc tội ác của chủ nghĩa khủng bố và việc quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại là tiêu diệt IS càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý rằng, IS không phải là một tổ chức cực đoan đơn giản, mà đã kiểm soát một vùng rộng lớn, thiết lập một sự quản lý chính trị thực sự đối với dân nơi đó, đồng thời còn thiết lập hệ thống tài chính, tham gia các công việc như dân sinh, giáo dục, dường như đã trở thành một “nhà nước độc lập”.

 Do đó, việc loại bỏ IS không thể chỉ dựa vào sự không kích của các nước phương Tây. Các nước phương Tây phải hợp tác chặt chẽ với các nước Arab, có sự hỗ trợ đầy đủ cho các chiến binh Arab để đẩy nhanh quá trình tiêu diệt IS. Nhiều nhà phân tích cho rằng, ngày IS bị hủy diệt đang đến gần, trong tình hình này cần ráo riết truy đuổi IS nhiều hơn.

Trên cơ sở tiêu diệt IS bằng biện pháp quân sự, các nước phương Tây cần nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải chính trị tại các nước như Syria và Iraq để thiết lập một xã hội hòa bình và an ninh ở các nước này. Điều này không chỉ giúp làm giảm mối lo của các nước này mà còn có lợi cho lợi ích an ninh của phương Tây.

Ngoài ra, cộng đồng Hồi giáo cũng cần phải suy nghĩ về cách hợp tác như thế nào với các thành viên khác của xã hội, làm cho các phần tử cực đoan xuất hiện từ trong nội bộ không có cơ hội để lợi dụng.

Người Hồi giáo nói chung không nên để những kẻ cực đoan khống chế, mà nên can đảm đứng lên để chỉ trích sự bóp méo của họ đối với tôn giáo, quyết không thể sợ hãi mà ngầm thừa nhận chủ nghĩa cực đoan, để mặc nó thay thế giáo lý chân chính...

Khổng Hà
.
.
.