Bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Thế cuộc xoay vần

Thứ Sáu, 07/11/2014, 09:12
Với việc giành được 53/100 ghế tại Thượng viện và với số ghế áp đảo 243/435 tại Hạ viện, đảng Cộng hòa đã đánh bại hoàn toàn đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Omaba để giành quyền kiểm soát lưỡng viện của Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất lịch sử nước này.

Chiến thắng này của đảng Cộng hòa được nhận xét là không chỉ làm thay đổi cán cân quyền lực ở Washington, mà còn tác động mạnh tới chính trường Mỹ trong những năm tới. Ông Obama được dự đoán là sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trên con đường chính trị trong hai năm cuối nhiệm kỳ II của mình khi phải đối mặt với Quốc hội Mỹ thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa và sẽ rất chật vật nếu muốn đưa ra bất cứ quyết sách hay bổ nhiệm nhân sự.

Mất quyền kiểm soát lưỡng viện, ông Obama sẽ “trắng tay”?

Việc đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát lưỡng viện nhiều khả năng sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng “đấu đá” giữa đảng này với đảng Dân chủ, vốn đã đẩy Quốc hội Mỹ vào trạng thái “tê liệt” trong những năm gần đây dưới sự cầm quyền của ông Obama, và gây ra sự bất mãn sâu sắc trong các cử tri, điều mà theo một số nhà phân tích, đã được phản ánh rõ khi lực lượng cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu thấp hơn nhiều so với các kỳ bầu cử trước, mặc dù đêm trước khi cử tri cầm lá phiếu, ông Obama đã lên tiếng hối thúc cử tri của đảng này “đừng ở nhà và đừng để ai lựa chọn tương lai của bạn”.

Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được soạn thảo năm 1787, nhằm mục đích hạn chế bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào nắm trong tay quá nhiều quyền kiểm soát đất nước, theo đó, các nguyên tắc chính trị trong Hiến pháp đã xây dựng một chính phủ mà quyền lực được chia đều cho 3 nhánh (Tổng thống, Thượng viện và Hạ viện - PV). Mỗi nhánh mặc dù mang những trọng trách khác nhau nhưng đều có khả năng hạn chế quyền lực của các nhóm còn lại thông qua một hệ thống kiểm soát và cân bằng phức tạp. Và Quốc hội chính là nơi quyết định việc áp dụng các chính sách của chính phủ vào cuộc sống, vì vậy, việc mất kiểm soát cả hai viện trong Quốc hội đồng nghĩa với việc Tổng thống khó có thể đạt được những mục tiêu của mình.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cùng phu nhân. Ảnh: AP.

Thật vậy, con đường chính trị của ông chủ Nhà Trắng vốn đã gập ghềnh khó đi, nay lại xuất hiện thêm nhiều tảng đá lớn khác. Thứ nhất, những đề xuất trong việc bầu chọn các thành viên vào các vị trí trong nội các, thẩm phán, đại sứ và nhiều vị trí cần sự tin tưởng cao khác có nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của Thượng viện. Tiếp đó, một trong những đồng minh quan trọng của ông Obama tại Thượng viện - ông Harry Reid, lãnh đạo Dân chủ phe đa số bây giờ sẽ phải nhường chiếc ghế này cho một thành viên của đảng Cộng hòa, chúng ta đang nhắc tới Mitch McConnell. Thứ ba, phần lớn các chính trị gia đảng Dân chủ đã đồng loạt “buông” ông, những người này, trước đây càng ủng hộ ông Obama bao nhiêu thì bây giờ họ lại tìm cách tránh xa ông bấy nhiêu. Và cuối cùng, với việc không còn Thượng viện làm lá chắn, ông Obama chỉ được lựa chọn một trong hai phương án: phê chuẩn hoặc phủ quyết mỗi khi phe Cộng hòa đưa ra những dự luật, hoặc mới hoặc sửa đổi.

