Biển Đông trở thành tâm điểm của Đối thoại an ninh Shangri-La

Thứ Năm, 02/06/2016, 08:17
Đến hẹn lại lên, Đối thoại an ninh Shangri-La (từ ngày 3 đến 5-6) một lần nữa lại là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế khi mà giới chức tham dự tại đây đã nhất trí về việc bàn thảo vấn đề Biển Đông cũng như bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo trong khu vực này.

Theo tin từ tờ Strait Times, Đối thoại an ninh Shangri-La lần này sẽ quy tụ hàng trăm quan chức, chuyên gia an ninh, quốc phòng đến từ hơn 30 quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tính đến chiều 1-6, đã có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định tham dự, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore…

Phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị lần này cũng được đánh giá là hùng hậu khi trưởng đoàn tiếp tục là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc.

Cũng theo tờ báo này thì do diễn ra vào giữa lúc Trung Quốc tăng cường bồi lấn và quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông cũng như việc tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc nên vấn đề chủ quyền biển đảo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là vấn đề Biển Đông sẽ làm chủ diễn đàn.

TS Tim Huxley, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại an ninh Shangri-la khẳng định, tình hình Biển Đông sẽ là chủ đề nóng nhất tại diễn đàn lần này. Ông Tim Huxley nói: “Cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các thực thể nước này chiếm phi pháp ở Biển Đông. Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều phản đối mạnh mẽ những hoạt động này. Mỹ cùng đồng minh và các đối tác an ninh trong khu vực cũng vậy”.

An ninh được thắt chặt tại nơi diễn ra Đối thoại an ninh Shangri-La. Ảnh: stripes

Cũng theo lời của Giám đốc điều hành khu vực châu Á IISS thì bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến vào ngày 4-6 và bài phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc với chủ đề “Những lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc” vào ngày 5-6 có thể sẽ thổi bùng thêm những tranh cãi xung quanh vấn đề Biển Đông.

Hôm 31-5, ông Ashton Carter đã khởi hành chuyến đi bằng việc thăm một số địa điểm quân sự trong khu vực này và cùng với hai lãnh đạo quân sự cao cấp của Mỹ là Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân, và Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương tham dự Shangri – La.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố rằng, việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông đe dọa thịnh vượng khu vực và hành động này có thể dựng lên “Vạn lý trường thành của sự tự cô lập”.

Được biết, ngoài vấn đề Biển Đông, Đối thoại an ninh Shangri-la năm nay cũng sẽ dành một thời lượng kha khá để bàn về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang gia tăng ở khu vực, nạn buôn lậu, cướp biển và an ninh mạng.

Được tổ chức từ năm 2002, Đối thoại an ninh Shangri-La được dùng để nuôi dưỡng ý thức cộng đồng trong các hoạch định chính sách quan trọng nhất về quốc phòng và an ninh trong khu vực. Các đoàn đại biểu Chính phủ đã tận dụng tốt nhất các hội nghị bằng cách tổ chức những cuộc họp song phương với các đoàn đại biểu khác bên lề hội nghị.

Dù chủ yếu là một hội nghị liên chính phủ, Đối thoại an ninh Shangri-La cũng có sự tham dự của các nhà lập pháp, các chuyên gia khoa học, nhà báo và các đại biểu kinh doanh.

Đánh giá về môi trường an ninh khu vực một năm qua, TS Tim Huxley cho rằng tình hình Đông Nam Á và cả Đông Bắc Á có những diễn biến căng thẳng hơn. Nhưng do nhận thức rõ về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ song phương, nên tại diễn đàn lần này, cả Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ cố gắng kiềm chế giống như họ từng thể hiện năm 2015.

Song điều này cũng không làm giảm bớt sức nóng của những tranh cãi về các hoạt động trên biển, nhất là xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang thực hiện. Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc đã công bố một báo cáo cho thấy, Bắc Kinh đã bổ sung 1.300 ha đất tại 7 bãi đá chiếm giữ trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước đó, từ cuối năm 2015, hải quân Mỹ cũng đã triển khai hàng loạt đợt tuần tra tự do hàng hải nhằm thể hiện lợi ích của Washington trong việc duy trì tự do đi lại trên không, trên biển ở khu vực. Mới đây nhất, vào hôm 31-5, trang tin cogitASIA thuộc Chương trình châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, đã đăng bài của GS John McManus  chuyên về sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami (Mỹ) với nhan đề "Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo như thế nào”.

Trong bài viết, tác giả đã phân tích làm rõ cách Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô xinh đẹp tại Biển Đông. 

Theo bài viết, các hoạt động nạo vét ở Biển Đông không chỉ đe dọa làm tuyệt chủng nhiều loài sinh vật biển mà còn vi phạm các cam kết của các nước trong khu vực về việc bảo tồn đa dạng sinh học quy định tại Công ước về dạng sinh học và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, hoạt động nạo vét và bơm hút cũng làm nhiễu loạn đáy biển, có thể tạo ra các dòng cát chảy, có thể gây ra hiện tượng rò rỉ từ các khu vực đã được bồi đắp, do đó có thể tạo ra những đám mây phù sa lớn bao phủ và làm tổn thương các rạn san hô trên đường chúng đi qua…

Đề cập tình hình Biển Đông hiện nay, TS Carla Freeman, Giám đốc Viện Chính sách Đối Ngoại (Mỹ), cho rằng các quốc gia ASEAN cần phải nỗ lực và đoàn kết nhiều hơn để cùng Trung Quốc tìm giải pháp.

Phan Hiển
.
.
.