Cần thêm nguồn lực cho cuộc chiến chống COVID-19

Thứ Bảy, 05/06/2021, 07:36
Tài chính và vaccine là những gì mà các quốc gia đang phát triển rất cần cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố chung gửi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hôm 3/6 (giờ địa phương), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả mọi người trên thế giới được tiếp cận vaccine, trong đó có người dân ở những quốc gia đang phát triển.

Theo hai quan chức này, việc người dân trên toàn cầu được tiếp cận vaccine mang lại hy vọng tốt nhất để chấm dứt đại dịch, cứu sống nhiều người và đảm bảo phục hồi kinh tế trên diện rộng.

Hai nhà lãnh đạo nêu rõ cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), WB và IMF đã kêu gọi tài trợ quốc tế tổng cộng 50 tỷ USD nhằm đạt được sự tiếp cận vaccine công bằng hơn và nhờ đó chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới.

Ông David Malpass và bà Kristalina Georgieva cho biết WB và IMF đã kêu gọi các nước G7 dự tính nguồn cung dư thừa vaccine ngừa COVID-19 để chia sẻ một cách minh bạch với các nước đang phát triển càng sớm càng tốt, đồng thời các nước đang phát triển cần nhanh chóng đưa ra các kế hoạch mua và phân phối vaccine phù hợp cũng như nỗ lực tuyên truyền về tầm quan trọng của vaccine trong phòng, chống dịch bệnh.

Hai nhà lãnh đạo hối thúc các nhà sản xuất vaccine ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất vaccine, tăng cường khả năng tiếp cận cho các nước đang phát triển, đồng thời nêu rõ WB và IMF sẽ hoạt động tích cực để khuyến khích và hỗ trợ khả năng tiếp cận nhiều hơn. IMF cho rằng việc đẩy nhanh công tác tiêm chủng sẽ giúp thúc đẩy nối lại hoạt động kinh tế nhanh hơn, theo đó đến năm 2025 có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới khoảng 9.000 tỷ USD.

Trong một cuộc họp báo gần đây, Tổng Giám đốc IMF Georgieva cho rằng 60% trong số 9.000 tỷ USD này sẽ được đưa vào các thị trường mới nổi ở các nước đang phát triển và 40% còn lại dành cho các nền kinh tế phát triển.

Với sự “phân biệt” về vaccine và những hạn chế của các nước đang phát triển, việc ngăn chặn và phục hồi sau đại dịch không đồng đều đã và đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trước đây, gây thêm hậu quả cho các quốc gia và người dân nghèo.

Nỗ lực ứng phó với dịch bệnh của chính phủ đã bị hạn chế nhiều bởi chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là khả năng tiếp cận tài chính. Các chính sách tiền tệ “bất thường” kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đặc biệt là tỷ lệ lãi suất thấp, đã phát huy tác dụng.

Do đó, các nước có thu nhập cao (HIC) đã vay và chi nhiều hơn cho việc cứu trợ và phục hồi. Trong khi các nước giàu có thể vay và chi tiêu ồ ạt thì các nước đang phát triển lại có khả năng tài khóa rất hạn chế do khả năng vay ngày càng giảm.

Tổng Giám đốc Kristalina Georgieva (trái) và Chủ tịch David Malpass tại một cuộc họp báo chung về dịch COVID-19.

Thông thường với đánh giá xếp hạng tín nhiệm kém hơn, các nước đang phát triển thường phải đối mặt với lãi suất vay nước ngoài cao hơn nhiều. 

Gánh nặng nợ nước ngoài của họ đã cao hơn tương đối trước đại dịch. Tất cả những điều này đã hạn chế những nước này áp dụng những nỗ lực ứng phó với dịch bệnh mạnh mẽ hơn.

Các nước phát triển chiếm gần 80% tổng quy mô các biện pháp tài khóa được triển khai để ứng phó với COVID-19 trên toàn thế giới. Các nước kém phát triển nhất chỉ có thể tăng chi tiêu chính phủ trung bình 2,6%. Đối mặt với những khó khăn về tài chính, nhiều nước thu nhập thấp thậm chí đã cắt giảm chi tiêu.

Tổng nguồn lực chảy sang các nước đang phát triển đã giảm do viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều giảm. FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm 12% vào năm 2020.

