Bulgaria với sứ mệnh Chủ tịch luân phiên EU

Thứ Sáu, 05/01/2018, 11:06
Sau 10 năm gia nhập, bắt đầu từ ngày 1-1-2018, Bulgaria chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên kéo dài 6 tháng của Liên minh châu Âu (EU).

Sofia chọn khẩu hiệu “Đoàn kết tạo nên sức mạnh” và đặt ra ưu tiên 4 lĩnh vực then chốt cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình, gồm: Tương lai của EU và giới trẻ, khu vực Tây Balkan, an ninh và ổn định cũng như nền kinh tế số.

Bulgaria – thành viên trẻ nhất của EU

Là một trong những quốc gia thành viên trẻ nhất của Liên minh châu Âu, Bulgaria tự hào có một nền văn hoá đa dạng, khí hậu ôn hòa và vị trí lý tưởng ở Đông Nam Âu. 

Về phía Bắc, Bulgaria giáp với Romania, về phía Tây giáp với Serbia và Cộng hòa Macedonia, về phía Nam giáp với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về phía Nam và giáp với biển Đen về phía Đông. 

Trong quá khứ, đế quốc Bulgaria thứ nhất hùng mạnh đã từng mở rộng lãnh thổ ra khắp vùng Balkan và có những ảnh hưởng văn hóa của họ ra khắp các cộng đồng người Slav tại khu vực này. Vài thế kỉ sau đó, với sự sụp đổ của Đế quốc Bulgaria thứ hai, đất nước này bị Đế quốc Ottoman đô hộ trong gần 5 thế kỉ sau đó. 

Năm 1878, Bulgaria trở thành một nước quân chủ lập hiến tự trị nằm trong Đế quốc Ottoman. Sau Thế chiến II (1939-1945), một chính phủ được Liên Xô ủng hộ đã được lập ở Bulgaria. 

Chính quyền Bulgaria đã cải cách dân chủ năm 1989. Một năm sau, Bulgaria đã tổ chức tổng tuyển cử nhiều đảng phái và đã đổi tên từ Cộng hòa Nhân dân Bulgaria thành Cộng hòa Bulgaria.

Về kinh tế, Bulgaria là quốc gia có thu nhập trung bình, quy mô kinh tế trung bình, có nền nông và công nghiệp hiện đại. Sau khi Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) sụp đổ đầu thập niên 1990, kinh tế Bulgaria suy thoái nghiêm trọng. 

Thêm vào đó, sự trừng phạt về kinh tế của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Serbia (từ năm 1992-1995) và Iraq đã đánh mạnh vào nền kinh tế của Bulgaria. Mức sống của người dân giảm khoảng 40%, và chỉ phục hồi được trở lại mức sống thời kỳ trước năm 1989 vào năm 2004. 

Tín hiệu đầu tiên cho sự phục hồi kinh tế của Bulgaria được nhận thấy khi GDP đạt mức tăng trưởng 1,4% trong năm 1994, đây là lần tăng trưởng đầu tiên kể từ năm 1988, năm 1995 đạt 2,5%. Tỉ lệ lạm phát từ mức 122% vào năm 1994 xuống còn 32,9% vào năm 1995. 

Tuy nhiên trong năm 1996, nền kinh tế lại suy sụp do sự sắp xếp lại nền kinh tế một cách chậm chạp và thiếu quản lý của đảng BSP dẫn đến tỉ lệ lạm phát tới 311% và sự mất giá đồng lev của Bulgaria. 

Sau đó, việc sắp xếp lại về kinh tế một cách chuyên nghiệp hơn cùng với sự trợ giúp của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Bulgaria đã bắt đầu ổn định. Trong năm 2007, nền kinh tế tăng trưởng trên 5% và tỉ lệ lạm phát thấp.

Năm 1995, Bulgaria trở thành thành viên của LHQ và đồng thời là một thành viên sáng lập của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Quốc gia Đông Nam Âu này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 29-3-2004 và đã ký kết Hiệp ước gia nhập EU ngày 25-4-2005. Sau đó trở thành thành viên đầy đủ của EU ngày 1-1-2007 và được bầu 17 thành viên vào trong Nghị viện châu Âu (EP).

