Cách tốt nhất để chấm dứt chiến tranh là biến thù thành bạn

Chủ Nhật, 27/06/2021, 08:20
Đó là tuyên bố của Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani đưa ra hôm 25/6 (giờ địa phương) sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Tổng thống Ashraf Ghani hiện đang có chuyến thăm Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho tiến trình hòa bình Afghanistan, trong bối cảnh binh sỹ Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ rút quân sau 20 năm tham chiến.


Tại cuộc gặp ở Phòng Bầu dục, người đứng đầu Nhà Trắng đã gọi người đồng cấp Afghanistan và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah là “2 người bạn cũ” và nhấn mạnh: “Những người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của chính họ, những gì mà họ mong muốn… Bạo lực mù quáng phải chấm dứt”.

Ông tuyên bố, sự hỗ trợ của Mỹ cho Afghanistan sẽ không dừng lại mà được duy trì. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nêu rõ, Tổng thống Joe Biden sẽ không dừng lộ trình rút quân (có thể hoàn tất vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8) và sẽ không thông qua bất kỳ gói hỗ trợ quân sự nào cho chính phủ Afghanistan, ngoài hỗ trợ tư vấn, tình báo và bảo dưỡng máy bay.

Nhiều nghị sỹ Mỹ và chuyên gia bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng, Taliban, nếu trở lại nắm quyền, sẽ đảo ngược các tiến bộ đạt được về quyền của phụ nữ, trẻ em gái. Về phần mình, Tổng thống Ashraf Ghani nêu rõ, ông tôn trọng quyết định của người đồng cấp Biden và mối quan hệ đối tác giữa Afghanistan và Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới. Kabul và Washington quyết tâm tạo lập khối thống nhất và đoàn kết.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (giữa) và người đồng cấp Joe Biden. Ảnh: Reuters

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Afghanistan cho rằng, quyết định rút quân của Mỹ là quyết định mang tính chủ quyền và nhiệm vụ của Kabul là “quản lý những hậu quả”. Cũng theo ông, Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan sẽ tiếp tục hoạt động, đồng thời công tác hỗ trợ an ninh sẽ tiếp diễn và trong một số trường hợp, sẽ được đưa vào kế hoạch tăng cường.

Theo dự kiến, Mỹ sẽ rút hoàn toàn binh lính ra khỏi quốc gia Nam Á này vào tháng 9 tới theo một thỏa thuận được đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và lực lượng Taliban mang tên “Thỏa thuận Chấm dứt Chiếm đóng”. Theo nhà nghiên cứu Oved Lobel thuộc Hội đồng Australia/Israel và các vấn đề Do Thái, không giống như Mỹ, lực lượng Taliban chưa bao giờ thay đổi lập trường. Kể từ năm 2001, mọi tuyên bố và qua cuộc phỏng vấn, từ cấp lãnh đạo đến cấp quan chức, lực lượng này luôn tái khẳng định mục tiêu duy nhất là thánh chiến để tái thiết lập Tiểu vương quốc Hồi giáo thần quyền, tàn bạo của lực lượng này ở Afghanistan.

Cho đến thời điểm hiện tại, sự hiện diện của quân đội phương Tây là nhằm đảm bảo lực lượng Taliban không thể thực hiện được mục tiêu đó, nhưng việc Mỹ rút quân sẽ dẫn đến sự giải thể nhanh chóng của chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan hiện tại. Các vụ thảm sát và dòng người tị nạn quy mô lớn và tình trạng bất ổn sẽ là những hậu quả kèm theo khác vốn không thể tránh khỏi nếu lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước.

Ngoài những hậu quả khủng khiếp đó, còn có một hệ quả tiêu cực tiềm ẩn khác, đó là sự trỗi dậy của lực lượng Al-Qaeda và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tỉnh Khorasan (ISKP) ở Afghanistan. Lực lượng Al-Qaeda đã gián tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban, tham vấn cho Taliban ở mọi giai đoạn về cách thức tiến hành. Hai nhóm này gắn bó chặt chẽ với nhau, với Al-Qaeda hoạt động dưới quyền và trung thành với Taliban. Hậu quả không thể tránh khỏi của việc tái lập tiểu vương quốc là một tổ chức khủng bố như Al-Qaeda sẽ được trao quyền lực to lớn.

Về phía ISKP, nhóm này cũng đang đặt cược vào việc Taliban sẽ nhanh chóng tiếp quản Afghanistan và giải phóng tất cả các tay súng, cho dù là thành viên hay không, qua đó tận dụng sự hỗn loạn để khuếch đại các cuộc tấn công của ISKP. ISKP có sự hỗ trợ cực kỳ mạnh mẽ từ các “chân rết” ở Kabul và có thể trên khắp đất nước, đặc biệt là trong số những người Tajik tầng lớp trung lưu. ISKP cũng duy trì hàng chục nhánh nhỏ ở một số thành phố lớn, mỗi nhánh đều có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tinh vi và tàn khốc bất chấp sức ép nghiêm trọng của Mỹ, Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan. Một khi Mỹ rút lui hoàn toàn, ISKP sẽ nhanh chóng tái lập trong cuộc nội chiến hỗn loạn và có thể áp đảo ngay cả tiểu vương quốc của Taliban. Điều đó không chỉ là thảm họa đối với Afghanistan và khu vực mà còn đối với cả phương Tây, bao gồm cả Australia.

Do đó, theo ông Oved Lobel, đã đến lúc Mỹ và các đồng minh cần phải làm rõ về hậu quả của việc rút quân khỏi Afghanistan và cần thẳng thắn đánh giá liệu họ có thể quản lý được tình hình tại Afghanistan mà không cần đến quân đội hoặc các đại diện ở Afghanistan, thậm chí ở khu vực, hay không? Điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng việc lực lượng Taliban sẽ tiếp quản Afghanistan sau khi phương Tây rút quân là không thể tránh khỏi và sẽ dẫn đến những vụ thảm sát kinh hoàng, gây ra những dòng người tị nạn gây mất ổn định và chấm dứt nhiều quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ ở Afghanistan.

Ngoài ra, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng đáng kể những mối đe dọa khủng bố. Trong bối cảnh tình hình Afghanistan sẽ tái hiện như thời kỳ những năm 1990, quốc gia này sẽ sớm chứng kiến tình trạng xung đột sắc tộc và bộ tộc và các thủ lĩnh quân sự sẽ đạt các thỏa thuận thiếu thận trọng với Taliban.

Trong khi đó, Pakistan, Iran, Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả các quốc gia có lợi ích đối địch với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, cuối cùng là những bên quyết định kết quả. Tất cả những vấn đề đó sẽ sớm tác động đến phương Tây và sẽ có thể là lý do buộc phương Tây tái can dự vào Afghanistan một lần nữa trong khoảng 10 năm tới. Những vấn đề này lại có thể được quản lý dễ dàng bằng việc duy trì một lực lượng binh sỹ quy mô nhỏ ở Afghanistan (thay vì rút toàn bộ).

Khổng Hà
.
.
.