Nguyên nhân thất bại

Thông thường, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay còn được đánh giá như một cuộc bỏ phiếu “chấm điểm” cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Chính trường Mỹ trong 6 năm ông Obama cầm quyền luôn rơi vào tình trạng khó khai thông ở hàng loạt vấn đề như chi tiêu ngân sách, cải cách luật nhập cư đến kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe… do sự chia rẽ giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Ở trong nước, đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới dù có nhưng vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Thị trường lao động tuy có cải thiện, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 10 vẫn ở mức cao 5,9% so với mục tiêu 5% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt ra. Bên cạnh đó, việc ông Obama hồi tháng 9 vừa qua quyết định hoãn việc triển khai thực hiện dự luật cải cách nhập cư cho tới sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ được mô tả, theo lời Chủ tịch Hạ viện John Boehner, là mang “màu sắc chính trị” và đi ngược lại cam kết mà ông đưa ra hồi tháng 6. Theo đó, ông sẽ không dùng quyền hành pháp để triển khai dự luật cải cách nhập cư do lo ngại việc phe Cộng hòa chính trị hóa vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của dự luật cải cách. Tuy nhiên, động thái trên của ông Obama đã khiến những người ủng hộ cải cách nhập cư thất vọng.

Trong lĩnh vực đối ngoại, dù ghi điểm khi thực hiện được lời hứa rút quân khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan, song chính sách ngoại giao dưới thời Obama có thể coi là đã “thất bại thảm hại” từ Trung Đông cho tới châu Âu. Nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang “làm mưa làm gió” ở Iraq và Syria, mà chưa biết còn kéo dài bao lâu. Tiến trình hòa đàm Palestine - Israel không có bước tiến, thậm chí rơi vào bế tắc, đẩy mục tiêu hai Nhà nước Israel và Palestine cùng song song tồn tại xa vời thêm. Còn ở châu Âu, quan hệ giữa Mỹ và Nga dù được “cài đi đặt lại” song hiện đang có nguy cơ trở lại thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, kết quả là ngoại giao Mỹ-Nga lâm vào bế tắc. Trên hồ sơ Ukraina, ông Obama đã để cho các nhà ngoại giao của mình công khai ủng hộ những người biểu tình trên quảng trường Maidan chống lại một Tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp. Nước Mỹ lại có thái độ coi nhẹ Liên minh châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng bùng lên, và đã phá vỡ một khả năng thỏa hiệp với Nga ngày 21/4/2014. Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng phải chi nhiều tiền của, nhân lực cho cuộc chiến chống đại dịch Ebola đã xâm nhập vào bên trong lãnh thổ, đồng thời ứng phó với những vấn đề nổi cộm ở châu Á - Thái Bình Dương…

Tia sáng hi vọng

Mặc dù nhiều cử tri Mỹ không ủng hộ Tổng thống Obama nhưng chắc chắn thành viên của lưỡng đảng đều không ưa gì cảnh đấu đá đảng phải dẫn tới bế tắc trong hai năm qua, dẫn tới việc nền kinh tế Mỹ không thể phục hồi nhanh hơn và người dân Mỹ không được hưởng một chương trình phúc lợi toàn diện hơn. Trong bài phát biểu ngày 5/11 sau khi phe Cộng hòa giành quyền kiểm soát lưỡng viện trong Quốc hội Mỹ, ông Obama cam kết cộng tác với các đối thủ thuộc đảng Cộng hòa, đồng thời đề nghị phe này ủng hộ ông trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola và lực lượng thánh chiến IS. Cùng ngày, Tổng thống Obama cũng cho biết thêm rằng, Washington đã đưa ra đề xuất khung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, theo đó cho phép Tehran đáp ứng các nhu cầu năng lượng cần thiết với mục đích hòa bình. Theo ông, Mỹ đã đưa ra quyết định này nhằm giúp Iran có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng cần thiết mà không vi phạm các cam kết về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông không nêu các chi tiết của thỏa thuận khung này.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.