Thủ tướng Bulgaria Borissov (trái) và Chủ tịch EC Donald Tusk.

Cơ hội vàng và những thách thức

Việc đảm nhận Chủ tịch luân phiên EU được đánh giá là một “cơ hội vàng” dành cho Bulgaria để Sofia có thể cải thiện hình ảnh đất nước. 

Kể từ khi gia nhập EU năm 2007 tới nay, Bulgaria vẫn đang nỗ lực thuyết phục EU rằng, quốc gia này xứng đáng được hội nhập vào Khối tự do đi lại Schengen và trong dài hạn là Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). 

Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa cơ hội này, ngoài 4 lĩnh vực then chốt được ưu tiên, Bulgaria còn phải hóa giải những vấn đề gai góc mà EU đang phải đối mặt, như ngân sách EU sau năm 2020, kế hoạch cải tổ Eurozone chưa thể thúc đẩy do chưa thành lập được chính phủ mới tại Đức, tăng cường hợp tác về quốc phòng, yêu cầu về cải cách các thể chế châu Âu hậu Brexit (Anh rời khỏi EU) cũng như quá trình hướng tới thị trường số chung của châu Âu. 

Bên cạnh đó, sự thay đổi theo chiều hướng xấu của môi trường chính trị châu Âu với sự trỗi dậy của phe cánh hữu và dân túy cũng đặt ra thách thức không hề nhỏ đối với Bulgaria, nếu quốc gia này muốn hướng tới tạo sự ổn định cho châu lục trong nhiệm kỳ của mình.

Trong khi đó, theo giới quan sát, khẩu hiệu mà Bulgaria chọn cho nhiệm kỳ Chủ tịch lần này sẽ dễ nói ra hơn là thực hiện, đặc biệt là vào những tháng tới, khi EU đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên trước nhiều vấn đề như chính sách nhập cư, vấn đề cải cách pháp của Ba Lan và tiến trình Brexit. 

Về cải cách chính sách nhập cư, theo dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiếp tục thảo luận về hạn ngạch người tị nạn vào tháng 3 sắp tới và đưa ra quyết định vào tháng 6. 

EC không loại trừ việc chấp thuận theo đa số liên quan tới các quyết định về vấn đề này, thay vì cần có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên. Điều này sẽ khiến Bulgaria rơi vào thế khó khi phải thu xếp giữa các “ông lớn châu Âu” ở phía Tây và đối với các nước hàng xóm ở phía Đông. 

Liên quan tới vấn đề Brexit, trong tháng 1 này, Hội đồng Các vấn đề chung do Bulgaria làm Chủ tịch sẽ có nhiệm vụ thông qua hướng dẫn bổ sung cho giai đoạn đàm phán thứ hai giữa Anh và EU. 

Tiếp đó, vào tháng 3, một hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức với nhiệm vụ phê duyệt các hướng dẫn mới về đàm phán. Vấn đề tiếp theo mà Bulgaria phải “đau đầu” chính là Ba Lan. 

Trong vòng 2 năm qua, Chính phủ Ba Lan đã thông qua 13 đạo luật mà theo EU là “tạo ra tình thế giúp Chính phủ có thể can thiệp một cách có hệ thống về mặt chính trị đối với thành phần, quyền hạn và chức năng” của giới tư pháp. Do đó, EU quyết định trừng phạt Ba Lan, kích hoạt Điều 7 của Hiệp ước Lisbon khiến nước này có thể mất quyền bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu.

Nhà quan sát chính trị châu Âu Vladimir Dobrovolsky chỉ ra rằng, vào thời điểm hiện tại, khi những vấn đề nội bộ của EU đang rơi vào trạng thái hỗn độn thì một quốc gia như Bulgaria đứng lên làm Chủ tịch đẩy quốc gia này vào thế khó. 

Tuy nhiên, với tinh thần hòa giải, Chính phủ Bulgaria được kỳ vọng sẽ có thể giúp EU hóa giải được nhiều vấn đề gai góc mà khối này đang phải đối mặt.

Đặng Hà (tổng hợp)
.
.
.