Nguyên nhân là vì các nước tài trợ DAC ưu tiên tài chính cho nỗ lực phản ứng quốc gia đối với COVID-19 hơn so với viện trợ quốc tế. Sự hỗ trợ của quốc tế dành cho các nước đang phát triển vào thời điểm rất cần thiết này lại đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Mặc dù thừa nhận rằng “tạm ngừng thanh toán nợ là một biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả nhanh chóng và có thể mang lại lợi ích thực sự cho người dân ở các nước nghèo”, WB đã không cho phép xóa bỏ các khoản nợ. 

WB tuyên bố rằng việc này sẽ tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm, làm giảm khả năng vay vốn với lãi suất thấp của các nước thu nhập trung bình và các nước thu nhập thấp theo các điều khoản ưu đãi.

Từ tháng 4/2020, Quỹ Ủy thác Cứu trợ và Ngăn chặn Thảm họa của IMF đã cung cấp các khoản vay khoảng 500 triệu USD, tương đương 0,2% GDP cho 28 quốc gia có thu nhập thấp mắc nợ nhiều, những thành viên nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chỉ đơn thuần là trì hoãn việc trả nợ. Tiền lãi tiếp tục được tích lũy để trả dần sau này. Bất chấp hai lần gia hạn, sự thiếu nhiệt tình của các nước đi vay theo cơ chế DSSI hầu như không có gì đáng ngạc nhiên.

Do các chủ nợ tư nhân không tham gia, DSSI chỉ tính đến 2% tổng số nợ phải trả vào năm 2020. Với sự hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, 650 tỷ USD trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới của IMF sẽ được phê duyệt vào tháng 8/2021. Nhưng con số này chỉ tương đương 50% con số mà Thời báo Tài chính cho là cần thiết, vào khoảng 1.370 tỷ USD.

Việc phân bổ SDR tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn và quyền biểu quyết của các quốc gia, chủ yếu mang lại lợi ích cho các nước phát triển, đặc biệt là các nước châu Âu. Phân bổ cho G7 lên tới 272 tỷ USD, trong đó châu Phi chỉ nhận được 33,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các SDR mới sẽ cung cấp một nguồn cứu trợ đáng hoan nghênh cho nhiều quốc gia.

Các nước phát triển không cần sử dụng SDR mới của họ nên họ chuyển các khoản phân bổ mới cho 15 tổ chức tài chính đa phương “đủ điều kiện,” bao gồm IMF, WB và các ngân hàng phát triển khu vực. Những khoản tài chính này nên được sử dụng để cung cấp khoản vay với điều kiện ưu đãi cho các nước đang phát triển.

Trước tình trạng trên, nhà kinh tế học Jeffrey Sachs, Giáo sư về phát triển bền vững tại Đại học Columbia, đã kêu gọi tái cấp vốn lớn cho ngân hàng phát triển đa phương để tăng gấp 10 lần nguồn vốn chính thức cho các nước nghèo, “tái sử dụng” ít nhất 100 tỷ USD trong các khoản SDR của các nước phát triển.

Hầu hết chính phủ các nước đang phát triển đã mắc nợ rất nhiều trước đại dịch. Việc thanh toán nợ là rất cần thiết song họ cũng cần có nguồn tài chính để phát triển dài hạn. Mặc dù các nước thu nhập trung bình có thể có nhiều lựa chọn vay hơn, nhưng việc cho phép họ giảm thiểu gánh nặng nợ chính phủ trong quá khứ, trong nước hay nước ngoài, là cấp thiết.

Cộng đồng tài chính và truyền thông thường xuyên cảnh báo rằng xếp hạng tín dụng của họ sẽ bị ảnh hưởng bất lợi nếu họ vay nhiều hơn. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của WB đã kêu gọi các quốc gia vay nợ để chống lại tác động kinh tế của đại dịch. Việc gia tăng các khoản nợ xấu và sự yếu kém về tài chính sẽ làm chậm các nỗ lực phục hồi.

Thay vào đó, chuyên gia Carmen Reinhart nhấn mạnh sự cần thiết phải “tái cấu trúc nhanh chóng và xóa bỏ các khoản nợ xấu”. Tuy nhiên, không có cách tiếp cận theo kiểu "một quy mô phù hợp với tất cả" để cung cấp tài chính cho mọi nỗ lực ngăn chặn đại dịch và mở rộng kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, điều kiện tài chính của các nước nghèo đang trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch kéo dài hơn nhiều so với dự kiến.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.